Dự án nhà máy phong điện đầu tiên ở Lâm Đồng

LÊ TRỌNG| 03/04/2009 17:10

Nếu như không có gì thay đổi thì vào năm 2010, Nhà máy điện gió đầu tiên ở Lâm Đồng sẽ chính thức được khởi công xây dựng tại thôn Trường Thọ, xã Xuân Trường, TP. Đà Lạt, với tổng kinh phí đầu tư xây dựng lên đến 57 triệu USD.

Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đang có xu hướng tìm nguồn năng lượng sạch thay thế dầu mỏ. Đối với những quốc gia có tiềm năng về năng lượng gió, phong điện sẽ là nguồn năng lượng thay thế chiến lược.

Tiềm năng phong điện

Việt Nam được đánh giá là nơi có tiềm năng gió lớn nhất khu vực Đông Nam Á (theo tổ chức True Wind Solution của Mỹ, 2001), với tổng công suất điện gió ước đạt khoảng 513.360 MW (cao hơn 200 lần công suất của Nhà máy thủy điện Sơn La và hơn 10 lần tổng công suất dự báo của ngành điện năm 2020). Lâm Đồng là tỉnh được đánh giá là có diện tích vùng gió lớn ở Việt <_st13a_country-region><_st13a_place>Nam.

Qua phân tích bản đồ (atlas) gió của Lâm Đồng, có thể thấy tiềm năng gió tập trung ở khu vực phía bắc, nhiều nhất ở các huyện Lạc Dương, Đơn Dương và TP. Đà Lạt. Vận tốc gió trung bình năm lớn nhất là 8 m/giây - 8,5 m/giây, chủ yếu tại các đỉnh núi ở huyện Lạc Dương và TP. Đà Lạt; vận tốc gió trung bình, từ 7,5 đến 8 m/giây, chủ yếu ở Lạc Dương và TP. Đà Lạt; vận tốc 7 - 7,5 m/giây chủ yếu tập trung ở Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng và một phần Di Linh; vận tốc gió trung bình năm tại Lâm Hà, Đức Trọng, Di Linh và Bảo Lâm là từ 6,5 đến 7 m/giây. Như vậy theo ước tính, tổng diện tích khu vực có tiềm năng gió trên địa bàn Lâm Đồng là 557.271 ha (khoảng 57,1% diện tích cả tỉnh). Các nơi có tiềm năng gió phân bố trên diện tích lớn là Đức Trọng (98%), TP. Đà Lạt (97%) và Lạc Dương (85%). Ở cấp độ vận tốc gió từ 7,5 đến 8 m/giây, dẫn đầu là TP. Đà Lạt (55% diện tích), rồi đến Lạc Dương (29,6%), Di Linh (7,1%) và Đơn Dương (6,4%). Riêng hai huyện Đạ Tẻh và Cát Tiên không có tiềm năng gió lớn. Tổng công suất phong điện tiềm năng có thể lắp đặt trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng ước khoảng gần 22.300 MW.

Các khảo sát và đánh giá tiềm năng phong điện của Công ty cổ phần giao thông Cavico cho thấy Lâm Đồng hiện có hai khu vực có khả năng phát triển nhà máy điện gió, đó là vùng núi LangBian và khu vực Nhà máy chè Cầu Đất. Tại một trạm đo gió cao 60 m cũng đã được lắp đặt tại Cầu Đất để quan trắc các thông số gió, kết quả tính toán cho thấy tốc độ gió trung bình năm tại đây ở độ cao 60 m là 6,8 m/giây; có tháng có tốc độ gió trung bình lên đến 11,4 m/giây với hai hướng chủ đạo là tây - tây nam và đông bắc. Từ những số liệu thực tế, đối chứng với số liệu của Đài khí tượng thủy văn và các kết quả thu được từ các dự án đo gió khác, có thể khẳng định tiềm năng năng lượng gió tại khu vực này là thuộc loại lớn ở Việt Nam và việc xây dựng tại đây một nhà máy phong điện quy mô lớn có tính khả thi cao.

Bản đồ xác định tiềm năng gió ở Lâm Đồng

Dự án điện gió Cầu Đất

Theo báo cáo đầu tư của Công ty giao thông Cavico, nhà máy phong điện sẽ được đầu tư xây dựng ở thôn Trường Thọ, xã Xuân Trường, TP. Đà Lạt, theo phương thức BOO (xây dựng - vận hành - sở hữu), với diện tích nhà máy là 2 ha và diện tích đất bị ảnh hưởng là 350 ha. Công suất máy dự kiến là 30 MW, với 20 cột tua bin gió (công suất mỗi cột là 1,5 MW). Tổng mức đầu tư lên đến 57 triệu USD. Quá trình biến đổi năng lượng gió thành điện diễn ra như sau: tua bin biến động năng của gió thành cơ năng - thông qua việc làm quay các cánh quạt - rồi chuyển thành điện năng qua máy phát điện. Nhà máy điện gió Cầu Đất dự kiến sẽ được khởi công xây dựng vào năm 2010 và đưa vào vận hành từ tháng 6/2011 để cung cấp một lượng điện năng thương phẩm đáng kể, ước đạt khoảng 90 triệu kWh/năm.

Mới đây, tại buổi làm việc với lãnh đạo Công ty Cavico, ông Hoàng Sĩ Sơn, phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, đã yêu cầu đơn vị chủ đầu tư đánh giá hiệu quả của những dự án nhà máy điện gió đã được triển khai tại Việt Nam cũng như đánh giá khả năng ảnh hưởng của Nhà máy Cầu Đất lên các khu dân cư và các điều kiện tự nhiên tại vùng quy hoạch, để từ đó xây dựng phương án triển khai phù hợp. Phía đơn vị chủ đầu tư cũng đã cam kết thực hiện dự án theo đúng yêu cầu đặt ra và theo đúng pháp luật hiện hành.

Dự án nhà máy điện gió Cầu Đất sẽ mở ra cho Lâm Đồng một hướng phát triển mới.

LÊ TRỌNG

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự án nhà máy phong điện đầu tiên ở Lâm Đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO