Giáo dục đại học Việt Nam: Chuẩn bị cho sinh viên thích nghi trong thế giới đang thay đổi

Anh Thư| 07/12/2018 11:49

KHPTO - Sự thay đổi nhanh chóng của xã hội dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN4.0) đã đặt ra nhiều vấn đề cấp thiết. CMCN4.0 cần nền giáo dục (GD) 4.0 để chuẩn bị cho lực lượng lao động 4.0 và công dân 4.0, do vậy vấn đề đào tạo nguồn nhân lực cho nền CMCN4.0 là chủ đề được quan tâm nổi bật nhất hiện nay.

Để sống và thành công trong bối cảnh CMCN4.0

Trên cơ sở phân tích bản chất và tác động của CMCN4.0, năng lực cho thế kỉ 21 – cho nền công nghiệp 4.0 cùng với xem xét yếu tố điều kiện thực tiễn của Việt Nam, PGS.TS. Đinh Đức Anh Vũ, ban đại học, Đại học quốc gia TP.HCM, TS. Nguyễn Thị Thu Thuỷ, Vụ giáo dục đại học, TS. Lý Bình Nhung, Trường đại học khoa học xã hội TP.HCM, TS. Nguyễn Thị Hảo, Trường đại học kinh tế TP.HCM đề xuất những năng lực mà trường đại học Việt Nam cần trang bị cho sinh viên để chuẩn bị cho họ sống và thành công trong bối cảnh CMCN4.0.

Việc đề xuất năng lực cho sinh viên Việt Nam trong bối cảnh hệ thống giáo dục Việt Nam chưa sử dụng tiếp cận hệ thống và triển khai mang tính chất đồng bộ cho tất cả các chính sách quan trọng liên quan đến đổi mới, cải tiến trong ngành giáo dục. Do vậy, giáo dục đại học cần phải xem xét các yếu tố cơ bản liên quan từ giáo dục mầm non và phổ thông khi triển khai các sáng kiến, đổi mới ở giáo dục đại học. Ví dụ: trẻ mầm non và học sinh phổ thông không được nhà trường trang bị những năng lực cơ bản của người công dân trong thời đại mới một cách cơ bản, do vậy nếu giáo dục đại học thực hiện các cải tiến, sáng kiến mà không tính toán đến các yếu tố này sẽ khó đạt được hiệu quả.

Khoảng cách về trình độ phát triển của Việt Nam so với các quốc gia phát triển còn cao, tuy nhiên trong bối cảnh toàn cầu hoá sự cạnh tranh là bình đẳng. Do vậy, giáo dục đại học Việt Nam vừa phải giải quyết các vấn đề, tồn tại mang tính chất nội bộ của quốc gia vừa giải quyết các vấn dề mang tính chất toàn cầu trong thế giới phẳng. Xã hội thay đổi nhanh, liên tục và sâu sắc trên mọi mặt, nếu công dân của mỗi quốc gia không được chuẩn bị để thích nghi trong bối cảnh mới này sẽ bị bỏ lại phía sau sự tiến bộ của nhân loại.

Nhóm 1: năng lực nền tảng: giao tiếp, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, công nghệ, kỹ thuật số, thông tin, xuyên văn hoá.

Nhóm 2: năng lực thích nghi và sáng tạo, đổi mới: Tự nhận thức, Tự quản lý bản thân, Định hướng mục tiêu, Ra quyết định, Học tập tự định hướng, Tư duy sáng tạo, Tư duy biện luận, Khởi nghiệp.

Nhóm 3: năng lực chuyên môn (theo hướng xuyên ngành).

Trong đó, nhóm 1, năng lực nền tảng là các năng lực mỗi người lao động cần phải có để đảm bảo mức tối thiểu trong cuộc sống và công việc. Nhóm 2, năng lực thích nghi và sáng tạo, đổi mới là chìa khóa thành công cho mỗi người trong cuộc sống và công việc. Nhóm 3, năng lực chuyên môn là loại năng lực cần thiết cho từng lĩnh vực cụ thể có vai trò giúp người lao động nhanh chóng tiếp cận nhanh chóng và thành các nhiệm vụ chuyên môn.

Xác định tiếp cận chương trình giáo dục đại học phù hợp bối cảnh CMCN4.0

Trong nền công nghiệp 4.0 các chuyên gia dự đoán mỗi cá nhân sẽ có từ 10 - 15 công việc khác nhau trong cuộc đời làm việc của mình với tính chất công việc yêu cầu người lao động phải đồng thời am hiểu được nhiều lĩnh vực khác nhau trong một môi trường cạnh tranh toàn cầu. Ngoài ra, người lao động tham gia vào mô hình việc làm mang tính tương tác, sáng tạo, không theo thói quen và mang tính công nghệ. Vì thế cách tiếp cận truyền thống trong chương trình đào tạo sẽ không còn phù hợp với sự thay đổi của bối cảnh hiện tại và tương lai.

Trong lịch sử phát triển của lĩnh vực đào tạo có bốn cách tiếp cận chương trình giáo dục: tiếp cận đơn ngành nhằm mục đích tìm kiếm giải pháp cho một vấn đề thông qua lăng kính của một ngành học đơn nhất; tiếp cận đa ngành giúp người học có được kiến thức của từ hai hoặc nhiều ngành hơn để đóng góp các chuyên môn riêng biệt ấy vào tìm giải pháp cho một vấn đề; tiếp cận liên ngành giúp chuyển giao các phương pháp từ một môn học này sang môn khác để giải quyết một vấn đề; tiếp cận xuyên ngành là cách tiếp cận giúp người học cọ xát với những vấn đề phức tạp, có thật từ cuộc sống thực và giải quyết nó trên cơ sở tích hợp tri thức khoa học, kỹ năng của nhiều ngành khác nhau. Như vậy, xét về bản chất của CMCN4.0 yêu cầu nền giáo dục 4.0 phải sử dụng tiếp cận xuyên ngành trong xây dựng và triển khai chương trình.

Theo nhóm nghiên cứu, trong tiếp cận xuyên ngành, chương trình giáo dục sẽ có những đặc điểm như sau:

- Nhấn mạnh vào bối cảnh thực khi xây dựng các nội dung, chủ đề học tập cho sinh viên. Đây là cơ sở nền tảng giúp sinh viên không cảm nhận được khoảng cách giữa việc học ở môi trường giáo dục đaị học và đời sống thực sau khi tốt nghiệp.

- Các môn học có liên quan nhưng không tổ chức giảng dạy theo từng môn riêng biệt theo kiểu truyền thống như bắt đầu bằng những khái niệm, đặc điểm, lý thuyết của môn mà được tích hợp vào nhau ở mức cao nhất để góp phần giải quyết dự án độc lập do sinh viên đề ra. Đây là cách thức hiệu quả để giúp người học hình thành và rèn luyện năng lực trong quá trình đào tạo.

- Người học đóng vai trò là người đưa ra vấn đề dựa vào yêu cầu thực tiễn, sở thích, nhu cầu các nhân và là người tiến hành nghiên cứu các vấn đề đó dưới sự hỗ trợ của giảng viên và môi trường học tập áp dụng các công nghệ đột phá. Bằng cách này sinh viên phát huy tối đa tính sáng tạo và đổi mới, chuẩn bị cho việc hội nhập vào nền công nghiệp 4.0.

- Học tập theo cá nhân hoá ở mức cao độ ở tất cả các khía cạnh từ mục tiêu, nội dung, cách thức triển khai, phương pháp dạy và học, nhịp độ - tiến trình học tập, sở thích, nhu cầu, hứng thú. Học tập cá nhân hoá được thực hiện trên cơ sở giao thoa của các xu hướng giáo dục.

- Bằng cách này người học được chuẩn bị để trở thành những cá nhân tham gia vào nền công nghiệp 4.0 một cách chủ động, trở thành những người không chỉ thích nghi môi trường làm việc thay đổi mà còn có khả năng khởi nghiệp.

- Phương pháp học tập theo dự án được sử dụng chính trong giảng dạy giúp người học đạt tối đa các năng lực, chuẩn đầu ra chương trình đã được xác định.

Như vậy, với tiếp cận xuyên ngành cho chương trình giáo dục đại học chính là sự chuẩn bị chu đáo của trường đại học dành cho sinh viên. Sự chuẩn bị này sẽ giúp cho sinh viên có được năng lực thích ứng, sáng tạo, đổi mới, khởi nghiệp để tồn tại và phát triển trong bối cảnh nghề nghiệp luôn thay đổi của nền công nghiệp 4.0.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giáo dục đại học Việt Nam: Chuẩn bị cho sinh viên thích nghi trong thế giới đang thay đổi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO