Giảng dạy và học tập với bản đồ tư duy

02/11/2007 15:37

Để hướng học sinh đến một phương cách học tập tích cực và tự chủ, giáo viên không chỉ hướng dẫn các em khám phá các kiến thức mới mà còn phải giúp các em hệ thống được những kiến thức đó. Việc xây dựng một “hình ảnh” thể hiện mối liên hệ giữa các kiến thức sẽ mang lại những lợi ích đáng kể về các mặt: ghi nhớ, phát triển nhận thức, tư duy, óc tưởng tượng và khả năng sáng tạo... Một trong những công cụ hết sức hữu hiệu để tạo nên các “hình ảnh liên kết” là bản đồ tư duy.

Bản đồ tư duy là gì?

Bản đồ tư duy (mind map) là một hình thức ghi chép sử dụng màu sắc và hình ảnh, để mở rộng và đào sâu các ý tưởng. Kỹ thuật tạo ra loại bản đồ (mind mapping) được triển khai bởi Tony Buzan vào năm 1960.

Ở vị trí trung tâm bản đồ là một hình ảnh, hay một từ khóa thể hiện một ý tưởng hay khái niệm chủ đạo. Ý trung tâm sẽ được kết nối với các hình ảnh hay từ khóa cấp 1 bằng các nhánh chính, từ các nhánh chính này lại có sự phân nhánh đến các từ khóa cấp 2 để nghiên cứu sâu hơn. Cứ thế, sự phân nhánh cứ tiếp tục và các khái niệm hay hình ảnh luôn được nối kết với nhau. Chính sự liên kết này sẽ tạo ra một bức tranh tổng thể mô tả ý tưởng trung tâm một cách đầy đủ và rõ ràng.

Bản đồ tư duy hiện là một công cụ đang được sử dụng bởi hơn 250 triệu người trên thế giới, trong đó có các công ty lớn như HP, IBM, Boeing... Các tổ chức giáo dục và giáo viên các nước cũng không phải là những người đứng ngoài cuộc.

Những yếu tố nào đã làm cho bản đồ tư duy có tính hiệu quả cao và nền tảng của chúng là gì? Bản đồ tư duy đã thể hiện ra bên ngoài cách thức mà não bộ chúng ta hoạt động. Đó là liên kết, liên kết và liên kết. Mọi thông tin tồn tại trong não bộ của con người đều cần có các mối nối, liên kết để có thể được tìm thấy và sử dụng. Khi có một thông tin mới được đưa vào, để được lưu trữ và tồn tại, chúng cần kết nối với các thông tin cũ đã tồn tại trước đó.

Việc sử dụng các từ khóa, chữ số, màu sắc và hình ảnh đã đem lại một công dụng lớn vì đã huy động cả bán cầu não phải và trái cùng hoạt động. Sự kết hợp này sẽ làm tăng cường sự liên kết giữa hai bán cầu não, với kết quả là tăng cường trí tuệ và tính sáng tạo của chủ nhân bộ não.

Bản đồ tư duy là một công cụ hữu ích trong giảng dạy và học tập ở trường phổ thông, cũng như ở các bậc học cao hơn, vì chúng giúp giáo viên và học sinh trong việc trình bày các ý tưởng một cách rõ ràng, suy nghĩ sáng tạo, học tập thông qua biểu đồ, tóm tắt thông tin của một bài học hay một cuốn sách, bài báo, hệ thống lại kiến thức đã học, tăng cường khả năng ghi nhớ, đưa ra ý tưởng mới...

Một vài ví dụ về sử dụng bản đồ tư duy

Để tóm tắt kiến thức về giữ gìn vệ sinh cho học sinh, giáo viên có thể sử dụng một bản đồ tư duy với từ khóa trung tâm là “giữ gìn vệ sinh”, xung quanh từ khóa này là các từ khóa cấp một “ăn sạch”, “uống sạch”, “giữ vệ sinh cơ thể”... Sau đó các em được đề nghị tiếp tục điền thêm các từ khóa cấp độ nhỏ hơn... Để giảng về các loại trái cây thường được dùng trong đời sống hàng ngày, giáo viên có thể đưa ra từ khóa “trái cây”, sau đó đề nghị các em nêu tên các loại trái cây mà các em biết, kế tiếp mời một nhóm khác lên triển khai các ý tưởng xung quanh một loại trái cây đã được nêu tên về các mặt: hình dáng, cấu tạo, thời điểm xuất hiện trong năm...

Sau khi dạy hết chương về cấu tạo của nguyên tử, giáo viên có thể yêu cầu học sinh trình bày lại cấu tạo của nguyên tử dưới dạng một bản đồ tư duy. Trong giờ chủ nhiệm lớp, giáo viên và học sinh có thể cùng thực hiện một bản đồ tư duy về các công việc mà lớp phải thực hiện trong tuần kế tiếp như: trực trường, ôn bài theo nhóm, đi lao động, các môn sẽ có kiểm tra, các hoạt động văn nghệ, thể thao, dã ngoại, các hội thi phải tham gia... Nhiều môn học khác như địa lý, lịch sử, ngoại ngữ, vật lý và sinh học cũng có thể sử dụng công cụ này một cách dễ dàng và hiệu quả.

Một bản đồ tư duy có thể được thực hiện dễ dàng trên một tờ giấy với các loại bút màu khác nhau, tuy nhiên, cách thức này có nhược điểm là khó lưu trữ, thay đổi, chỉnh sửa. Một giải pháp được hướng đến là sử dụng các phần mềm để tạo ra bản đồ tư duy. Chẳng hạn như phần mềm Buzan’s Imindmap, có thể tải bản dùng thử 30 ngày; trang chủ tại http://www.imindmap.com; phần mềm Inspiration; có cả phiên bản dành cho trẻ em (các em từ mẫu giáo đến lớp 5) rất dễ dùng, nhiều màu sắc. Tải bản dùng thử 30 ngày tại http://www.inspiration.com. O

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giảng dạy và học tập với bản đồ tư duy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO