Giống cây nào chống sa mạc hóa hiệu quả ở Ninh Thuận, Bình Thuận?

08/06/2007 15:54

Ngày 2/9/2006, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ban hành Chương trình hành động quốc gia chống sa mạc hóa giai đoạn 2006 - 2010 và định hướng đến năm 2020. Chính phủ đã xác định 4 vùng thực hiện chương trình này, là: Tây Bắc, duyên hải miền Trung, Tây Nguyên và tứ giác Long Xuyên.

Theo quan điểm trong văn kiện của Liên hiệp quốc thì sa mạc hóa là sự suy thoái đất đai tại các vùng khô hạn và vùng ẩm nửa khô hạn. Ở Việt Nam, chống sa mạc có nghĩa là ngăn chặn nguy cơ thoái hóa đất, phục hồi và cải tạo đất đang suy thoái và hoang hóa.

Duyên hải miền Trung, nhất là dọc Bình Thuận - Ninh Thuận, là nơi thiết nghĩ sẽ rất khó khăn cho công cuộc chống sa mạc hóa và đã có bao nhà khoa học trăn trở trồng cây gì trên vùng này để vừa chống hoang hóa đất vừa tạo thêm của cải cho xã hội. Vì sao? Vì đây là vùng khô hạn, lượng mưa hàng năm thấp nhất nước, địa hình có những vùng đồi cát, đụn cát khổng lồ, tốc độ cát bay lấn đất nông nghiệp lớn nhất nước, không phải giống cây nào cũng trồng tốt trên vùng đất này...

Ở đây, chúng tôi xin ghi lại ý kiến của một số nhà khoa học đề nghị một số giống cây có triển vọng giúp các nhà quản lý địa phương rộng đường chọn lựåa để tiến hành tốt đẹp chương trình hành động chống sa mạc hóa vùng duyên hải miền Trung.

CÂY PHI LAO

Cách đây hơn 20 năm, chúng tôi đã được gặp và làm việc với hai giáo sư lâm học đầu đàn, đó là GS. Thái Văn Trừng và GS. Lâm Công Định.

Ngày đó GS. Thái Văn Trừng nổi danh về công trình“Nghiên cứu thảm thực vật rừng mưa nhiệt đới”. Ông chú tâm về các loài thảo mộc ở núi rừng nhiều hơn. Còn GS. Lâm Công Định, có lẽ suốt đời ông, luôn trăn trở trồng loại cây gì trên vùng khô hạn này. Ngày ấy GS. Định đã nổi tiếng khi ông thực hiện công trình “Trồng phi lao phòng hộ vùng Tuy Phong”.

Cây phi lao tương tự cây thông song có điểm đặc biệt: sống không dễ ở vùng lạnh nhưng lại thích nghi, phát triển tốt ở vùng đồi cát, khô hạn.

Ngày nay, vùng rừng phi lao ở Tuy Phong của GS. Định vẫn còn, đang tăng trưởng và phát huy tác dụng. Tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng cũng đã đưa cây này vào danh mục cây trồng đất hoang ven bờ biển. Phi lao vẫn là cây đắc dụng cho vùng Ninh Thuận, Bình Thuận.

CÂY NEEM

Hơn 10 năm trước, cũng chính GS. Lâm Công Định là người đầu tiên đem giống cây neem về trồng thử nghiệm ở Ninh Thuận, Bình Thuận. Ngày nay, tại đấy đã có hơn 2.000 ha neem được trồng, phát huy hiệu quả kinh tế về nhiều mặt.

Neem (ở ta gọi là cây xoan chịu hạn) loại cây quen thuộc của người Ấn Độ, có thể giải quyết nhiều vấn đề: bảo vệ thực vật, chữa bệnh cho người và trong chừng mực nó có thể ngăn cản sự xói mòn đất.

Ở nông thôn Ấn Độ, người ta trồng neem trên các bờ ruộng và chung quanh nhà để chống nhiều loại côn trùng phá hoại. Hạt neem được nghiền thành bột làm thành thuốc trừ sâu, mủ neem lấy từ thân cây làm thành thuốc đánh răng hay xà bông dùng trong nhà. Lá neem pha chung với trà, uống giảm nhiệt, chống sốt rét. Mới đây các nhà khoa học còn khám phá thêm, trong dầu cây neem có chất làm chết tinh trùng và có thể sử dụng tốt cho việc ngừa thai.

Các rừng neem ở Ninh Thuận, Bình Thuận hiện nay đang phát huy tác dụng tốt về cải tạo đất, cải tạo tiểu khí hậu - thổ nhưỡng, chống cát bay và hạt neem thu hoạch ở đó đã được cung cấp cho một công ty ở TP.HCM sản xuất ra thuốc trừ sâu.

CÂY JATROPHA

Ở ta gọi là cây đậu cọc rào, cây dầu mè hay cây diesel. Nó có tên khoa học là Jatrophacurcus L., thuộc họ thầu dầu, là dạng cây bụi cao 2 - 5 m. Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Indonesia... đều quan tâm tới cây này, bởi nó có một đặc điểm kỳ diệu: trong hạt chứa tới 35-40% dầu, nếu chiết ép tốt cứ 3 - 3,5 kg hạt có thể cho ra một lít dầu thô. Mới đây chủ tịch Hội làm vườn Hàn Quốc kiêm chủ tịch Công ty Namuworld Oh Jea-chun cho biết, công ty của ông đã phối hợp với đối tác Ấn Độ áp dụng công nghệ tiên tiến (cấy mô) làm tăng tỉ lệ đậu trái và xử lý được các loại bệnh do virus gây hại, nâng cao năng suất loại cây này.

Tại Việt Nam, một dự án trồng cả ngàn hecta Jatropha bắt đầu triển khai ở Quảng Ninh, và tại Bình Phước một nhóm các nhà khoa học đầu ngành của Viện sinh học nhiệt đới đã tập trung nghiên cứu về cây này.

PGS.TS. Nguyễn Lân Hùng nói: Nó là cây của tương lai, cây của vùng khô nóng. Hiện nay khi các mỏ dầu trên thế giới đang bị vét sạch và tương lai gần, tình trạng thiếu nhiên liệu sẽ diễn ra thì người ta lại nhớ tới loại cây hoang dại này. Điều thú vị hơn, với nguồn gốc tổ tiên xa xưa ở châu Phi và các vùng khô nóng ở Bắc Mỹ và Caribê, nó có khả năng chịu hạn rất tài. Ngay ở những vùng có lượng mưa chỉ 300 mm/năm (bằng một nửa của Ninh Thuận - nơi khô nhất Việt Nam) nó vẫn sống được. Vậy, tại sao chúng ta không đưa nó thành cây tiên phong cho những vùng đang sa mạc hóa?

CÂY XƯƠNG RỒNG

Xương rồng mọc dễ dàng và khá nhiều ở Ninh Thuận tại các vùng khô hạn hoang hóa, nhưng đó là giống xương rồng không ăn được. Với đàn gia súc (bò, dê, cừu) của Ninh Thuận hiện nay khoảng nửa triệu con thì nhu cầu thức ăn gia súc là một con số khổng lồ trong khi địa phương chỉ mới phát triển chừng 1.500 ha cỏ cao sản. Suốt 6 tháng mùa khô, các nguồn cỏ và thức ăn tự nhiên bị cạn kiệt thì gia súc thiếu thức ăn. Trong khi đó, Ninh Thuận có 135.000 ha đất không có nước tưới trong diện có nguy cơ hoang mạc hóa, phần lớn hầu như không thể sản xuất.

Cũng xương rồng nhưng lại là xương rồng thực phẩm, tức là xương rồng rau, ăn ngon và bổ thì hiện nay Viện nghiên cứu bông và phát triển nông nghiệp Nha Hố - Ninh Thuận (nơi 10 năm trước nổi tiếng vì đã tạo được giống nho xanh chất lượng, gọi là nho NH1) đang có cả một “tập đoàn” rau xương rồng.

Xương rồng thực phẩm có nguồn gốc châu Mỹ với 2 giống OpuntiaNopalea. Ở Mexico trồng 24 loài trong đó có 15 loài dùng làm thức ăn gia súc, 6 loài lấy quả và 3 loài làm rau xanh (Opuntia ficus indica, Opuntia robustaNopalea cochellinifera). Ở vai trò thực phẩm, xương rồng cung cấp 27 kcal/100 g, trong đó hàm lượng protid 1,7 g, chất béo 0,3 g, calci 93 mg, sắt 1,6 mg... chưa kể 17 acid amin khác. Ở Mỹ, nó đã được chiết xuất pectin dùng vào sữa, bánh ngọt, mỹ phẩm...

TS. Lê Công Nông, phó viện trưởng viện nói trên cho biết, cơ quan này đã tuyển chọn và khảo nghiệm thành công 19 loài xương rồng thực phẩm bao gồm 3 loài lấy quả, 6 loài làm rau (2 loài nhập nội, 4 loài địa phương), 10 loài làm thức ăn gia súc. Viện sẵn sàng cung cấp giống và tài liệu kỹ thuật cho các địa phương và người dân có nhu cầu.

Như vậy, xương rồng xứng đáng đứng vào danh sách tiên phong những giống cây chuyên trị “sa mạc hóa”. Ninh Thuận, Bình Thuận có lẽ là nơi phù hợp nhất cho cây xương rồng vì nó đạt cùng lúc được 2 giải pháp: Một là tạo nguồn rau cho người và thức ăn cho gia súc. Hai là giúp cải tạo đất, tăng độ che phủ, chống xói mòn rửa trôi và góp phần cải thiện nguồn nước ngầm vốn rất khan hiếm tại đây. O

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giống cây nào chống sa mạc hóa hiệu quả ở Ninh Thuận, Bình Thuận?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO