Đường vào đại học: Thấy gì từ cuộc thi năm ngoái?

22/02/2008 10:19

Hệ số chọi K (tỷ lệ thí sinh dự thi đại học và chỉ tiêu tuyển sinh) của năm 2007 chỉ là 5,21, so với 7,38 của năm 2002, có phần thấp hơn. Điều này không có nghĩa là thi đại học ngày càng dễ. Đó là do giải pháp “3 chung” đã tác động tích cực đến việc tự phân luồng của thí sinh sau THPT, lựa chọn trường phù hợp với năng lực học tập và khả năng của mình hơn. Thử nhìn lại cuộc thi năm ngoái để tham khảo xu hướng tuyển sinh đại học trước khi đặt bút làm hồ sơ đăng ký dự thi năm nay.

Thí sinh có khả năng mới thi đại học

Năm 2007, có ba nguyên nhân chính khiến cho kỳ thi tuyển sinh đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) hệ chính quy có tỷ lệ số thí sinh dự thi so với số hồ sơ đăng ký dự thi thấp hơn so với năm 2006: tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT), bổ túc THPT năm 2007 thấp hơn nhiều so với năm 2006; tác dụng tích cực của cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục”, thí sinh đã cân nhắc kỹ, thận trọng hơn về khối thi, trường dự thi và ngành học phù hợp với khả năng, nguyện vọng và điều kiện cụ thể của bản thân; tác dụng tích cực trong việc phân luồng học sinh sau THPT, thể hiện trong việc số thí sinh đăng ký dự thi cao đẳng tăng đáng kể so với các năm trước.

Năm 2007, có 35,76% tổng số thí sinh dự thi đủ cả ba môn đạt tổng điểm thi từ 15 điểm trở lên (năm 2006 là 20,80%), trong đó ở khối A là 37,40%, khối B 49,68%, khối C 21,87%, khối D 20,33%. Có 15 thí sinh khối A đạt tổng điểm ba môn thi là 30 điểm. Tổng số thí sinh có ba môn bị điểm 0 là 84 (năm 2006 là 3.493), tập trung chủ yếu ở khối A (57 thí sinh) và khối C (24 thí sinh).

Năm 2007, toàn quốc có 155 đại học, học viện và 176 trường cao đẳng được giao chỉ tiêu tuyển sinh, trong đó có 135 trường đại học thi theo đề thi chung và 125 trường cao đẳng có tổ chức thi; 20 trường đại học và 51 trường cao đẳng dựa vào kết quả thi đề chung của Bộ giáo dục và đào tạo; 5 trường đại học khối năng khiếu thi theo đề thi riêng; 10 trường ĐH, CĐ được nâng cấp và thành lập mới cũng đã triển khai công tác tuyển sinh. Có 92 đại học, học viện, trường đại học đã tổ chức thi đợt 1 (khối A và V), 84 đại học, học viện đã tổ chức thi đợt 2 (khối B, C, D và các khối năng khiếu). Ở hai đợt thi đại học năm 2007, toàn quốc có 1.054.082 thí sinh dự thi, trên tổng số 1.496.942 hồ sơ đăng ký dự thi. Các trường đã công bố điểm xét tuyển nguyện vọng (NV) 2 và tuyển được 112.779 thí sinh, chiếm 31,0% tổng chỉ tiêu. Như vậy, tổng số thí sinh trúng tuyển theo NV1, NV2 là 343.394, đạt 94,43% tổng chỉ tiêu. Sau đó, các trường đã công bố và gửi giấy triệu tập trúng tuyển NV3 và tiếp tục tuyển 20.225 thí sinh (ĐH là 9.130, CĐ là 11.095).

Nếu xét về số thí sinh trúng tuyển theo đối tượng, khu vực và nguyện vọng, kỳ thi vừa qua cho thấy, thí sinh nữ đậu đại học có phần “nhỉnh” hơn so với nam một chút. Riêng đối với ngành sư phạm, ngày càng có nhiều thí sinh chọn ngành này, cụ thể năm 2007 đã có 45.587 thí sinh thi đậu vào các trường đại học sư phạm, cao đẳng sư phạm.

Cách thi và đề thi ngày càng hoàn thiện hơn

Kỳ thi năm 2007 có khá nhiều thay đổi so với trước. Ngoài môn ngoại ngữ thi bằng phương pháp trắc nghiệm từ năm 2006, năm 2007 mở rộng thêm ba môn thi bằng trắc nghiệm là vật lý, hóa học và sinh học. Các thí sinh đoạt giải trong kỳ thi quốc gia chọn học sinh giỏi theo chương trình THPT lớp 12, sau kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy theo đề chung của Bộ giáo dục và đào tạo, phải có kết quả thi từ điểm sàn trở lên, không có môn thi nào bị điểm 0, mới được các trường đại học, cao đẳng ưu tiên xét tuyển theo quy định của từng trường. Tổ chức thi chung một đợt cho các trường cao đẳng thay vì thi rải rác trong hơn nửa tháng như trước. Bộ ra đề thi trắc nghiệm bốn môn là ngoại ngữ, vật lý, hóa học và sinh học, các trường cao đẳng tự ra đề với các môn còn lại. Năm nay (2008) cũng có thêm một số thay đổi: ở khối D, môn ngoại ngữ, ngoài tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp và tiếng Trung, môn ngoại ngữ còn được bổ sung thêm tiếng Đức và tiếng Nhật; Bộ giáo dục và đào tạo tổ chức biên soạn đề thi dùng chung cho các trường cao đẳng có tổ chức thi (kể cả các môn thi bằng phương pháp trắc nghiệm và các môn thi tự luận), trừ các môn năng khiếu.

Đề thi trong thời gian gần đây phần lớn đều theo chương trình THPT, chủ yếu lớp 12, không quá khó, có khả năng phân loại được thí sinh. Một số đề thi có cải tiến nhằm chống học lệch, học tủ. Năm vừa qua, đề thi được thực hiện với sự tham gia của 70 giảng viên đại học và giáo viên THPT cả ba miền Bắc, Trung, Nam, trong đó khoảng một nửa là giáo viên THPT. O

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đường vào đại học: Thấy gì từ cuộc thi năm ngoái?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO