Đường đi của một anh hùng lao động

20/05/2006 02:47

Ngày nay với những bước tiến khổng lồ của y học, người mang mầm ung bướu ác tính nếu phát hiện sớm và được chữa trị kịp thời thì ung thư không phải là bệnh nan y, PGS.BS. Nguyễn Chấn Hùng khẳng định như vậy.

PGS. BS. Nguyễn Chấn Hùng cùng các sinh viên của mình

Từ mấy chục năm qua ông đã cùng đồng nghiệp lăn xả vào công việc vừa giảng dạy, điều trị, vừa xây dựng và quản lý một bệnh viện chuyên khoa ung bướu lớn nhất ở phía Nam. Dù ở mặt trận nào ông cũng đều làm hết sức mình và để lại những dấu ấn vô cùng sâu sắc, làm “để ung thư không còn bất trị”.

Ông hiện là Giám ađốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM (từ năm 1990), cán bộ giảng dạy ngành Ung bướu học phía Nam, Chủ nhiệm bộ môn Ung thư học kiêm bộ môn Giải phẫu thực hành trường Đại học Y Dược TP.HCM, Chủ nhiệm bộ môn Ung bướu học Trung tâm Đào tạo và bồi dưỡng cán bộ y tế TP.HCM, Chủ tịch Hội Chống ung thư TP.HCM, Phó chủ tịch Hội Chống ung thư Việt Nam.

* * *

Nhìn lại chặng đường dài mình đã đi qua, mới đây đã hơn 30 năm, ông xúc động kể:

Tốt nghiệp Đại học Y khoa Sài Gòn năm 26 tuổi (năm 1970), ông làm ở khoa Ung thư Bệnh viện Bình dân, hai năm sau trình luận án tiến sĩ y khoa, 30 tuổi lấy bằng học đại học ngành ung thư học và trở thành giảng viên duy nhất về ung thư học của Đại học Y khoa Sài Gòn. Được sự dìu dắt của người thầy uyên bác và đáng kính là GS. Đào Đức Hoành đầu ngành ung thư học Đại học Y khoa Sài Gòn, Giám đốc bệnh viện Bình dân. Như mọi bác sĩ trong lứa tuổi quân dịch, ông đóng lon trung úy bác sĩ biệt phái là giảng viên Đại học Y khoa Sài Gòn năm 1973. Sau giải phóng, ông học cải tạo 4 tháng.

Bước chân ra khỏi trại, từ đó “tôi đặt những bước đầu tiên trên con đường y nghiệp theo Chủ nghĩa xã hội mà phía trước tôi chưa biết gì hết”.

Ông được tiếp tục giảng dạy tại Đại học Y Dược TP.HCM vừa là trưởng khoa Ung bướu của Bệnh viện Bình dân. Năm 1985, ông được trao trọng trách Phó Giám đốc Trung tâm Ung bướu rồi Giám đốc. Trên cương vị mới ông đã làm hết sức mình để góp phần phát triển ngành ung thư như ngày hôm nay.

Trước đây, ung thư bị xã hội dành cho cái nhìn nặng nề của tứ chứng nan y. Người bệnh chỉ biết đến khám và điều trị ở vài cơ sở như khoa Ung thư Bệnh viện Bình dân hay Viện Ung thư Quốc gia Gia Định vắng vẻ với số giường bệnh ít ỏi. Năm 1985 Trung tâm Ung bướu hình thành từ trên cơ sở thiếu thốn về mọi mặt: nhân sự, cơ sở trang thiết bị vật tư, phải đảm nhiệm một địa bàn quá rộng cho cả khu vực phía Nam. Đặc biệt từ năm 1990 khi trở thành giám đốc bệnh viện, với sự năng động, xông xáo và dám nghĩ dám làm ông đã lèo lái đưa Trung tâm Ung bướu trở thành bệnh viện chuyên khoa ung bướu lớn nhất phía Nam, cơ sở giảng dạy và đào tạo chính thức chuyên khoa ung bướu học của Đại học Y Dược TP.HCM.

Trung tâm Ung bướu TP.HCM có 1.100 giường bệnh nội trú, hằng ngày trên 1.500 người đến khám và điều trị trong ngày. Trong 10 năm trở lại đây, Trung tâm Ung bướu nay là Bệnh viện Ung bướu đã trở nên quá tải. Người bệnh đến đây không được nằm viện mà phải nói là “ngồi viện” hoặc “đứng viện”.

Trước năm 1975, số bác sĩ chuyên ngành ung thư chỉ đếm trên đầu ngón tay, làm việc rải rác ở một số bệnh viện như Bình dân, Chợ Rẫy, Từ Dũ. Để có thể trị được những khối u ác tính, không cách nào khác là phải có một đội ngũ bác sĩ giỏi. Tổ chức đào tạo người tại chỗ, người giỏi kèm người yếu là hướng đi chính của Bệnh viện Ung bướu. Để có lớp bác sĩ trẻ, đủ năng lực, tâm huyết, bệnh viện đã thực hiện cả một chiến lược đào tạo từ lý thuyết đến thực hành. Đầu tiên, ông tổ chức thi tuyển bác sĩ đa khoa mới ra trường một cách công khai, sắp đặt vừa học vừa làm thêm 3 năm ở 3 lĩnh vực hóa trị, xạ trị, phẫu trị... Sau đó học tiếp chuyên khoa 1 và 2, đồng thời tạo điều kiện cho đi nước ngoài tập huấn. Đến nay, hầu hết các bác sĩ của Bệnh viện Ung bướu (khoảng 130 người) đều có bằng chuyên khoa 1, chuyên khoa 2, 20 thạc sĩ, 5 tiến sĩ và 10 nghiên cứu sinh...

Bệnh viện Ung bướu đã xây dựng được một mô hình điều trị ung thư hợp lý hội tụ cả ba phương thức: phẫu thuật, hóa trị và xạ trị. Riêng phẫu thuật ung thư, đây là nơi rất mạnh ở phía Nam, đi theo hướng nghiên cứu, điều trị tiên tiến của thế giới. Bệnh viện đã có đủ các loại thuốc chống ung thư mới nhất nhập từ nước ngoài, có khá nhiều trang thiết bị hiện đại với đội ngũ thầy thuốc có tay nghề cao.

Để giảm tải cho bệnh viện, ông đã rất chú ý đến xây dựng và phát triển mạng lưới phòng chống ung thư ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Đến nay, các Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cần Thơ, Tiền Giang, Kiên Giang, Khánh Hòa và Bệnh viện Chợ Rẫy, Hùng Vương, Từ Dũ đã có khoa Ung bướu.

Năm 2004, bệnh viện Ung bướu cùng với PGS.BS. Nguyễn Chấn Hùng - Giám đốc bệnh viện được Nhà nước phong tặng Huân chương lao động hạng 3.

Một thầy thuốc mát tay

BS. Chấn Hùng là người nổi tiếng mát tay, được tín nhiệm đến nỗi, nhiều bệnh nhân khi có nghi ngờ ung thư vú thường đòi được ông trực tiếp khám. Ông có cảm thấy hạnh phúc vì điều này? Ông cười sảng khoái: “Là bác sĩ chuyên khoa Ung bướu nay lại đi sâu về bệnh tuyến vú. Chị em thường muốn đích thân tôi khám tức là “nhìn và rờ”. Cũng có lúc tôi thấy mình thật hạnh phúc vì được bệnh nhân tin cậy. Có một bệnh nhân nữ ngoài 40 tuổi khi biết mình mắc ung thư vú đã khóc và nói: bác sĩ làm ơn chữa giùm để cho tôi có thể sống chỉ thêm hai năm nữa để con tôi lớn thêm chút nữa. Nhiều năm sau đó, trong sân trường Đại học Y có một sinh viên gặp tôi và nói: em chính là con gái của bà N., thầy nhớ không, mẹ em giờ vẫn khỏe mạnh. Những niềm hạnh phúc như vậy nhiều đến nỗi tôi không thể nhớ hết được”.

Nhà giáo và nhà khoa học

Ông đã có công lớn trong việc góp phần xây dựng ngành ung bướu học. Ông đã xây dựng chương trình và trực tiếp giảng dạy lý thuyết cũng như thực tập về ung bướu học cho điều dưỡng, kỹ thuật viên, sinh viên y nha dược, cán bộ chuyên khoa sau đại học. Đã xuất bản rất nhiều sách về chuyên ngành ung thư như: Ung thư học lâm sàng, Ung bướu học lâm sàng...

BS. Phạm Xuân Dũng, Phó Giám đốc, Trưởng khoa nội 2 Bệnh viện Ung bướu cho biết: BS. Hùng đã làm thay đổi quan niệm về ung thư. Phần lớn kỹ thuật mổ ung thư ở Bệnh viện Ung bướu hiện nay đều do thầy Hùng truyền lại. Vốn thuật ngữ ung thư học bằng tiếng Việt hiện nay cũng do chính thầy chuyển ngữ và làm phong phú lên. Trước đây chúng tôi phải học và sử dụng thuật ngữ nước ngoài mà nếu nói với bà con thuật ngữ đó thì họ không hiểu được.

Ông còn là chủ nhiệm của nhiều đề tài khoa học có giá trị, nổi bật là: Chương trình Việt - Mỹ thí điểm phòng ngừa ung thư cổ tử cung tại TP.HCM và triển khai chương trình tầm soát ung thư phụ nữ (cổ tử cung và vú), nghiên cứu mối liên hệ chất độc màu da cam với các ung thư phần mềm và lymphô. Hướng dẫn hàng trăm đề tài nghiên cứu ung thư cho các bác sĩ chuyên khoa 1, 2, cao học và nghiên cứu sinh, tiến sĩ.

Với quan niệm sai lầm, ung thư là cầm chắc cái chết nên nhiều người không thèm đi trị bệnh. Chứng kiến nhiều cái chết thương tâm mà xuất phát chính từ sự thiếu hiểu biết của người dân, không còn cách nào khác là phải phổ cập kiến thức về ung thư đến người dân mà cách khả thi nhất là viết sách cho mọi người hiểu nó không hẳn là “bất trị”. Với đối tượng này, ông đã chuyển đổi những từ ngữ chuyên khoa khô cứng, khó hiểu, ghê sợ của ung thư học thành thể văn dân dã và gần gũi - đây cũng là một biệt tài của ông. Cụ thể là cuốn sách “Tìm hiểu bệnh ung thư” của ông xuất bản từ năm 1993 nhưng tới 1999 đã phải tái bản tới 9 lần. Cũng với cách diễn đạt gần gũi và dí dỏm mà những buổi nói chuyện về ung thư của ông tại các cơ quan, xí nghiệp trở nên rất hấp dẫn. Từ những việc làm này, tới nay những từ “ung bướu”, “xạ trị”, “hóa trị”... đã trở thành từ “cửa miệng” của mọi người và căn bệnh ung thư đã bớt làm sợ người ta hơn.

* * *

Quản lý một bệnh viện lớn và thêm một số bộ môn ở trường đại học, chìm ngập trong công việc nhưng thường thấy ông thư thái, nhẹ nhàng. “Những lúc mệt mỏi, căng thẳng nhất tôi tiêu khiển bằng cách đọc Kim Dung, nghe nhạc cổ điển”. Hàng ngày, sáng sớm ông thường tập Thái cực quyền. Và nữa, ông nói thêm: “Tôi may mắn có một người vợ, một người bạn đời tâm đầu ý hợp, đã hơn 30 năm qua chúng tôi luôn có nhau và cùngnhau”.

Con đường ông và những đồng nghiệp tiên phong đầy khó khăn giờ đã rộng mở... Nay ở tuổi 62, ngoái nhìn lại con đường đã qua, ông thấy “lâng lâng đã đời”. Mặc dù không phải là Đảng viên song ông đã sống và làm việc như một người cộng sản thực thụ trên mặt trận khoa học - mặt trận chống ung thư.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đường đi của một anh hùng lao động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO