Giải pháp canh tác rau hữu cơ hiệu quả

TRẦN AN THY| 04/01/2019 06:20

KHPTO - Nông nghiệp hữu cơ hiện là lĩnh vực đầu tư có nhiều dư địa phát triển, doanh nghiệp cần phải có kỹ năng quản trị sản xuất và kinh doanh tốt, khai thác các kênh phân phối hiệu quả. Đó là nhận định của một số doanh nhân đã đầu tư sản xuất, kinh doanh nông sản hữu cơ tại chương trình tọa đàm: “Giải quyết bài toán thương hiệu và phân phối nông sản hữu cơ” vừa được tổ chức tại TP.HCM.

Thị trường nông sản hữu cơ

Phát biểu tại tọa đàm, diễn giả Nguyễn Lâm Viên, tổng giám đốc Công ty cổ phần Vinamit, cho rằng: “Nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch, thực phẩm an toàn của người dân là rất lớn, nhưng khách hàng thực sự của sản phẩm nông nghiệp hữu cơ (HC) tại Việt Nam hiện nay chỉ chiếm chưa tới 1% dân số. Trong khi sản xuất theo Tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt - GAP, đóng gói, bảo quản GAP đang phổ biến, giá thị trường rau quả tương đối bình ổn mà sản phẩm HC không khẳng định được thế mạnh riêng thì khó khăn trong phát triển thị trường”.

Giám đốc Công ty Organica, bà Phạm Phương Thảo chia sẻ, khó khăn lớn nhất đối với những người sản xuất, kinh doanh sản phẩm HC hiện nay chính là người tiêu dùng thiếu thông tin, thiếu kiến thức về sản phẩm HC với những câu hỏi: “Sản phẩm HC có gì khác so với sản phẩm thông thường? Làm sao để nhận biết đâu là sản phẩm HC thật sự?”…

Đại diện của Hiệp hội tiêu dùng phản ánh, trong khi chúng ta chưa đưa ra được tiêu chuẩn sản xuất nông sản HC thì hàng loạt cửa hàng, cửa hiệu đã tung hô “sản phẩm HC” và bán sản phẩm “vườn nhà”, sản phẩm sạch “từ tâm”, sản phẩm không bón phân hóa học, không dùng thuốc bảo vệ thực vật... Khi khách hàng hỏi căn cứ nào để xác định sản phẩm HC hoặc giấy tờ nào xác nhận sản phẩm “sạch”, sản phẩm HC thì không có. Cách làm trên chẳng khác gì “treo đầu dê, bán thịt chó”. Một vài trang web của công ty, cửa hàng đưa ra thông tin sản phẩm HC ngon, ngọt hơn sản phẩm “hóa chất” hay sản phẩm thông thường nhưng trên thực tế đa phần không như những lời tán dương đó.

Hiệp hội rau quả Việt Nam nhận định, có rất nhiều kênh phân phối nông sản, trong đó có những kênh dành cho sản phẩm HC và dư địa rất lớn nếu nhìn ra thị trường thế giới và ngay cả thị trường trong nước với nhóm có thu nhập cao và nhóm kỳ vọng sản phẩm HC an toàn hơn sản phẩm thông thường. Vấn đề là các nhà sản xuất và doanh nghiệp ngành hàng HC cần tuân thủ nghiêm ngặt việc sản xuất, đóng gói, bảo quản... theo tiêu chuẩn các thị trường chấp nhận.

Giải pháp nào sản xuất nông sản HC?

Theo Hội làm vườn Việt Nam, việc sản xuất nông sản HC hoàn toàn không khó và là phương thức sản xuất truyền thống của Việt Nam trước năm 1960. Nếu những chân đất, mùa vụ, giống phù hợp được đầu tư phân xanh, phân chuồng, phân cá, đậu, bắp... sau ủ hoai và chăm sóc tốt, rau trái rất ngon. Về nông

sản chăn nuôi cũng vậy, cứ cân đối khẩu phần là sản phẩm chất lượng. Tuy nhiên, bảng tiêu chuẩn sản xuất nông sản HC (Bộ nông nghiệp) cũng đang lấy ý kiến và các tiêu chuẩn sản xuất nông sản HC quốc tế cụ thể hóa thành nhiều chi tiết từ đất, nước, giống, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, vận chuyển, con người, cơ sở vật chất... phải đạt.

Ông Viên nói thêm, sản xuất sản phẩm HC rất cần minh bạch về đất trồng không nhiễm độc chất (nếu có phải cải tạo), nước tưới sạch, hệ thống tiêu nước, sử dụng giống HC không biến đổi gen (nếu giống từ sản xuất thông thường phải đạt yêu cầu của quy định), nhà sơ chế, chế biến phải đảm bảo an toàn thực phẩm, chống tái nhiễm, gây ngộ độc thực phẩm...

Về khâu phân phối, theo cô Phạm Phương Thảo, nếu đầu tư sản xuất, kinh doanh thực phẩm HC, doanh nghiệp phải xác định được phân khúc khách hàng rõ ràng. Chi phí sản xuất và giá bán sản phẩm HC hiện đang cao hơn sản phẩm thông thường khá nhiều khiến khách hàng “dội”. Khó khăn nhất là doanh nghiệp không tự tổ chức sản xuất nông sản HC (hoặc thông qua vệ tinh, có chứng nhận) mà thu mua từ bên ngoài sẽ rất khó thuyết phục người tiêu dùng.

Từ đây, nhiều chuyên gia cũng chỉ ra rằng, muốn đầu tư sản xuất, kinh doanh nông sản HC phải xây dựng, củng cố niềm tin cho người tiêu dùng và khai thác hiệu quả các kênh phân phối. Trước hết sản phẩm HC phải được sản xuất trong môi trường thật sự “hữu cơ”. Các nông phẩm được sản xuất trong môi trường không hóa chất, không phân vô cơ, không thuốc trừ sâu... mà được sản xuất bằng các nguyên liệu HC với sự kiểm soát của môi trường sinh học, môi trường sinh thái. Thực hiện có hiệu quả việc kết nối nhóm người sản xuất sản phẩm HC với nhóm người tiêu dùng. Hiện nay, xu thế tiêu dùng sản phẩm HC đang lan rộng và là cơ hội cho người sản xuất và doanh nghiệp phát huy.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp canh tác rau hữu cơ hiệu quả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO