Doanh nghiệp khoa học và công nghệ và thực trạng thị trường khoa học và công nghệ tại TP.HCM

Bài, ảnh: Tuyết Mai| 09/04/2018 13:49

KHPTO - Vừa qua, Sở KH&CN TP.HCM đã tổ chức lễ trao giấy chứng nhận Doanh nghiệp khoa học và công nghệ (DN KH&CN) cho công ty TNHH Hoàng Linh Biotech. Đây là DN có các hoạt động sản xuất, kinh doanh dựa trên việc thương mại hóa các nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ. Trên thực tế, nhiều chính sách ưu đãi cho DN KH&CN trong thời gian gần đây đã thực sự là cầu nối để giúp các DN đưa những sáng chế, nghiên cứu vào thực tiễn, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển.

Bà Phạm Thị Hồng Vân, chủ tịch hội đồng quản trị công ty Hoàng Linh Biotech, chia sẻ: “Việc đăng ký DN KH&CN của Hoàng Linh Biotech đáp ứng đúng chiến lược của công ty cũng như phù hợp với chính sách phát triển KH&CN của Chính phủ, Bộ KH&CN và TP.HCM. Doanh nghiệp đã và đang được hưởng nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ của nhà nước trong các vấn đề như chuyển giao công nghệ, thuế, đầu tư...”. 

Theo ông Chu Bá Long – phó trưởng phòng Quản lý công nghệ và thị trường công nghệ, Sở KH&CN TPHCM - khi đã được chứng nhận là DN KH&CN, các DN sẽ được hưởng nhiều ưu đãi như miễn thuế thu nhập trong 4 năm, giảm 50% trong 9 năm và hưởng thuế suất thu nhập DN 10% trong suốt thời gian có hiệu lực của giấy chứng nhận DN KH&CN.

Các DN KH&CN còn được miễn lệ phí trước bạ khi đăng ký quyền sử dụng đất, được sử dụng thiết bị nghiên cứu tại các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia … Tuy nhiên những ưu đãi này vẫn vấp phải một số vấn đề nhất định như thủ tục hành chính phức tạp, chính sách ưu đãi về thuế, đất đai đã có, nhưng DN KH&CN rất khó để nhận được ưu đãi…

Bên cạnh đó, khó khăn đến ngay từ thời điểm DN manh nha hình thành. TS. Võ Quang Tuyến - đại diện công ty Aquabox (một DN KH&CN mới của TP.HCM) chia sẻ: “Những chính sách ưu đãi rất tốt nhưng chỉ áp dụng khi DN đã thành hình hài. Trong khi với bất kỳ công trình nghiên cứu nào, khó khăn lớn nhất ở giai đoạn bắt đầu. Lý do dễ khiến ý tưởng “chết” nhất là không có kinh phí, không được hỗ trợ trong thời gian nghiên cứu sáng tạo. Có cách nào để tạo không gian sáng tạo miễn phí, hỗ trợ tối đa cho DN ở giai đoạn đầu tiên hay không?”

Về vấn đề trên, ông Chu Bá Long khẳng định, bên cạnh việc DN KH&CN (đã đăng ký) được sử dụng các dịch vụ miễn phí của các cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo DN do các cơ quan nhà nước thành lập, tại TP.HCM, Sở KH&CN đã có không gian riêng dành cho khởi nghiệp đó là SIHUB. Ở đây có không gian miễn phí cho các nhóm khởi nghiệp và nhiều chương trình trao đổi, thảo luận với chuyên gia được tổ chức hàng tuần. Thành phố cũng có nhiều chương trình nghiên cứu khoa học hỗ trợ nghiên cứu sản phẩm mẫu từ ý tưởng và sản xuất thử nghiệm. Ông Chu Bá Long cho rằng đây là chính sách rất tốt đễ hỗ trợ các DN KH&CN.

Tính đến đầu quý II/2018, số lượng DN KH&CN được cấp tại TP.HCM là khoảng gần 50 đơn vị.

Trước những khó khăn, vướng mắc của các DN, ông Chu Bá Long chia sẻ, Sở KH&CN đã gặp nhiều đơn vị chuyên trách như Cục thuế để phối hợp Sở cùng hướng dẫn, xử lý những đề nghị của DN, giảm thiểu tối đa các thủ tục hành chính gây rắc rối, nhiêu khê.

Ngoài vấn đề thủ tục hành chính, việc bảo hộ sở hữu và bản quyền cũng là vấn đề nhiều DN quan tâm khi nộp hồ sơ đăng ký là DN KH&CN. Vì thế, khi DN nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp KH&CN, Sở cũng đồng thời làm việc với Cục sở hữu trí tuệ để tạm thời chứng nhận sở hữu trí tuệ và bảo hộ cho chủ DN.

Ngoài các chính sách hỗ trợ, hiện nay, Sở KH&CN TP.HCM đã kết nối giữa DN, các trường, viện theo quan hệ liên kết ba bên: nhà nước – DN – trường, viện. Đây là xung hướng chung trong phát triển sản phẩm KH&CN trên thế giới.

Các trường, viện có thể tự nghiên cứu hoặc nghiên cứu dựa trên đặt hàng của DN để cho ra sản phẩm, dịch vụ phù hợp với nhu cầu thị trường. Nhà nước sẽ hỗ trợ thêm kinh phí cho các sản phẩm sáng tạo. Bên cạnh đó, nhà nước sẽ là cầu nối giữa DN với DN để phát triển thị trường. Hiện nay, TP.HCM có sàn giao dịch công nghệ để có nơi mua – bán sáng chế, sản phẩm KH&CN để hỗ trợ tối đa cho DN.

Trước những ưu đãi ngày càng nhiều của cơ quan nhà nước, bà Hồng Vân chia sẻ: “Để chính sách hỗ trợ đủ dùng và được dùng đúng, tôi nghĩ cần có văn hóa sáng tạo và văn hóa kết nối. Nhà sáng tạo, DN cần chủ động sáng tạo, chủ động kết nối để tìm hiểu nhu cầu thị trường và tiếp tục sáng tạo để tạo ra những sản phẩm KH&CN hữu ích”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp khoa học và công nghệ và thực trạng thị trường khoa học và công nghệ tại TP.HCM
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO