Để kinh tế biển Việt Nam phát triển nhanh hơn

15/06/2007 13:45

Ngành hải sản nước ta có tiến bộ về phần đánh cá ven bờ. Năm 2005 đã sản xuất 3,4 triệu tấn hải sản, trong đó có 1,8 triệu tấn đánh bắt và 1,6 triệu tấn nuôi trồng (nghĩa là gấp đôi mức sản xuất và nuôi trồng năm 1997). Tổng số xuất khẩu thủy sản năm 2005 đã lên đến 2,6 tỉ đô la Mỹ, đứng hạng nhì, chỉ sau có xuất khẩu dầu khí, trên xuất khẩu đồ gỗ, gạo, cao su, cà phê, trà, hột điều, tiêu v.v... Nhưng ngư dân chỉ mới đánh bắt hải sản ven bờ, trên mặt biển hay biển cạn ven bờ, chưa bắt được nhiều cá dưới sâu hay xa bờ, nhiều vùng bị lạm thác; chưa nuôi nhiều loài cá biển xuất khẩu được mà chỉ mới nuôi cá bông lau, basa ở bè, ao nuôi tôm ven bờ biển, trên ruộng lúa nước ngọt v.v... Làm thế nào để kinh tế biển Việt Nam phát triển nhanh hơn?

Cần chấn chỉnh, hiện đại hóa ngành đánh bắt cá xa bờ

Muốn đánh cá xa bờ, trước hết cần có tàu ra khơi mạnh hơn, động cơ từ 200 - 450 mã lực, để khai thác cá ở khu vực đặc quyền kinh tế biển Việt Nam, trong khi đa số tàu thuyền đánh cá nước ta hiện có động cơ nhỏ hơn 90 mã lực. Năm 2000, Việt Nam chỉ có độ 800 tàu đánh cá xa bờ. Các tàu Việt Nam lại chỉ có trục khuỷu, tời nâng lưới quay tay (hand power winches). Đa số tàu này không có máy radar dò cá, sonar (rađar siêu âm), và thiếu hẳn các thiết bị đi biển điện tử; trữ cá chỉ bằng muối và nước đá, thay vì các thiết bị làm lạnh hiện đại. Kinh nghiệm ngư phủ Việt Nam đánh bắt cá xa bờ lại thua kém hẳn ngư phủ Trung Quốc và Philippinnes. Tuy rất mong muốn bán cá xa bờ giá trị cao làm sashimi sang Nhật, nhưng cách đánh cá thường là lưới cá hay đánh giã cào (trawl), không mấy khi dùng đường dây câu bắt cá xa bờ.

Nghiên cứu biển và các đàn cá xa bờ cũng còn thiếu thực dụng khoa học. Vì vậy dù được vay vốn để trang bị tàu đánh cá xa bờ, ngư phủ làm ăn vẫn lỗ lã: các đàn cá xa bờ được ước lượng thiếu đích xác hay không ước lượng được sự đổi hướng các đàn cá này, theo di chuyển các dòng nước biển sâu với thời gian.

Trữ lượng cá, theo Viện hải dương học Nha Trang, khoảng 1,93 triệu tấn, có thể khai thác bền vững hàng năm là khoảng 700.000 tấn. Thế nhưng năm 1998, chỉ đánh bắt được chừng 200.000 tấn, mới đạt 25% khả năng khai thác bền vững.

Phải học cách thức nuôi thúc béo nhiều loại cá biển

Muốn đạt mức xuất khẩu thủy sản dự trù năm 2010 là 4 - 4,5 tỉ đô la, thủy sản xuất khẩu trên 900.000 tấn, cần tăng thêm đào tạo, nghiên cứu, học hỏi kỹ thuật, khoa học đánh bắt cá biển hợp lý, đúng môi sinh hơn, tránh mọi lạm thác tàn phá vô ích nhiều vùng sinh thái biển (như lạm thác các rạn san hô không nhiều ở Việt Nam), cấm đánh bắt hay ngưng tạm thời khai thác những vùng cá sinh sản, cá chưa lớn đến kích thước khai thác được. Tìm cách bắt ngư sản kinh tế, cá ăn chìm ở mực nước sâu hơn: cá đé (Illisha elongata) tầng giữa ở vịnh Bắc bộ; cua, cá hồng hốc đá, cá hanh, cá mối... đáy biển. Khai thác hữu hiệu câu, hay đánh cá bằng lưới vét hình túi (purse seine), cá ngừ xa bờ vi vàng gặp nhiều đàn thường đi chung với cá heo, cá thu ở ngoài khơi Cà Mau gần Trường Sa; vỗ béo ở chuồng, lồng biển (sea pens) rộng 150 m, sâu 15 m, có canh gác chống ăn trộm cá, chống cá mập và sư tử biển (sea lions), như nhiều nước (Tây Ban Nha, Úc, nay là vùng biển Baja California Mexico và nam California, vùng biển San Diego...) đã làm với cá ngừ vi xanh, nuôi bằng cá xác đin (sardine) giá rẻ mạt. Loại cá ngừ nuôi này béo hơn hẳn cá ngừ bán ngay từ tàu, giá cao ở các chợ cá nổi tiếng như chợ cá Tsukiji ở Tokyo. Mở rộng thêm thị trường của cá ngừ vi vàng (tên gọi là ahi ở Nhật) nuôi bằng cá cơm (anchoviella) chẳng hạn như cá ngừ vi xanh (toro) làm sushi ngon ở Nhật và đóng hộp ở Hoa Kỳ. Cũng như nghiên cứu thêm, khai thác hay nuôi thúc béo các đàn cá ngừ dẹt (Auxis thazard), cá ngừ vằn (Katsuwonus pelamis) rất nhiều quanh đảo Phú Quốc, cá ngừ xanh (Thunnus thynnus) ở vùng Rạch Giá v.v...

Khai thác mực ống lớn tầng sâu, nuôi mực biển cạn ở chuồng biển hay thùng bể bê tông nước mặn trên bờ, bãi biển

Chúng ta cũng chỉ mới khai thác và xuất khẩu các mực ống như mực kim, mực lá (Loligo formosana, L. beak, L. chinensis...) ở tầng nước sâu 10 - 30 m, hoặc mực mai, mực nang mực nang (Sepia pharaonsis, S.lycidas v.v...) ở tầng nước sâu hơn mực ống, nhưng cũng chỉ sâu 90 - 130 m. Chưa biết câu mực ống khổng lồ ở tầng nước dưới sâu hơn, chẳng hạn loài Dosidicus gigas, còn có tên là humbold hay jumbo squid. Đây là loài mực có đời sống khoảng 2 năm, phần lớn ở tầng sâu từ 650 đến 3.000 m dưới biển, nhưng thỉnh thoảng lại xuất hiện ở các tầng nước ít sâu hơn, gần mặt nước biển hơn.

Mực ống humbold là một loại chân đầu (cephalopod) đồ sộ có thể dài trên 2 m, nặng gần 50 kg, và phóng mau trong nước ở tốc độ trên 45 km một giờ. Mực này rất thích ăn thịt, kể cả thịt người. Trước đây mực humbold chỉ xuất hiện ở vùng biển California (Hoa Kỳ), cứ 4 - 5 năm một lần, khi có một sự cố bất bình thường hay khi có dòng nước nóng, giúp cho ngành câu mực giải trí, thể thao biển phồn thịnh hẳn lên. Nay theo các nhà khoa học, tiếp theo việc hâm nóng địa cầu, mực humbold có vẻ lựa chọn cư ngụ vĩnh viễn vùng bờ biển khá xa bờ California và còn có thể tiến lên miền biển phía bắc nữa.

Hy vọng là sẽ tìm được các loại mực ống tương tự ở các tầng sâu biển Đông dọc miền Trung, nơi biển sâu chỉ cách bờ 20 - 30 km, vì thềm lục địa hẹp, sau đó là các vực sâu 2.000 - 3.000 m. Phát triển công nghệ chế biến xuất khẩu mực ống sang thị trường Nhật, châu Âu... như đã xuất khẩu bíp tết thịt cá mập Phan Thiết, món ăn dân Ý và dân nguồn gốc Tây Ban Nha... rất thích thú. Khoảng thập niên 1970, chúng tôi đã mục kích nuôi mực trên bể cạn chứa nước mặn ở Đại học Hawaii, nên ứng dụng cách nuôi mực ở bang Hoa Kỳ này, cũng như ở những nước khác có nghiên cứu nuôi mực.

Phát triển mạnh thêm ngành nuôi cá biển, hải sản ngon, có thị trường cả trong lẫn ngoài nước

Nước ta đã thành công nuôi tôm nước ngọt,nước lợ, nước mặn, nuôi cá nước ngọt, mỗi năm trên 250.000 tấn tôm nuôi trồng đủ loại ven bờ như đã nói trên, và cá nước mặn như cá măng (chanos), khởi đầu thập niên 1960 ở Sóc Trăng, Bạc Liêu, Bình Định, theo kinh nghiệm Indonesia... Phải đẩy mạnh thêm nữa nghiên cứu và phát triển nuôi các loài cá biển có giá trị kinh tế như các loại cá mú (Serranidae), cá khế (Carangidae), cá nục miền Trung (Decapterus), cá chim, cá chình (Anguilli - formes) sống trong bùn vùng ven biển (từ Gia Rai - Sóc Trăng trở ra là cá chình hoa, ven biển đồng bằng Bắc bộ là cá chình Nhật, nay còn có cá chình lai Sóc Trăng, Kiên Giang), cá kèo (Pseudaocryptes lancelatus) Bến Tre , Sóc Trăng, Bạc Liêu, bờ biển miền Nam... bắt đầu bằng cá kèo vảy nhỏ nuôi quảng canh, bán thâm canh. Cần hoàn thiện phát triển đại trà cách nuôi bào ngư vành tai (hay cả bào ngư chín lỗ...) nguồn gốc Việt Nam tại vùng Vạn Ninh - Khánh Hòa, các đảo Cát Bà - Bạch Long Vĩ; nuôi cua biển nước cạn (Sylla serrata, Scylla paramamosain Paramosain estampado) song song với cá măng; cải thiện nuôi ốc hương biển Bình Định; nuôi hàu (Ostrea sp.), nuôi nghêu (ngao, ngao dầu Meretrix meretrix, ngao mật Meretrix lusoria) Bến Tre; nuôi sò huyết đầm Ô Loan - Phú Yên, nuôi nghêu tu hài - một loại điệp hai mảnh vỏ thịt ngon; nuôi hải sâm trắng (hay dưa biển trắng Holothuria scabra), hay hải sâm đen (Holothuria vagabunda) nhiều dân châu Á thích ăn không kém yến sào, bào ngư. Hải sâm đen, hải sâm trắng, hải sâm vú có mặt nhiều ở Việt Nam, từ Phú Yên vào Vũng Tàu, Côn Sơn đến Phú Quốc. Nuôi ngọc trai Phú Quốc, loại hột lớn màu sắc đẹp; nuôi đồi mồi lấy vảy sừng óng ánh mỹ nghệ (Eretmochelys imbricata) vùng biển Tây... Nước ta cần tiến mau, ít nhất tới mức nuôi cá biển hiện nay là 50% tổng sản lượng cá biển của cả nước (năm 2004, ước lượng là 100 triệu tấn trên thế giới), thay thế các vùng cá lạm thác, đặc biệt là vùng vịnh Thái Lan.

Ngoài những kỹ thuật mới mẻ về xây cất ao,bể, ruộng... nuôi, phải đặc biệt lưu tâm đến việc sản xuất cho được con giống hải sản (thay vì phần lớn còn đánh bắt chúng ở biển) ít chết, sạch bệnh, mau lớn, rẻ tiền như đã thực hiện ở ngành nuôi cá ao, cá bè, cá da trơn, nuôi tôm. Còn phải tiến mạnh chế biến các loại thức ăn nuôi thích nghi cho mỗi loài hải sản, bổ sung thức ăn thành phần cá nhỏ ít giá trị kinh tế với các phó sản, nguyên liệu trong nước, như đã làm, ví dụ như bột sắn (khoai mì), lá khô khoai mì cũng đầy rẫy protein, hột cao su, rong câu, các loại rong, tảo, thảm cỏ thực vật biển nước nhà, ngay cả loại ốc bươu vàng đập nát (ốc bươu vàng phá hại lúa nặng nề). Đồng thời tránh dùng các thuốc kháng sinh làm hải sản bị quốc tế cấm bỏ, tránh đổ nước phế thải ô nhiễm vùng nuôi và lân cận, giảm thiểu tối đa mức tàn phá những sinh thái biển cần thiết để bảo vệ tương lai kinh tế biển vững bền, không phương hại đến các ngành sinh sống khác ở miền biển của dân ta. O

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để kinh tế biển Việt Nam phát triển nhanh hơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO