Đề xuất biện pháp quản lý ruồi đục trái cho 3 nhóm trái tại Tiền Giang

Huỳnh Văn Xĩ| 13/04/2017 23:11

KHPT-​Đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh “Biện pháp quản lý ruồi hại trái trên diện rộng cho 3 nhóm trái thuộc tỉnh Tiền Giang có tiềm năng xuất khẩu” do TS. Lê Quốc Điền, giám đốc Trung tâm chuyển giao tiến bộ kỹ thuật - Viện cây ăn quả miền Nam làm chủ nhiệm được đánh giá xuất sắc.

Nội dung nghiên cứu của đề tài bao gồm: điều tra, nghiên cứu thành phần loài ruồi đục trái trên thanh long, chôm chôm, nhãn, vú sữa, xoài, sapô, bưởi lông Cổ Cò, sơ ri, mãng cầu xiêm tại 11 huyện, thị, thành (tỉnh Tiền Giang); nghiên cứu diễn biến phát sinh của các loài ruồi đục trái gây hại trên 9 loại trái ở Tiền Giang qua các tháng trong năm.

Tác giả và nhóm nghiên cứu còn tiến hành xây dựng quy trình, mô hình quản lý ruồi đục 9 loại trái trên diện rộng; điều tra tỷ lệ trái bị ruồi đục và gây hại ở giai đoạn tiền thu hoạch; khảo sát hiệu quả của biện pháp bao trái trên thanh long, vú sữa, sapô, bưởi lông Cổ Cò; nghiên cứu biện pháp phòng trừ ruồi sử dụng bả SOFRI protein kết hợp với biện pháp bao trái để hỗ trợ cấp mã số xuất khẩu trái xoài cát Hòa Lộc sang thị trường New Zealand; nghiên cứu mô hình phòng trừ ruồi trên thanh long, chôm chôm, nhãn, vú sữa, sapô, bưởi lông Cổ Cò, sơ ri, mãng cầu xiêm diện rộng trên cơ sở sử dụng bả SOFRI protein kết hợp với biện pháp vệ sinh đồng ruộng.
Đề tài đã công bố danh sách loài ruồi gây hại trên các loại trái cây muốn xuất khẩu sang các nước Mỹ, Nhật, New Zealand; xác định được thành phần, ký chủ ruồi đục trái, diễn biến mật số trên thanh long, chôm chôm, nhãn, vú sữa,  sapô, bưởi lông Cổ Cò, sơ ri, mãng cầu xiêm tại Tiền Giang; xác định thành phần loài ruồi hại trái họ Tephritiade tại Tiền Giang có 5 loài, trong đó 3 loài ruồi B. dorsalis, B. correcta,  B. carambolae gây hại trên 9 loại cây ăn trái (đối tượng kiểm dịch); xác định thành phần cây ký chủ của các loài ruồi hại trái họ Tephritidae tại Tiền Giang, trong đó, loài ruồi B. dorsalis gây hại trên thanh long, chôm chôm, nhãn, vú sữa, sapô, bưởi lông Cổ Cò, sơ ri, mãng cầu xiêm; B. correcta hiện diện trên trái thanh long, nhãn, vú sữa, sapô, sơ ri, mãng cầu xiêm; B. carambolae hiện diện trên thanh long, sơ ri, xoài; trong năm, mật độ ruồi hại trái tăng dần từ tháng 5 - 8 (dương lịch), đỉnh cao mật độ vào cuối tháng 6 và đầu tháng 7 dương lịch (diễn biến mật độ liên quan đến mùa vụ của các loại trái ký chủ có trong vùng).
Bên cạnh đó, đề tài cũng chứng minh quy trình phòng trừ an toàn bằng chế phẩm SOFRI protein 10DD, loại bã thức ăn phun lên lá có phối trộn thuốc bảo vệ thực vật được cho phép của Cục bảo vệ thực vật, không để lại dư lượng trên trái ở giai đoạn tiền thu hoạch; đồng thời, nghiên cứu đưa ra biện pháp quản lý ruồi hại trái thanh long, chôm chôm, nhãn, vú sữa, sapô, bưởi lông Cổ Cò, sơ ri, mãng cầu xiêm trên diện rộng. Đặc biệt, nghiên cứu đã đề xuất cấp 9 mã số vùng xuất khẩu của tỉnh Tiền Giang, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu trái tươi sang các thị trường khó tính như Mỹ, New Zealand... 
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu của đề tài, Viện cây ăn quả miền Nam tổ chức tập huấn cho cán bộ nông nghiệp địa phương về kỹ thuật quản lý ruồi đục trái thanh long, chôm chôm, nhãn, vú sữa, sapô, bưởi lông Cổ Cò, sơ ri, mãng cầu xiêm diện rộng trên cơ sở sử dụng bả SOFRI protein kết hợp với biện pháp vệ sinh đồng ruộng; hướng dẫn nông dân thực hành phun SOFRI protein trên vườn cây ăn trái. Ngoài ra, Viện cây ăn quả miền Nam còn phối hợp Trung tâm kiểm dịch sau nhập khẩu vùng II hỗ trợ việc đăng ký và cung cấp thông tin về kết quả nghiên cứu của đề tài cho một số quốc gia có nhu cầu nhập khẩu trái cây. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề xuất biện pháp quản lý ruồi đục trái cho 3 nhóm trái tại Tiền Giang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO