Điểm sáng nông thôn TP.HCM

THANH TÂM| 10/07/2018 10:14

KHPTO - Nhiều năm trước, vùng nông thôn huyện Nhà Bè vẫn là con đường đất ngập nước lầy lội, ngay những khu phố gần thị trấn đi lại khó khăn, thiếu nước sạch, trường học xuống cấp... Mấy khu quy hoạch cây cỏ um tùm làm cho bộ mặt nông thôn Nhà Bè càng thêm tăm tối. Để vực dậy vùng ngoại ô này, thành phố triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, nay vùng ven Nhà Bè đã đổi thay, đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới...

Thế nhưng về Nhà Bè bây giờ, ai cũng có thể nhận ra nhiều khu phố đã chuyển mình, những con hẻm lầy lội ngày nào dần được xóa, hẻm nhỏ được mở rộng khang trang, người dân kéo về đây sinh sống, mua bán có phần tấp nập hơn trước...

Điểm sáng của chương trình nông thôn mới tại Nhà Bè là chỉnh trang, mở rộng các hẻm nhỏ, lầy lội, tăm tối... Việc này tưởng chừng đơn giản nhưng là cả hành trình khó khăn.

Dù là ngoại thành nhưng trước làn sóng đô thị hóa, tấc đất trở thành tất vàng dù đó chỉ là ao rau muống. Thế nhưng, mấy năm qua, những người có trách nhiệm xây dựng nông thôn mới bắt tay hành trình xuống nông dân, vận động lẫn tâm tình để người dân vui vẻ hiến đất mở hẻm rộng thêm. Thế là những con đường mới được mở ra, nhiều con hẻm rộng thêm...

Chị Nguyễn Thị Trúc (ấp 1, xã Phú Xuân) hiến hơn 40 m2 đất gần trung tâm hành chính huyện để mở hẻm, theo giá trị đất khu này, chị Trúc tình nguyện góp gần 300 triệu đồng cho con hẻm rộng 6 mét này.

Càng cảm động hơn khi tại ấp 1, xã Phước Kiểng có người đã hiến 2.000 m2 đất vị trí đẹp và bỏ tiền xây khu vui chơi, thể thao cho bà con khu phố. Chị Phượng Hồng, con của chủ đất chia sẻ: “Thấy mấy anh ở xã vận động, gia đình có nhiều đất, thấy hợp lý hợp tình nên hiến phần đất này. Cho đất rồi nhưng thấy cỏ mọc quá nên nhà tui bỏ tiền ra cán hết xi măng, lắp thêm các dụng cụ tập thể thao. Buổi chiều những trẻ con, người già ra đây tập thể dục thấy vui lắm”.

Ông Nguyễn Văn Cư (ấp Chánh 1, xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn) tích cực hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, vận động người dân góp tay xây dựng làm đẹp làng quê. Ông tự nguyện hiến trên 880 m2 đất để làm đường vào Trường THCS Tô Ký.

Ở ấp Lào Táo Thượng, xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi ai cũng biết ông Nguyễn Văn Xẩu, từ khi có chương trình xây dựng nông thôn mới, ông đóng góp ý kiến về dự thảo quy hoạch, hỗ trợ và giúp đỡ các hộ khó khăn về kinh tế phát triển sản xuất tăng thu nhập, tích cực tố giác tội phạm và giữ gìn an ninh trật tự cũng như giữ gìn vệ sinh môi trường ở địa phương. Bản thân khi biết địa phương có nhu cầu mở tuyến đường đi ngang qua khu đất của gia đình để giúp cho người dân được thuận tiện trong giao thương, chuyên chở vật tư nông sản trong sản xuất nông nghiệp, ông đã quyết định hiến 800 m2 đất để làm đường giao thông, đồng thời vận động 5 hộ dân xung quanh cùng hiến đất để mở tuyến đường với tổng diện tích hiến đất để xây dựng tuyến đường 3.200 m2 đất.

Anh Lê Quang Viễn (ấp 4, xã Nhơn Đức) dẫn chúng tôi ra vuông tôm được đầu tư bạc tỷ, ngoài nguồn vốn gia đình, anh được hưởng chính sách ưu đãi lãi vay trong chương trình nông thôn mới nên mạnh dạn vay hơn 1,3 tỷ đồng nuôi tôm thẻ. Ngoài ra, anh được huyện tổ chức cho tham quan các mô hình ở các nơi học tập kinh nghiệm. Anh đang mở rộng đến 5 ha nuôi tôm, theo anh Viễn, nếu nuôi thành công thì 1 ha có thể cho lợi nhuận 800 triệu đến 1 tỷ đồng.

Nhiều nông dân Nhà Bè vay vốn chuyển đổi mô hình nông nghiệp đô thị, làm dịch vụ tăng thu nhập cải thiện đời sống ngày càng tốt hơn.

Chị Đặng Lê Thị Thanh Huyền, xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi quyết định chuyển 4 ha đang trồng cao su sang trồng lan. Chị lên 300 luống đất, làm hệ thống tự động tưới tiêu nước, thuốc và phân, xây dựng nhà lưới... để trồng 100.000 gốc lan. Tổng chi phí ước gần 10 tỷ đồng để hình thành nên trang trại lan Huyền Thoại với doanh thu khoảng 2 tỷ đồng/năm.

Trang trại lan Huyền Thoại đã trở thành mô hình điểm của một nền sản xuất nông nghiệp đô thị thành phố. Rất nhiều đoàn trong và ngoài thành phố đến trang trại của chị để tham quan, học tập kinh nghiệm.

Chị Trần Ngọc Tuyết, xã Hòa Phú, huyện Củ Chi quay quần trồng rau không đủ sống, sau khi được theo đoàn đi học tập kinh nghiệm trồng lan tại Thái Lan, chị mạnh dạn chuyển đổi trồng vườn lan khoảng 5 ha, đầu tư hệ thống tưới hiện đại.

Củ Chi ngày nay còn xuất hiện nhiều nhà kín do nông dân đầu tư trồng dưa lưới xuất khẩu, mỗi nhà lưới 1.000 m2 trồng dưa lưới, nông dân có lãi khoảng 50 triệu đồng/vụ dưa khoảng 75 ngày.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điểm sáng nông thôn TP.HCM
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO