Dùng ý tưởng “khởi nghiệp toàn cầu” để thúc đẩy kinh tế số

A.T| 29/08/2019 07:42

KHPTO - Tại diễn đàn kinh tế quốc tế thường niên do khoa kinh doanh và quản trị, Trường đại học RMIT Việt Nam vừa tổ chức, các nhà khoa học, lãnh đạo doanh nghiệp và chuyên gia kinh tế đã cùng thảo luận về những phương thức đưa kinh tế Việt Nam đóng góp và hưởng lợi từ nền kinh tế số toàn cầu.

Tại diễn đàn, trưởng phòng đào tạo sau đại học – khu vực châu Á tại RMIT Việt Nam, PGS. Victor Kane đã chia sẻ về Global Born – thuật ngữ dùng để chỉ những doanh nghiệp khởi nghiệp toàn cầu, trong bối cảnh doanh nghiệp ngày càng tích cực tham gia vào nền kinh tế số.

PGS. Kane nói: “Kinh tế số toàn cầu được dự đoán trị giá 11,5 ngàn tỷ USD và sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới. Việt Nam đã đạt được những thành công nhất định như dịch vụ xe chia sẻ hoàn toàn mới, các kênh thương mại điện tử và lưu trú đang thách thức những hệ thống bán lẻ hiện có, cũng như các công ty tài chính công nghệ và giải pháp thanh toán. Nhiều công ty trong số đó đã ngay lập tức kết nối với khách hàng và các nhà cung cấp trên khắp thế giới”.

TS. Nguyễn Quang Trung, chủ nhiệm bộ môn kinh doanh quốc tế thuộc khoa quản trị và kinh doanh, mô tả công ty khởi nghiệp toàn cầu là “doanh nghiệp mạo hiểm nhắm vào các khoảng trống trên thị trường toàn cầu ngay từ ngày đầu thành lập” – đây là nhóm doanh nghiệp quyền lực với tiềm năng vô cùng lớn trong kinh doanh quốc tế.

Theo các nhà khoa học, dù vẫn còn nhiều thách thức trong gầy dựng một doanh nghiệp khởi nghiệp ở Việt Nam, nhưng hệ sinh thái khởi nghiệp trong nước đã có những cải thiện đáng kể nhờ những hành động kịp thời từ Chính phủ cũng như các bước tiếp cận chủ động từ phía doanh nghiệp.

Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia đang trong quá trình hình thành và dự kiến sẽ là hạt nhân thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước dựa trên đổi mới sáng tạo, khoa học và công nghệ trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra nhanh chóng. Trung tâm sẽ ưu tiên tập trung vào các nhà máy thông minh, nội dung kỹ thuật số, an ninh mạng, thành phố thông minh và công nghệ môi trường.

Với tư cách cựu giám đốc điều hành của nhiều công ty công nghệ tại Việt Nam như Sony Ericsson Việt Nam, Yahoo Việt Nam và Microsoft Việt Nam, phó chủ tịch VNG phụ trách Cloud Services, ông Vũ Minh Trí chia sẻ về 5 yếu tố phổ biến trong các công ty tạo dựng được thành công trên quy mô toàn cầu: giải quyết các vấn đề có quy mô toàn cầu, mở rộng quy mô nhanh, phát triển trong hệ sinh thái, vượt lên đổi mới sáng tạo, và chọn những gì tốt nhất hiện có trong các lĩnh vực.

Ông dùng câu chuyện của Kodak để dẫn chứng về việc “đập bỏ, làm mới”, đã qua mặt “đổi mới sáng tạo” như thế nào, và khuyến khích các doanh nghiệp khởi nghiệp hãy bứt phá khỏi ranh giới của đổi mới sáng tạo thông thường với câu chuyện của Instagram.

TS. Trung còn đưa ra một bộ câu hỏi dành cho những ai muốn khởi tạo một doanh nghiệp khởi nghiệp toàn cầu. Bộ câu hỏi, được trích từ nghiên cứu của ông và đồng nghiệp - Khởi nghiệp toàn cầu: Bạn đã có đủ điều kiện cần chưa? Bao gồm đam mê mạo hiểm, thấy được triển vọng quốc tế và có định hướng kinh doanh quốc tế, có chiến lược khác biệt, có sức khỏe tốt, thấy thoải mái với sự mạo hiểm, sẵn lòng đón đầu thất bại, khả năng tận dụng tiến bộ công nghệ thông tin và truyền thông, có mô hình thích hợp cho quản trị doanh nghiệp, và có quyền quyết định.

Diễn đàn kinh doanh quốc tế thường niên của Trường ĐH RMIT Việt Nam ra mắt từ năm 2017 với mục tiêu tạo ra một không gian để các bên có liên quan trong các lĩnh vực phát triển kinh doanh và kinh tế, như chuyên gia trong ngành, các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia kinh tế trong nước và quốc tế, có thể tụ hội và thảo luận về các chủ đề kinh tế và kinh doanh quan trọng ở Việt Nam. Đây còn là cơ hội để giao lưu kết nối giữa các ngành nghề và các lĩnh vực nghiên cứu khác nhau.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dùng ý tưởng “khởi nghiệp toàn cầu” để thúc đẩy kinh tế số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO