Đồng Tháp còn lưu giữ nhiều sắc phong quý giá

Như Ngọc| 15/03/2019 11:29

KHPTO - Tỉnh Đồng Tháp hiện còn lưu giữ số lượng lớn các đạo sắc phong được ban vào triều Nguyễn, tuy nhiên, nhiều sắc phong đang đứng trước nguy cơ bị mai một, song chưa được quan tâm nghiên cứu một cách đúng mức. Vì vậy, thông tin lịch sử quan trọng trong văn bản chưa được giới thiệu, cung cấp cho việc tìm hiểu phong tục tập quán, tín ngưỡng, văn hóa, lịch sử đất và người Đồng Tháp.

Khi nghiên cứu về vấn đề này, tác giả Đỗ Thị Hà Thơ, Trường đại học Đồng Tháp đã tìm hiểu sâu về các bản sắc phong khảo sát được trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, làm cơ sở cho việc nghiên cứu các vấn đề nói trên.

Sắc phong là loại hình văn bản độc bản, do đích thân nhà vua ban tặng. Sắc phong không những là loại văn bản có giá trị về mặt chính trị, văn hóa, lịch sử mà còn được xem là linh văn của làng xã. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp lưu giữ được số lượng tương đối các văn bản sắc phong, chủ yếu là sắc vào thời Nguyễn. Trong đó, số ít là sắc của các tỉnh khác “lưu lạc” đến đất Đồng Tháp theo bước chân di dân của cư dân Bắc và Trung. Cũng như các tỉnh khác, sắc phong tỉnh Đồng Tháp được cất giữ ở các tự tích và tư gia.

Thực tế khảo sát cho thấy, việc bảo quản sắc phong ở tỉnh Đồng Tháp còn rất đơn giản. Sắc đơn thuần được cuộn lại, quấn thêm bên ngoài một lớp vải, cho vào ống đồng, ống nhựa hoặc ống tre được đặt vào trong hộp gỗ rồi đưa lên khánh thờ thần. Sắc giữ ở tư gia có phần chắc chắn hơn, được cất kỹ vào tủ kín và khóa chặt lại. Thông thường sắc chỉ được đem ra phơi một lần vào trước lễ Kỳ yên một ngày trong năm, tuy nhiên cũng có đình quy định ba năm mới mở và phơi sắc một lần, có đình lại không mở ra bao giờ. Điều này vô tình khiến những đạo sắc quý càng bị hư hao và những dữ liệu giá trị không thể đến được với người đương đại.

Kết quả khảo sát sắc phong tỉnh Đồng Tháp cho thấy, hầu hết các sắc phong đều là sắc phong thuộc triều Nguyễn ban cho các phúc thần của làng xã và ban cho các nhân vật có công trạng với đất nước. Các vị thần này được phân chia ba cấp bậc rõ ràng: Thượng đẳng thần, Trung đẳng thần, Chi thần (Tôn thần). Chính sự phân chia này cùng với mỹ tự ban tặng phản ánh uy quyền tuyệt đối của vua (con người trần tục) đối với thần dân cả nước và cả thế giới siêu nhiên. Và đây cũng chính là cách triều đình phong kiến khoanh vùng và công nhận hợp pháp việc thờ tự, loại bỏ dâm thần, tà thần, dị đoan trong dân.

Số lượng tương đối các bản sắc phong tìm thấy góp phần phản ánh chân xác chặng đường lịch sử của người Đồng Tháp trong quá khứ, đồng thời là nguồn tư liệu quý giá để tìm hiểu địa giới đơn vị hành chính các tỉnh miền Tây qua các thời kỳ; nghiên cứu một số nhân vật lịch sử địa phương chưa được biết đến nhiều như: Nguyễn Văn Thống, Nguyễn Trường Cửu, Thái Quý Công, Thái Gia Quân, Bùi Đức Minh; nhận biết đạo sắc của địa phương khác “lưu lạc” đến tỉnh Đồng Tháp để trả về đúng nơi thờ tự.

Qua khảo cứu, tác giả cố gắng cung cấp cái nhìn sơ bộ về hình thức và diện mạo của sắc phong ở tỉnh Đồng Tháp. Đặc biệt với các đạo sắc phong được tìm thấy thời Lê Cảnh Hưng, người đương đại có thêm dữ liệu để khảo cứu và so sánh với sắc phong của các triều đại Việt Nam trong tình hình tư liệu hiện nay, từ đó, đi đến nhận định khả thủ về tầm quan trọng của loại hình văn bản này đối với lịch sử, văn hóa đất và người Đồng Tháp.

Cũng như các tư liệu Hán Nôm khác của cả nước, sắc phong tỉnh Đồng Tháp bị chi phối bởi thời gian, khí hậu, thiên tai, côn trùng... Đây là những nguy cơ lớn trực tiếp làm hao mòn, hư hại nguồn tư liệu này. Thêm vào đó, sự tàn phá của bàn tay con người với nạn trộm cắp buôn bán cổ vật đang đe dọa và góp phần làm thất thoát nhiều vốn tài liệu quý hiếm. Vì vậy, song song với việc gìn giữ, bảo vệ “linh vật” của thần, cần lắm việc nhanh chóng giới thiệu loại hình văn bản đặc biệt này đến công chúng, kịp thời bổ sung thông tin đã khảo cứu bên trên vào những mảng khuyết của văn hóa, lịch sử địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng Tháp còn lưu giữ nhiều sắc phong quý giá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO