Dùng bã mía trong nuôi tôm nước lợ an toàn sinh học

QUANG TRÍ| 03/01/2019 13:17

KHPTO - Những năm gần đây, dịch bệnh trên tôm nuôi nước lợ diễn biến phức tạp dẫn đến rủi ro trong nuôi tôm cao, chi phí nuôi tôm ngày càng tăng, nguy cơ mất an toàn thực phẩm cao do bà con phải sử dụng nhiều loại hóa chất kháng sinh… Trước tình hình này, mô hình nuôi tôm an toàn sinh học bằng cách tận dụng bã mía được xem là giải pháp nuôi tôm mới bước đầu mang lại hiệu quả cho bà con nuôi tôm.

Đối với những ao tôm quản lý tốt, việc kiểm soát amoniac được kiểm soát bởi tảo nhưng đối với các ao nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh thì lượng amoniac trong ao rất lớn nên phần lớn được tích tụ dưới đáy ao. Lượng amoniac dư thừa sẽ trở thành nguồn dinh dưỡng cho các vi khuẩn cố định đạm qua phản ứng nitrat hóa và tạo ra chất độc NO2. Để giải quyết vấn đề môi trường nước lúc này, giải pháp thay nước là đơn giản và hiệu quả nhất.

Tuy nhiên, việc thay nước đối với ao nuôi tôm nước lợ không phải lúc nào cũng thực hiện được do hầu hết các hộ nuôi tôm thiếu ao lắng để xử lý nước trước khi cấp nước cho ao nuôi, mầm bệnh trong môi trường cao, dịch bệnh diễn biến phức tạp. Chính vì thế, để triệt tiêu hết các hợp chất chứa nitơ vô cơ như ammonia (NH3) và nitrit (NO2) nhằm giúp tôm phát triển tốt thì việc bổ sung carbon (C) vào ao nuôi được xem là khả thi nhất.

Qua tìm hiểu thực tế ở nước ta, bã mía trong các nhà máy đường được thải ra hàng năm rất lớn, chiếm 20 - 30% lượng mía đem ép. Đây là phụ phẩm có rất nhiều carbon hữu cơ, cụ thể thành phần của bã mía khô có khoảng 45 - 55% cellulose, 20 - 25% hemicellulose, khoảng 18 - 24% lignin, 1 - 4% tro và gần 1% sáp. Tùy theo loại mía và đặc điểm nơi trồng mía mà thành phần hóa học các chất có trong bã mía khô có thể thay đổi. Do đó, bột bã mía là một nguyên liệu rất tốt dùng để bổ sung carbon hữu cơ vào trong ao nuôi tôm nước lợ thâm canh, bán thâm canh.

TS. Vũ Anh Tuấn, phân viện trưởng Phân viện thủy sản Minh Hải (Cà Mau) là người đã đi khảo sát, nghiên cứu và nuôi thử nghiệm phương pháp nuôi tôm bằng bã mía nhận định phương pháp này có thể nói là thành công nhất hiện nay dù không phải 100% tôm không bị bệnh nhưng tỷ lệ chết giảm. Theo ông Tuấn, bột bã mía thường được dùng cho trồng trọt để bổ sung các chất như: sắt, kẽm, phosphor cho cây. Ở trong nước, bột bã mía cũng giúp bổ sung chất khoáng cho hệ thực vật như tảo phát triển... Khi ứng dụng phương pháp này, hệ vi sinh vật có lợi phát triển rất tốt, từ đó làm pH trong nước ổn định. Chính vì vậy, người nuôi không cần phải dùng nhiều vôi, hóa chất nâng độ pH trong nước, nhất là trong hai tháng đầu, nên chi phí đầu tư cũng giảm đáng kể.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dùng bã mía trong nuôi tôm nước lợ an toàn sinh học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO