Học sinh chuyên đã học các môn nâng cao ở bậc thpt có thể được công nhận, miễn ở bậc đại học

N. Hoa| 07/02/2018 10:49

KHPTO - Theo GS.TS. Nguyễn Đình Đức, trưởng ban đào tạo Đại học quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN), từ năm 2005, ĐHQGHN đã bắt đầu từng bước áp dụng các yếu tố tích cực của phương thức đào tạo tín chỉ và đến nay đã triển khai đào tạo toàn diện trong toàn ĐHQGHN ở cả bậc đại học và sau đại học.

Hình thức liên thông giữa các cấp bậc đào tạo cũng đã được triển khai. Những em học sinh chuyên đã học các môn nâng cao (như ngoại ngữ, tin học) ở bậc THPT có thể được công nhận, miễn ở bậc đại học, hoặc đã học các môn nâng cao trong chương trình chất lượng cao có thể được miễn các môn đó trong chương trình thạc sĩ. Nhờ vậy, ĐHQGHN đã có 421 sinh viên (từ QH.2011 - QH.2014) tốt nghiệp sớm từ 3 tháng tới 18 tháng (chủ yếu tập trung tại các trường ĐH khoa học xã hội và nhân văn, ĐH kinh tế và khoa quốc tế).

Phương thức đào tạo theo tín chỉ tại ĐHQGHN được triển khai theo 2 giai đoạn. Trong giai đoạn 1 (2006 - 2010), ĐHQGHN đã triển khai áp dụng 4 yếu tố cốt lõi tích cực của phương thức đào tạo theo tín chỉ, đó là: chuyển đổi chương trình; xây dựng đề cương học phần; áp dụng phương pháp dạy - học theo tín chỉ và kiểm tra đánh giá theo tín chỉ. Giai đoạn 2 (từ 2010 đến nay), ĐHQGHN áp dụng đầy đủ và toàn diện các phương thức của đào tạo theo tín chỉ, hội nhập với quốc tế, từng bước tăng cường tính liên thông, linh hoạt trong kế hoạch học tập; tiếp tục hoàn chỉnh nội dung, chương trình đào tạo.

Nhờ có mô hình đào tạo theo tín chỉ, các chương trình đào tạo đã được thiết kế theo chuẩn đầu ra với các khối kiến thức liên thông trong ĐHQGHN, trong lĩnh vực, nhóm ngành và trong đơn vị. Chính vì vậy đã phát huy được thế mạnh liên thông, liên kết để phát triển chương trình đào tạo. Năm 2007, ĐHQGHN mới có 291 chương trình đào tạo với 74 chương trình đại học và 217 chương trình sau đại học. Sau 10 năm, đến nay ĐHQGHN đã có 416 chương trình đào tạo được triển khai, trong đó có 136 chương trình đại học và 112 chương trình tiến sĩ và hơn 30 chương trình thí điểm các loại. Nhờ đó, quy mô đào tạo đại học chỉ trong vòng 5 năm từ 2012 (5.700) đến nay đã tăng 40% (8.000, năm 2017).

Trong đào tạo theo tín chỉ, sinh viên được chủ động chọn thời khóa biểu phù hợp với kế hoạch cá nhân, được chọn lớp, chọn thầy.  ĐHQGHN cũng đã triển khai trao đổi tín chỉ với các trường đại học trong và ngoài nước. Sinh viên được tích lũy tín chỉ trong và ngoài ĐHQGHN.

Cũng nhờ áp dụng đào tạo theo tín chỉ, ĐHQGHN đã phát huy thế mạnh liên ngành, liên lĩnh vực (sinh viên tích lũy đủ số tín chỉ theo yêu cầu của hai chương trình đào tạo sẽ được cấp 2 văn bằng). Tính đến ngày 30/9/2017, ĐHQGHN đã cấp bằng kép cho 1.780 sinh viên (trong đó bằng kép nội bộ là 476, bằng kép khác trường là 1.304) và hơn 2.500 sinh viên đang học bằng kép. Tính đến nay, ĐHQGHN có 58 chương trình đào tạo bằng kép cho 23 ngành.

Đào tạo tín chỉ cũng cho phép dùng chung học liệu, phòng thí nghiệm, phòng thực hành, cơ sở vật chất, tổ chức học tập các môn chung trong toàn ĐHQGHN, triển khai mô hình đào tạo a + b cũng như tin học hóa triệt để quản lý đào tạo.

Cơ cấu ngành nghề cũng thay đổi mạnh mẽ: đến nay, 15% quy mô của ĐHQGHN là các ngành kỹ thuật - công nghệ và 25% là liên ngành. Nhiều ngành mới, cơ cấu tổ chức mới đã được hình thành, đáp ứng xu thế và yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0 và yêu cầu về nguồn nhân lực của đất nước trong giai đoạn mới như Viện khoa học công nghệ tiên tiến, Viện hàng không vũ trụ, Viện tài nguyên và môi trường, ngành kỹ thuật hạ tầng, ngành công nghệ kỹ thuật xây dựng, công nghệ kỹ thuật giao thông, an ninh phi truyền thống, robotic, biến đổi khí hậu... và trên cơ sở đó đã thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao; thu hút được các nguồn lực hợp tác trong và ngoài nước và nguồn kinh phí cho đầu tư cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm và phát triển.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, từ thực tiễn triển khai cũng cho thấy nhiều bất cập, hạn chế đang tồn tại, cần được tháo gỡ trong thời gian tới như: quy mô mở các ngành, chuyên ngành tăng quá nhanh, dẫn đến tản mạn nguồn lực và ảnh hưởng đến chất lượng; một số môn học còn trùng lặp giữa các bậc đào tạo; việc sắp xếp thời khóa biểu mới theo các đơn vị, chưa được xếp chung trong toàn ĐHQGHN nên sinh viên còn bị chồng chéo lịch học; việc triển khai thực hành, thực tế cho sinh viên, kiểm tra việc tự học của sinh viên theo tín chỉ có nhiều hạn chế; việc kiểm tra đánh giá giữa kỳ, cho điểm chuyên cần cũng như đánh giá cuối kỳ cần được xem xét, điều chỉnh lại cho phù hợp hơn và kiểm soát chặt chẽ hơn nữa; mức kinh phí cho giảng dạy, biên soạn bài giảng, giáo trình cần điều chỉnh cho phù hợp hơn, sát với thực tế; chế độ bồi dưỡng, đào tạo cán bộ giảng viên cần được quan tâm hơn nữa, cũng như các chính sách đãi ngộ, thu hút giảng viên giỏi, tài năng cần được quan tâm đặc biệt; việc đào tạo bằng kép cần giám sát và quản lý chặt chẽ để tránh hiện tượng học ngành “chính thành phụ, phụ thành chính”; đổi mới đào tạo theo tín chỉ phải gắn với đổi mới tuyển sinh, gắn với đổi mới mô hình, cơ cấu tổ chức và cơ chế tự chủ của ĐHQGHN và các đơn vị; công tác đoàn - hội cho sinh viên cũng cần được tổ chức và quản lý phù hợp hơn nữa với hình thức đào tạo theo tín chỉ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Học sinh chuyên đã học các môn nâng cao ở bậc thpt có thể được công nhận, miễn ở bậc đại học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO