GS.TS. Võ Tòng Xuân: Nên tập trung trồng giống lúa năng suất cao, ngắn ngày, kháng rầy nâu

06/06/2008 15:14

Hội nghị an ninh lương thực toàn cầu do Tổ chức lương nông Liên hiệp quốc (FAO) tổ chức đang diễn ra tại Roma (Ý) từ ngày 3 - 5/6/2008 với kế hoạch hành động khẩn trương trước nguy cơ khủng hoảng lương thực trên thế giới hiện nay. Nhân sự kiện này, Khoa Học Phổ Thông đã trao đổi với GS.TS. Võ Tòng Xuân (ảnh), hiệu trưởng Trường đại học An Giang, một trong những chuyên gia hàng đầu của ngành nông nghiệp Việt Nam, về các vấn đề nóng bỏng của tình hình lương thực của thế giới và Việt Nam.

l PV: Trước việc giá gạo gia tăng và nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu, giáo sư có suy nghĩ gì?

- GS.TS. Võ Tòng Xuân: Do dự báo về khả năng khủng hoảng lương thực mà giá gạo đã tăng lên rất nhanh. Ngày 12/4/2008 vừa qua, Thái Lan đã xuất khẩu gạo với giá 1.000 USD/tấn. Sở dĩ giá gạo tăng nhanh là do Philippines vào lúc ấy còn chưa gặt lúa. Ngoài ra, còn có nguyên nhân sâu xa là nhiều quốc gia đang thu mua các loại ngũ cốc để dùng làm năng lượng. Ví dụ như ở Mỹ, năm 2005 quốc hội nước này thông qua luật năng lượng mới cho thế kỷ 21, chủ yếu khuyến khích người dân chạy xe bằng nhiên liệu có pha cồn để giảm ô nhiễm khí quyển và giảm tiêu thụ nhiên liệu dầu mỏ truyền thống. Các vùng đất trồng bắp ở Mỹ được chuyển thành vùng nguyên liệu sản xuất ra cồn. Nhà máy chưng cất cồn từ bắp mọc lên rất nhiều, thu hút một lượng lương thực lớn. Bên cạnh đó, năm nay châu Âu và châu Phi bị thất thu lúa mì, bắp, đậu nành, cũng đã góp phần làm tăng nhu cầu về gạo.

Trước tình hình đó, Philippines tính chuyện mua gạo dự trữ. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm giá gạo châu Á tăng lên. Theo tôi, tình hình lạm phát cũng góp phần đẩy giá gạo lên.

Theo phân tích của các nhà kinh tế, mầm mống lạm phát có nguyên nhân từ việc giá dầu tăng cao. Việc điều hành vĩ mô phải được cân nhắc kỹ lưỡng. Xăng dầu nhập về bán giá thấp thì nhà nước phải bù lỗ. Thiết nghĩ, số tiền bù lỗ này không lớn so với những thiệt hại xã hội do lạm phát gây ra. Đây là chi phí cần thiết để giữ bình ổn xã hội. So với các nước xung quanh, lạm phát ở Việt Nam hiện nay ở mức khá cao.

lChâu Á có bị thiếu hoặc khủng hoảng lương thực?

- Trước tình hình lương thực thế giới như hiện nay, luật cung cầu của kinh tế thị trường sẽ quyết định. Nếu giá gạo lên cao, nó làm cho các nước thiệt hại thấy rằng, cây lúa đã đến lúc lên ngôi. Trung Quốc, Indonesia, Philippines đã có những nỗ lực quan tâm đến việc trồng lúa. Indonesia quyết tâm năm tới sẽ có đủ gạo, Thái Lan cũng vậy. Ở Việt Nam, mấy tuần nay, Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn có họp bàn về tăng vụ lúa thứ ba. Hẳn chúng ta còn nhớ, năm 1993 giá gạo Việt Nam tăng gấp đôi, vì năm đó mùa hè ở Nhật Bản rất lạnh, làm cho mùa lúa thất bát, nên họ mua gạo của miền Bắc Trung Quốc, khiến miền Bắc Trung Quốc thu mua hết gạo của miền Nam, làm miền Nam bị thiếu hụt phải sang mua gạo của Việt Nam. Lúc đó, nông dân thấy cây lúa lên ngôi. Năm kế đó, thời tiết ở Nhật Bản trở lại bình thường, Trung Quốc không bị thiếu gạo nên không mua gạo của Việt Nam, khiến giá gạo ở Việt Nam rớt xuống. Năm tới đây, tôi nghĩ cũng sẽ như vậy, nhưng mặt bằng giá không xuống thấp lắm, vì các nguyên liệu đầuvào đã tăng cao. Theo tôi, thiếu lương thực có thể xảy ra ở châu Phi hay Nam Mỹ chứ không tại Trung Quốc và Ấn Độ.

lTình trạng thay đổi khí hậu của Trái đất có ảnh hưởng đến an toàn lương thực thế giới?

- Thay đổi khí hậu ảnh hưởng đến nhiều thứ. Thời tiết bất thường, cây lúa không phát triển tốt. Trong từng quốc gia, nhà nước và các nhà khoa học phải lo tìm mọi cách giảm thiểu thiệt hại do thời tiết gây ra.

Thời tiết biến đổi ở Việt Nam cũng gây ra những khó khăn nhất định, nhưng các nhà khoa học của ta đã có những nghiên cứu kỹ cho cây lúa, nông dân Việt Nam có nhiều kinh nghiệm, nhất là ở vùng ĐBSCL (tránh lũ, tránh mặn như thế nào...), nên miền Nam ít mất mùa hơn. Chúng ta đã tạo được giống lúa ngắn ngày (chỉ 75 ngày), dài ngày nhất cũng chỉ 100 ngày, năng suất cũng được 4 tấn/ha, trong khi giống lúa Thái Lan dài đến 140 ngày. Về mặt an toàn lương thực, với chính sách đổi mới của Đảng và nhà nước, chúng ta không thể thiếu đói được. Lúc này, chúng ta nên dùng giống lúa ngắn ngày, kháng rầy nâu, không nên chạy theo người Thái trồng các giống lúa chất lượng cao dài ngày - cho cơm thơm ngon, nhưng năng suất thấp (3 tấn/ha). Ở Việt Nam chắc không có nông dân nào chịu trồng loại lúa đó và cũng không có lãnh đạo địa phương nào “chịu” giống lúa chỉ 3 tấn/ha. Việt Nam cũng có loại lúa cho gạo ngon cơm và năng suất cao (có thể đạt 5 tấn/ha), nhưng không kháng được rầy nâu. Theo tôi, nên tập trung trồng giống lúa năng suất cao, ngắn ngày, kháng được rầy nâu, để mình có dư gạo chia sẻ với châu Phi.

Với việc Trái đất nóng dần lên, có thể vùng ĐBSCL sẽ bị ngập vào 50 năm tới, đương nhiên lúc ấy, con cháu mình sẽ lo, nhưng bây giờ mình phải báo trước. Trong 10.000 năm qua, các chu kỳ lên - xuống như vậy đã tạo ra những dòng chảy mới. Sắp tới đây, không biết biển sẽ dâng lên như thế nào, nhưng trước mắt ta nên có bờ bao che chắn.

Giải pháp chống ô nhiễm môi trường của các nước là giảm đi lượng khí CO2 thải ra bằng việc sửa chữa các nhà máy (giải pháp này rất tốn kém). Cách thứ hai là giảm bớt khí CO2 thải ra như Nhật và Mỹ đã làm. Ngoài ra, cần phải cải tiến về xăng, dầu, đưa dầu sinh học vào sử dụng, khuyến khích người dân có trách nhiệm bảo vệ môi trường, không phá rừng để giữ gìn bầu khí quyển.

lGiáo sư suy nghĩ gì về sự phát triển ồ ạt các khu công nghiệp ở nhiều địa phương làm giảm diện tích cây lúa như hiện nay?

- Chúng ta có nhược điểm là ưa bắt chước: tỉnh này bắt chước tỉnh kia, huyện này bắt chước huyện kia mà không căn cứ vào điều kiện thực tại, không suy tính địa phương mình có gì thuận lợi, nhu cầu thị trường là gì, cứ chạy theo người ta, họ có thì mình phải có... Việc phát triển các khu công nghiệp hiện nay lung tung quá. Rất may các nhà đầu tư chưa “vô” nhiều. Họ gặp nhiều thứ phiền phức về môi trường. Theo Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn, mỗi năm ta mất 700.000 ha đất nông nghiệp, nhưng theo điều tôi nghe từ các đại biểu quốc hội thì chúng ta chỉ mất khoảng 100.000 ha. Điều cần nói, đây là loại đất tốt. Các nhà đầu tư đi vào những nơi phải có điều kiện như khu đất giáp đường, gần TP.HCM hay các thành phố lớn khác.

Thiết nghĩ, nhà nước nên có quy hoạch phát triển khu công nghiệp ở những vùng đất trồng cây không hiệu quả, rồi đầu tư mạnh về giao thông, nhà cửa, trường học, hạ tầng cơ sở đến những vùng xa, vùng sâu; mạnh dạn vay tiền làm hạ tầng tốt để thu hút đầu tư. Làm như vậy là góp phần phát triển nông thôn vùng xa, rút ngắn khoảng cách với đô thị. Hiện nay, chúng ta lo nhiều cho đô thị, cho các doanh nghiệp nhà nước, trong khi việc đầu tư cho nông thôn chưa nhiều. Nên chăng, nhà nước nên xem xét lại và quan tâm nhiều hơn đến việc phát triển các khu công nghiệp để không bị mất dần các vùng đất tốt, và người nông dân không bị mất việc. Họ có tiền do bán đất, nhưng sẽ không có việc làm căn cơ! v

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
GS.TS. Võ Tòng Xuân: Nên tập trung trồng giống lúa năng suất cao, ngắn ngày, kháng rầy nâu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO