Đừng chọn sai ngành nghề!

14/03/2008 16:26

ThS. Lê Thị Ngọc Dung, Viện nghiên cứu xã hội TP.HCM cho biết: “Do hướng nghiệp chưa đúng, chọn nghề sai nên có nhiều sinh viên đã học năm thứ hai, thứ ba mà vẫn còn băn khoăn, dao động vì ngành học chưa phù hợp. Một số bạn trẻ không thấy hứng thú, đôi khi còn bất mãn với nghề mình chọn”. Nhiều nhà khoa học đã bàn thảo sôi nổi vấn đề này tại hội thảo “Giáo dục và định hướng giá trị nghề nghiệp xã hội cho học sinh - sinh viên”, do Viện nghiên cứu giáo dục tổ chức.

Không biết ra trường sẽ … làm gì!

Theo khảo sát của Trường đại học khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, ngành sử chỉ có 10% sinh viên tốt nghiệp có việc làm đúng chuyên ngành đã học. Tình trạng này lặp lại tương tự ở một số ngành học khác, nhìn chung tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm đúng chuyên ngành cũng chỉ ở mức 30 - 50%. Thực tế có một số sinh viên học năm thứ nhất, thứ hai đã bỏ học vì không biết ra trường mình sẽ làm gì; một số khác thì chọn đường thi lại, học thêm một bằng kỹ sư, cử nhân khác phù hợp với bản thân. Khảo sát tại Trường đại học bách khoa TP.HCM thì có 52,6% sinh viên năm cuối chưa có kế hoạch tìm việc, 46,3% chưa có ý định trau dồi nghề nghiệp, 44,8% không hình dung được nghề của mình sau 5 năm học.

ThS. Dung nhận xét: “Một số bạn trẻ bị tác động từ cha mẹ, sự rủ rê của bạn bè đã chạy theo một số ngành nghề thời thượng như: công nghệ thông tin, đối ngoại, quản trị kinh doanh... Nhưng sau một thời gian học tập, các bạn không thấy thích thú, phù hợp, từ đó sinh ra chán nản, một số bị khủng hoảng tinh thần”. Các chuyên gia ngành giáo dục cho rằng: việc chọn nghề không chỉ liên quan đến sở thích, mà còn phụ thuộc vào các yếu tố khác như năng lực, phẩm chất, cá tính... Có ba yếu tố ảnh hưởng tới chọn nghề: nhận thức nghề nghiệp, thái độ nghề nghiệp và hành vi nghề nghiệp. Các yếu tố này gắn kết với nhau, giúp cá nhận chọn nghề đúng và phù hợp với mình. Nếu các yếu tố đó không hài hòa được với nhau thì việc chọn nghề, hướng nghiệp sai sẽ gây hậu quả lớn: lãng phí công sức, tiền của. Các nguyên nhân dẫn đến việc định hướng nghề nghiệp sai là: chưa đánh giá đúng giá trị bản thân, không tự lượng được khả năng, tố chất của mình, thêm vào đó, không hiểu rõ nguồn thông tin về ngành học, công việc sẽ làm sau khi tốt nghiệp, đặc thù của nghề...

Cần “đánh thức” công tác hướng nghiệp sinh viên

Bà Phạm Thị Mỹ Lệ, giám đốc Công ty tư vấn nguồn nhân lực L&A nhận xét: “Công tác hướng nghiệp cho sinh viên hiện nay chưa được chú trọng đúng tầm, nên việc sinh viên sau khi tốt nghiệp mất phương hướng về nghề nghiệp là điều dễ hiểu, hai đặc điểm có thể nhận thấy rõ nhất là phần lớn ứng viên không tự tin về bản thân và kỹ năng xin việc dưới trung bình”.

ThS. Nga cho rằng: “Đã đến lúc sinh viên cần được “đánh thức” về nhận thức tầm quan trọng của công tác hướng nghiệp như thế nào. Có rất nhiều nguyên nhân nhưng có thể thấy, nguyên nhân quan trọng là hiện nay lực lượng tư vấn hướng nghiệp cho sinh viên của chúng ta đang thiếu hụt trầm trọng, chúng ta chưa xây dựng được một khung cho công tác giáo dục hướng nghiệp”. Tại hội thảo Pháp - Á về các vấn đề và hướng đi của khoa học hướng nghiệp, Bộ giáo dục và đào tạo cho biết, chỉ tính riêng trong hệ thống các trường, số lượng nguồn nhân lực về giáo dục và tư vấn hướng nghiệp cần được đào tạo đã lên tới 10 ngàn người. ThS. Nga đề nghị các trường đại học cần có trung tâm hỗ trợ hướng nghiệp. Hiện nay, hầu hết các trường đại học nổi tiếng trên thế giới đều có trung tâm dịch vụ hướng nghiệp cho sinh viên trước và sau khi tốt nghiệp đại học. Những chương trình phát triển nghề nghiệp được thiết kế giúp sinh viên có thể kết nối với các chuyên gia cố vấn, họ được hướng dẫn thực hành những công việc thực tế, được đào tạo về kiến thức và có những lời khuyên để có một kế hoạch quản lý nghề nghiệp bài bản và hiệu quả. O

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đừng chọn sai ngành nghề!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO