GS. PHAN HUY LÊ - Một đời cống hiến cho lịch sử

HÀ ANH| 04/07/2018 08:15

KHPTO - GS. Phan Huy Lê vừa qua đời ở tuổi 84 vào chiều ngày 23/6, để lại bao tiếc thương cho nhiều thế hệ học trò, các nhà nghiên cứu lịch sử nước ta. Giáo sư được biết đến là nhà khoa học tâm huyết có nhiều đóng góp cho nền sử học nước nhà và là một người thầy mẫu mực ưu tú. Hành trình nghiên cứu khoa học của nhà sử học Phan Huy Lê là cuộc hành trình tự học, tự nghiên cứu không mệt mỏi, tất cả xuất phát với niềm đam mê nghiên cứu sử học.

Giáo sư, nhà giáo nhân dân Phan Huy Lê, viện sĩ thông tấn Viện hàn lâm văn khắc và mỹ văn (Cộng hòa Pháp), sinh ngày 23/2/1934 tại xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh.

Năm 1952, ông đến Thanh Hóa học dự bị đại học. Ông dự định sẽ theo đuổi ngành khoa học tự nhiên tại Đại học sư phạm Hà Nội nhưng GS. Trần Văn Giàu và GS. Đào Duy Anh nhận thấy ông là người có năng lực đặc biệt về khoa học xã hội nên đã hướng ông vào học ban sử - địa.

Năm 1956, ông Phan Huy Lê vừa tốt nghiệp cử nhân sử - địa đã được nhận ngay vào bộ môn lịch sử Việt Nam cổ trung đại, khoa lịch sử Trường đại học tổng hợp Hà Nội dưới sự chỉ dẫn trực tiếp của GS. Đào Duy Anh.

Nhờ sự hướng dẫn của GS. Đào Duy Anh, ông được đào sâu hơn về nền sử học Việt Nam, ngoài ra GS. Đào Duy Anh giao cho viết bài giảng và đảm nhiệm các công việc của những chuyên gia thực thụ.

GS. Phan Huy Lê còn được rèn luyện và học tập dưới sự hướng dẫn của những giáo sư có nhiều kinh nghiệm đã giúp ông hiểu sâu rộng hơn về bộ môn lịch sử Việt Nam.

Trong điều kiện học tập khó khăn, ông đã phải tự đặt ra cho bản thân những nguyên tắc học tập và làm việc, coi công việc hàng ngày là quan trọng bậc nhất và là nguồn động lực đi vào con đường nghiên cứu khoa học.

Năm 1980, ông được công nhận chức danh giáo sư với hàng trăm công trình nghiên cứu có giá trị về lịch sử, trong đó có những công trình nổi bật như “Chế độ ruộng đất và kinh tế nông nghiệp thời Lê sơ”, “Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam”, “Khởi nghĩa Lam Sơn”, “Phong trào nông dân Tây Sơn”, “Lịch sử và văn hóa Việt Nam”, “Các giá trị truyền thống và con người Việt Nam hiện nay”, “Tìm về cội nguồn”, “Lịch sử Thăng Long - Hà Nội”...

Một trong những công trình nghiên cứu có giá trị của GS. Phan Huy Lê để lại là công trình “Lịch sử và văn hóa Việt Nam - Tiếp cận bộ phận”. Đây là công trình được Bộ khoa học và công nghệ cho biết là trường hợp duy nhất thuộc lĩnh vực sử học được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh lần 5 năm 2017.

Công trình gồm 9 chương, tập hợp nhiều bài báo, nhiều công trình nghiên cứu của GS. Phan Huy Lê trong thời gian 10 năm kể từ 1998 (cả trong nước và ngoài nước).

Điểm đặc biệt nhất ở công trình này là cách tiếp cận đa tuyến và toàn diện, mở rộng cả về không gian và thời gian trong lịch sử Việt Nam.

Nhớ về GS. Phan Huy Lê, chủ tịch Hội khảo cổ học Việt Nam - PGS.TS. Tống Trung Tín cho biết: GS. Phan Huy Lê là một cây đại thụ của nền sử học Việt Nam, ông là một con người có tinh thần làm việc rất cẩn thận, tác phong nghiên cứu rất khoa học, ông luôn cố gắng ở mức cao nhất để đạt tính hoàn thiện của một vấn đề sử học mà giáo sư đang quan tâm, giải quyết. Ông qua đời là sự mất mát rất lớn đối với ngành sử học nước nhà.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
GS. PHAN HUY LÊ - Một đời cống hiến cho lịch sử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO