Giải thưởng sáng chế TP.HCM: Nhiều sáng chế ứng dụng hiệu quả trong cuộc sống

TUYẾT MAI| 22/09/2016 16:41

Sở khoa học và công nghệ (KH&CN) TP.HCM vừa tổ chức lễ báo cáo tổng kết Giải thưởng sáng chế TP.HCM lần thứ tư (2015 - 2016). Đợt này, ban tổ chức đã trao tổng cộng 10 giải, trong đó có 2 giải nhất, 3 giải nhì, 1 giải ba và 4 giải khuyến khích.

Theo ban tổ chức, từ khi phát động Giải thưởng sáng chế TP.HCM vào năm 2008, lượng đơn đăng ký sáng chế của thành phố đã bắt đầu tăng đều đặn: giai đoạn 2011 - 2015 đạt mức bình quân 200 đơn/năm so với 119 đơn/năm trong giai đoạn 2006 - 2010, gấp 1,68 lần và cao hơn so với chỉ tiêu yêu cầu 1,5 lần trong kế hoạch “Phương hướng, mục tiêu và nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH&CN) chủ yếu giai đoạn 2011 - 2015”. Tuy nhiên, số lượng 1.004 đơn đăng ký và 131 bằng độc quyền sáng chế/giải pháp hữu ích được cấp cho các chủ thể tại thành phố trong 5 năm qua vẫn chưa tương xứng với tiềm năng sáng tạo KH&CN của thành phố và càng chưa đáp ứng được nhu cầu hội nhập ở khía cạnh sở hữu trí tuệ.

Trong bối cảnh đó, tỷ lệ 10 bằng độc quyền được trao giải lần thứ tư này có khả năng thương mại hóa cao, trong số 131 bằng độc quyền được cấp trong giai đoạn 2011 - 2015 đã thể hiện ít nhiều về sự năng động của các nhà sáng chế tại thành phố trong xu thế khởi nghiệp và hội nhập hiện nay.

“Bộ bàn ghế dùng để phòng ngừa và điều trị các bệnh cột sống” là một sáng chế đoạt giải nhất và được cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích số 1375 của tác giả BS. Phạm Thị Kim Loan thể hiện rõ nét vai trò của các sáng chế độc quyền trong hoạt động sáng tạo và kinh doanh. Sáng chế vừa giúp hạn chế các nguy cơ về bệnh cột sống do các tư thế sai trong lao động hoặc sinh hoạt hàng ngày, vừa hỗ trợ chỉnh lý cột sống lưng cho người đã có các bệnh lý phát sinh từ các tổn thương ở cột sống lưng. Bước đầu, sản phẩm đã được cung cấp ra thị trường nước ngoài và cũng đã nhận bằng độc quyền tại Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đài Loan. Bên cạnh đó, các loại ghế cải tiến từ sáng chế này và các sản phẩm liên quan có cùng chức năng chăm sóc cột sống như gối, đệm, dép của tác giả đã nhận 12 bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích khác và 25 bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp tại nhiều nước như Singapore, New Zealand, Úc... cùng với 6 đơn đăng ký sáng chế đã chỉ định và đang được xem xét tại 55 nước khác nhau.

Một giải nhất khác được trao cho TS. DS. Nguyễn Thị Ngọc Trâm, tác giả của hai sáng chế: “Quy trình chiết chọn lọc phân đoạn alcaloid có hoạt tính sinh học điều trị bệnh ung thư từ lá cây trinh nữ hoàng cung” thuộc bằng độc quyền giải pháp hữu ích số 1168 và “Quy trình chiết chọn lọc phân đoạn chứa flavonoid có hoạt tính sinh học hỗ trợ điều trị bệnh ung thư từ lá cây trinh nữ hoàng cung”, thuộc bằng độc quyền giải pháp hữu ích số 1213. Với các quy trình có thể chiết kiệt và tách được các phân đoạn alcaloid và flavonoid có hoạt tính sinh học, kích thích miễn dịch, ngăn ngừa sự phát triển của tế bào u, tạo nguyên liệu sản xuất thuốc Crilin giúp điều trị các bệnh ung thư gan, phổi, tuyến tiền liệt và một số bệnh ung thư khác.

Sáng chế “Miệng cống thoát nước có lưới chắn rác cố định và miệng thu nước được chế tạo liền khối” của tác giả Đồng Xuân Dũng (Công ty cổ phần giải pháp xây dựng HT) đoạt giải nhì đã ứng dụng tốt trong đời sống. Hiện miệng cống thoát nước này đã được lắp đặt tại một số tuyến đường của TP.HCM, tỉnh Tây Ninh và thành phố Đà Nẵng với các ưu điểm: lưới ngăn rác có ngàm trượt và không thể tháo rời nên giảm mất mát; tăng chiều sâu miệng thu để hạn chế rác nhỏ đi xuống bên dưới; tăng dung tích thùng chứa để hạn chế rác lớn lọt vào hệ thống đường ống bên dưới gây ách tắc dòng chảy; đúc liền khối để bảo đảm khả năng chịu tải trọng cao của các loại xe trên mặt đường. Qua đó giúp việc thu gom rác được dễ dàng hơn và giảm nhẹ công lao động; ngăn mùi rất tốt so với các loại miệng cống trước đây và hạn chế được chuột, côn trùng đi lên từ hệ thống ống cống lên mặt đường; gọn nhẹ và tiện thi công, lắp đặt mà không ảnh hưởng đến kiến trúc xung quanh vì có thể dễ dàng kéo dài ống nối vào hệ thống cống khi cần lắp đặt tại những nơi có cột điện, trụ điện thoại, cây xanh... trên lề đường.

Tác giả Nguyễn Tuấn Anh sáng chế “Ghế đa năng” (giải ba), với chân ghế có thể thay đổi độ cao và mặt ghế có thể thay đổi độ cao theo chân ghế. Lưng ghế có thể ngả ra phía sau với điểm khác biệt là có thêm chân gập có thể mở ra, gập vào phía dưới mặt ghế để đỡ ghế khi lưng ghế được ngả ra. Cơ cấu khóa hãm cho phép khi chân gập chưa mở thì không thể ngả lưng ghế ra phía sau và khi lưng ghế ở tư thế ngả ra phía sau thì chân gập không gập vào được. Nhờ vậy, lưng ghế có thể ngả ra và dựng trở lại theo nhu cầu của người sử dụng một cách an toàn và dễ dàng. Ghế đã được sản xuất với trên 10 mẫu khác nhau phù hợp với người lao động trong nhiều ngành nghề khác nhau đang bắt đầu bán lẻ ra thị trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải thưởng sáng chế TP.HCM: Nhiều sáng chế ứng dụng hiệu quả trong cuộc sống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO