Động cơ học tập hiện nay

ANH THƯ| 04/06/2010 14:24

Theo nghiên cứu của Trung tâm đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục TP.HCM, động cơ học tập của học sinh, sinh viên không đúng đã dẫn đến hiện tượng quá tải, quá thiên về lý thuyết như hiện nay.<_o3a_p>

Học để làm gì?

Nghiên cứu được thực hiện ở 4 thành phố lớn: TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng và Cần Thơ, với 981 học sinh phổ thông, 322 sinh viên cao đẳng và 697 sinh viên đại học.

Khi được hỏi ý kiến về động cơ thúc đẩy học sinh, sinh viên học tập, kết quả được xếp theo mức độ từ cao đến thấp như sau: có việc làm tốt trong tương lai (95%), có sự hiểu biết rộng (94%), tự khẳng định mình (81,5%), phục vụ cho đất nước (74,7%), được mọi người kính trọng (71,5%), trở nên giàu có (69,1%), làm vui lòng gia đình (66,8%), không thua kém bạn bè (62,5%), trở thành lãnh đạo (50,2%), thỏa mãn ý thích cá nhân (46,7%), có thể đi du học (44,7%), trở nên nổi tiếng (23,2%).

Xét về động cơ học tập có tính hướng về tương lai thì học để hiểu biết là có thể dễ dàng hiểu được. Xét về động cơ học tập có tính hướng nghiệp thì học để hiểu biết là một động cơ khá mơ hồ. Nhóm nghiên cứu cho rằng hiểu biết chỉ là một điều kiện cần nhưng chưa đủ để có thể có việc làm tốt, trở nên giàu có, làm lãnh đạo, phục vụ đất nước. Trong “Nghiên cứu các hình thức học tập và hướng nghiệp của học sinh các trường sau trung học cơ sở” trước đây của Viện nghiên cứu giáo dục thì các đối tượng khác (phụ huynh, giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục) cũng cho rằng học để hiểu biết là động cơ học tập chính. Một khi cả học sinh, sinh viên và các đối tượng khác cho rằng hiểu biết là động cơ học tập quan trọng nhất, thì hiện tượng quá tải, quá thiên về lý thuyết trong nền giáo dục Việt Nam hiện nay cũng là điều dễ hiểu. Thực trạng này đã hằn sâu vào nếp nghĩ và khó thay đổi trong tư duy xã hội. Trong khi đó, xu hướng của chương trình dạy học hiện đại trên thế giới từ lâu đã coi trọng kỹ năng, năng lực thực tiễn hơn là kiến thức. Mục tiêu giáo dục là một vấn đề rất “động”, luôn luôn là vấn đề cần nghiên cứu đổi mới, nhưng hiện không được quan tâm nghiên cứu thỏa đáng.

Động cơ xứng đáng để phấn đấu: học để làm giàu!

Cũng trong các nghiên cứu trước đây, trên quan điểm cho rằng động cơ học tập cần thể hiện rõ tính định hướng nghề nghiệp, nhóm nghiên cứu cho rằng trở nên giàu có (một cách chính đáng) hay làm lãnh đạo là những động cơ rất xứng đáng để phấn đấu. Trở nên giàu có hay là làm lãnh đạo một cách sáng suốt thì có thể tạo ra việc làm tốt không chỉ cho bản thân mà còn cho cả người khác nữa. Kết quả khảo sát trước đây cho thấy các bậc phụ huynh, các giáo viên và cán bộ quản lý xếp các động cơ này ở thứ bậc khá thấp. Trong nghiên cứu này, học sinh, sinh viên cũng không đặt nặng vấn đề này. Nhóm nghiên cứu cho rằng cách nghĩ đó sẽ không cổ vũ học sinh phấn đấu học tập với các động cơ chính đáng. Chính sự chung chung, mơ hồ về sự hiểu biết đã không giúp sinh viên, học sinh trong việc có được những kế hoạch tập trung và cụ thể cho tương lai của mình.

Qua kết quả trả lời các câu hỏi mở trong nghiên cứu này và các nghiên cứu trước đây, có thể thấy cách dạy và học hiện nay rất hạn chế khả năng cá nhân hóa việc học tập. Các hoạt động đồng loạt trên lớp với cùng một chương trình, tài liệu, nhịp điệu học tập… được tổ chức giống nhau cho tất cả học sinh trong lớp chỉ thích hợp cho một mục đích chủ yếu là cung cấp kiến thức. Nếu học sinh tự đặt cho mình mục tiêu rèn luyện các phẩm chất của nhà lãnh đạo, nhà kinh doanh… họ cũng khó có cơ hội được rèn luyện các phẩm chất đó trong lớp học chính khóa.

Học sinh, sinh viên còn có nhiều suy nghĩ lệch lạc, lý thuyết và một số còn ngại biểu lộ động cơ thực sự thúc đẩy hoạt động học tập của mình. Điều này có vẻ như là bình thường đối với tập quán kín đáo của người phương Đông nói chung. Nhưng đây lại là điểm thiếu sót của công tác hướng nghiệp, công tác tư vấn học đường hiện nay nói chung. Học sinh nên được các giáo viên khuyến khích để xác định mục tiêu phấn đấu, được giáo viên hướng dẫn để vạch kế hoạch và giúp đỡ trong quá trình thực hiện. Quá trình này còn bị bỏ ngỏ thì giáo dục chưa làm được công việc giúp người học trở thành những người tự chủ và có thể thực hiện được các kế hoạch cũng như mong muốn của bản thân và xã hội.

Học sinh, sinh viên thường được giáo dục chung chung với những động cơ to lớn và cao cả mà thiếu tính ứng dụng, thiếu tính thực tiễn. Chính những động cơ mơ hồ, kiến thức chung chung và khác biệt với thực tế làm cho họ chưa đủ tự tin để thể hiện các động cơ thực sự và chính đáng của mình.

Các phân tích số liệu giữa các địa phương cũng cho thấy có một số khác biệt trong quan điểm. Sinh viên, học sinh TP.HCM và Cần Thơ (các tỉnh phía nam) không xem động cơ học tập để trở thành “lãnh đạo” là quan trọng như ở Hà Nội và Đà Nẵng. Học sinh Hà Nội và Đà Nẵng không đặt nặng các động cơ “thỏa mãn cá nhân” là quan trọng so với Cần Thơ. TP.HCM và Hà Nội có vẻ đặt mục tiêu đi du học quan trọng hơn so với các thành phố khác.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Động cơ học tập hiện nay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO