Để làng nghề mành trúc trụ vững trước bài toán cạnh tranh

D.T| 17/11/2020 06:17

KHPTO - Không chỉ phổ biến trong nước, làng nghề mành trúc Tân Thông Hội (xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi) còn có mặt ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, với tốc độ đô thị hóa và công nghiệp hóa hiện nay, làng nghề phải thực hiện nhiều cải tiến, nâng tầm sản phẩm để đáp ứng thị trường khó tính.

Nắm bắt thị hiếu người tiêu dùng ngày càng hướng tới “sống xanh”, thân thiện môi trường, các nghệ nhân đã ứng dụng nhiều phương pháp nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Mành trúc Tân Thông Hội đã “biến tấu” từ cách pha màu sơn, hình ảnh cho đến khảm thêm xà cừ, trai, ốc… tạo nét mới lạ, bắt mắt. Ông Nguyễn Hữu Bèn, giám đốc một cơ sở mành trúc chia sẻ: “Mình phải luôn cập nhật cái mới để phù hợp xu hướng, làm sao sản phẩm đẹp, bền và nhẹ hơn mới xuất khẩu được”.

Tuy nhiên, khó khăn đối với làng nghề hiện nay không chỉ là thiếu nguồn lao động trẻ mà giá nguyên liệu cũng ngày càng tăng. Chính điều này đã làm cho làng nghề mành trúc trở nên hiu hắt, mặc dù vẫn đem lại thu nhập khá ổn định và tạo công ăn việc làm cho người dân.

Để góp phần tháo gỡ những khó khăn trên, vừa qua, UBND TP.HCM đã phê duyệt đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm vùng nông thôn thành phố đến năm 2020 (Chương trình OCOP). Trong đó, phát triển làng nghề mành trúc Tân Thông Hội (Củ Chi) là một trong 6 sản phẩm nông nghiệp chủ lực… Bên cạnh đó, từ Quyết định số 655/QĐ-UBND ngày 12/2/2018 của UBND thành phố (về khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2017 - 2020), cơ sở làng nghề mành trúc được vay vốn để duy trì và phát triển làng nghề. Theo đó, hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ bản, mua máy móc thiết bị phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn với mức lãi vay từ 60 - 100%.

Theo thống kê, hiện nay làng nghềmành trúc Tân Thông Hội có 5 cơ sở sản xuất, kinh doanh mành trúc và có khoảng 400 hộ gia công mành trúc cho các cơ sở này. Trong nhiều năm qua, nghề mành trúc truyền thống nơi đây đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động và hơn 500 hộ gia công ở các xã lân cận thuộc huyện Củ Chi, Hóc Môn, mang lại cho người dân mức thu nhập khá, trung bình khoảng 6 triệu đồng/người/tháng. Mặc dù không còn như “thời hoàng kim” nhưng nghề làm mành trúc ở Củ Chi vẫn được duy trì và tạo điều kiện để phát triển. Hiện nay, các cơ sở luôn có đơn hàng từ các nhà hàng, khách sạn, quán ăn… và đặc biệt là đã nhận được nhiều đơn hàng từ nước ngoài.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để làng nghề mành trúc trụ vững trước bài toán cạnh tranh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO