Đổi mới hoạt động để "giữ chân" xã viên

HÙNG CHI| 11/10/2021 06:19

KHPTO - Không chỉ chủ động ứng dụng các công nghệ mới vào sản xuất, nhiều hợp tác xã và hộ sản xuất nông nghiệp tại TPHCM còn "quyết liệt" điều chỉnh từ suy nghĩ đến cách làm để tạo ra ngày càng nhiều sản phẩm…

Từ năm 2020, hộ sản xuất của gia đình chị Châu Thị Mỹ Tiên và nhiều hộ nông dân khác tại xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ (TP.HCM) đã bắt đầu sử dụng một hệ thống buồng sấy năng lượng mặt trời để "phơi" các loại khô cá, từng bước hạn chế đến mức tối đa sự thấp thỏm mỗi khi trời chuyển mưa, cũng như tiết giảm nhân công và hơn hết là đảm bảo không gian sản xuất luôn an toàn, vệ sinh.

"Hệ thống buồng sấy này ngoài việc đảm bảo chất lượng sản phẩm khô cá được phơi nắng đồng đều, còn có thêm khả năng cho phép điều chỉnh nhiệt độ sấy cho từng loại nguyên liệu đầu vào, từ cá cho đến một số loại trái cây khác", chị Tiên chia sẻ.

Câu chuyện của chị Tiên và bà con ở huyện Cần Giờ ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp không phải là quá mới, song đây được cho là một trong những cách làm hay, bởi mang tính chủ động cao để các nông hộ, hộ xã viên từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, gia tăng giá trị thương mại.

Tương tự, ngay từ những ngày đầu tháng 10/2021, ngay sau khi TP.HCM từng bước nới lỏng giãn cách, HTX nông nghiệp Tuấn Ngọc (TP Thủ Đức) đã nhanh chóng bắt nhịp lại sản xuất ở mức công suất tối đa. Đáng chú ý, tận dụng ưu thế đang thành công trong việc sản xuất rau xanh trên mô hình thủy canh hiện đại của Israel, HTX Tuấn Ngọc đã và đang mở rộng thêm khu vực trồng mồng tơi và cần tây để đáp ứng nhu cầu vốn đang rất cao từ thị trường đối với hai loại rau này.

Đại diện HTX Tuấn Ngọc cho biết, việc mở rộng danh mục sản phẩm cũng chính là cách mà đơn vị nâng cao giá trị thương hiệu, đồng thời tạo ra sự đa dạng công việc cho các xã viên, hộ hợp tác. Bởi lẽ, bên cạnh những thay đổi về thói quen sản xuất dựa trên việc ứng dụng tiến bộ khoa kỹ thuật, thì sự đồng hành về "lợi ích kinh tế" chắc chắn sẽ giúp bất kỳ HTX nông nghiệp nào củng cố quan hệ hợp tác ngày càng bền vững với các xã viên, hộ hợp tác.

Lãnh đạo HTX Tuấn Ngọc trực tiếp thực hiện kiểm tra chất lượng phát triển của rau tại một nhà màng vào sáng 7/10/2021.

Trao đổi với phóng viên Khoa học Phổ thông, đại diện lãnh đạo phường Long Thạnh Mỹ (TP Thủ Đức) cho biết, những hợp tác xã như Tuấn Ngọc đã góp phần khẳng định vai trò của nông nghiệp đô thị trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của địa phương phường Long Thạnh Mỹ, của TP Thủ Đức nói riêng, mà còn của cả TP.HCM nói chung. "Không chỉ tạo ra công ăn việc làm ổn định cho nhiều người dân, hộ xã viên, thời gian qua HTX Tuấn Ngọc cũng đã tích cực tham gia cùng địa phương trong phòng chống dịch Covid-19, mà cụ thể là các hoạt động tài trợ rau xanh cho các khu phố, phường trên địa bàn TP Thủ Đức", phó bí thư Đảng ủy phường Long Trường - ông Nguyễn Thanh Tuấn thông tin thêm.

Chưa dừng lại ở đó, với mô hình sản xuất thủy canh hiện đại và quy trình khép kín, có thể nhận thấy rằng mọi hoạt động của HTX Tuấn Ngọc được đảm bảo về nhiệm vụ bảo vệ môi trường, hạn chế đến mức tối đa những tác hại xấu đến cộng đồng cư dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đổi mới hoạt động để "giữ chân" xã viên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO