Để hình thành kỹ năng mềm, cần giáo dục hay đào tạo?

Anh Thư| 27/10/2018 16:09

KHPTO - Tại hội thảo khoa học “Đào tạo kỹ năng mềm đáp ứng nhu cầu nhân lực cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”, do Trường đại học tài chính – marketing và Trường đại học công nghiệp thực phẩm TP.HCM tổ chức, TS.Nguyễn Thị Vân Thanh cho rằng, hiện nay có khá nhiều trung tâm đào tạo kỹ năng mềm, nhưng điều này không đồng nghĩa là số lượng lớn sinh viên có kỹ năng mềm.

Nhiều nhà tuyển dụng tiềm năng cho biết, một lượng lớn sinh viên mới tốt nghiệp chỉ có kiến thức trên sách vở mà không được đào tạo kỹ năng để vận dụng kiến thức vào tư duy phân tích, sáng tạo, giải quyết các vấn đề phức tạp và làm việc nhóm hiệu quả. Đáng lưu ý, thiếu kỹ năng mềm là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc nhiều sinh viên mới tốt nghiệp ở Việt Nam không được tuyển dụng.

Đào tạo mới có kỹ năng

Theo TS.Nguyễn Thị Vân Thanh, Trường đại học tài chính – marketing, khi một người muốn có được kỹ năng cụ thể nào đó, bất cứ là kỹ năng chơi bóng, kỹ năng bán hàng, kỹ năng đàm phán, kỹ năng thuyết trình, …, người đó sẽ muốn mình thực sự giỏi. Mục tiêu của người ấy không chỉ là biết về một cái gì đó, mà muốn có khả năng làm cái đó và làm tốt nó. Người ấy sẽ: đọc một cuốn sách? Coi một băng video? Nghe một người diễn thuyết? Tham dự một cuộc hội thảo? Tham gia đóng vai? Luyện tập với một chuyên gia huấn luyện dưới những điều kiện làm việc thực tế cho đến khi thành thạo?

Bất cứ cái nào trong 5 lựa chọn đầu tiên đều có thể đem lại thông tin có ích nào đó cho kỹ năng. Nhưng chỉ lựa chọn cuối cùng mới biến khả năng tiềm ẩn của người đó thành khả năng có thể chứng minh. Bởi vì, khi người ta làm đi làm lại cái gì đó, cố gắng thực hiện nó theo một tiêu chuẩn rõ ràng, tâm trí và cơ thể của người ấy có được "cảm giác" làm việc đó một cách thành thạo. Và "cảm giác" làm điều đó là kỹ năng. Khi đó, chắc chắn rằng kỹ năng đó sẽ đi vào toàn bộ đời sống của người ấy. Nếu không đạt được cảm giác đó, vẫn chưa đạt được kỹ năng. Hơn nữa, cảm giác đạt được chỉ bằng việc sử dụng kỹ năng để tạo ra một kết quả thực tế: một cú đá bóng đẹp, một cuộc bán hàng, một cuộc đàm phán thành công…

Đào tạo giúp rút ngắn thời gian để cho cá nhân trở thành đủ giỏi để đạt được một kết quả mong muốn một cách lặp đi lặp lại. Sau cùng, hành vi mới trở thành cách thức hành xử được ưu tiên và tự lựa chọn. Vì vậy, cách thức tốt nhất để phát triển kỹ năng đầy đủ là phải luyện tập những thứ mà người học đang cố gắng làm, dưới sự chỉ dẫn của chuyên gia biết về cách thức thực hiện kỹ năng đó.

TS.Nguyễn Thị Vân Thanh cho biết, có sự khác nhau rất lớn giữa đào tạo và giáo dục, mặc dù đại đa số người đào tạo hợp tác không nhận ra nó. Giáo dục không giống như đào tạo. Giáo dục có thể không tạo ra thành tích nhưng đào tạo thì chắc chắn tạo ra thành tích. Bởi vì hiểu biết không phải là sức mạnh. Khả năng mới là sức mạnh. Sức mạnh có khả năng sáng tạo một hiệu quả mong muốn. Và sự sáng tạo ra những hiệu quả là cái mà chúng ta gọi là "thành tích". Giáo dục để nâng cao sự nhận thức, sự hiểu biết về một đối tượng. Đào tạo là phải làm cho ai đó giỏi thực hiện một nhiệm vụ đặt ra. Rất nhiều thứ tuyệt vời có thể nói về giáo dục, nhưng giáo dục lại không tạo ra được khả năng. Chỉ có đào tạo mới tạo ra khả năng. TS.Nguyễn Thị Vân Thanh nêu ví dụ: “Chúng ta muốn một cô bé có kỹ năng đi xe đạp. Chúng ta cho bé ngồi ở bàn ăn và giảng giải cho bé về cách đi xe đạp. Bé có đi được xe đạp không? Chắc chắn không! Bởi vì biết về một kỹ năng không giống với có một kỹ năng đầy đủ”.

Thực tế là, trong khi các trung tâm huấn luyện kỹ năng mọc lên như nấm, các cơ quan tổ chức phải bỏ rất nhiều tiền cho các nhân viên của mình tham gia các khóa học kỹ năng mềm, thì dường như họ vẫn không cảm thấy hài lòng với kỹ năng mềm của nhân viên của mình có được. Thêm vào đó, rất khó có cách cụ thể để thể hiện kết quả của các khóa học kỹ năng mềm…

Ngoài ra, ThS.Phạm Ngọc Dũng, Trường đại học công nghiệp thực phẩm TP.HCM cho rằng, người dạy kỹ năng mềm phải liên tục cập nhật, tổng hợp kiến thức mới về kỹ năng mà mình đào tạo có khả năng xây dựng chương trình, nội dung đào tạo kỹ năng mềm. Tố chất của người dạy kỹ năng mềm chính là yêu cầu khác biệt, những giảng viên rất giỏi về chuyên môn nhưng khó có thể đứng lớp truyền dạy kỹ năng mềm. Những tố chất cần thiết của người giảng dạy kỹ năng mềm chính là khả năng hài hước, năng động, sáng tạo và khả năng hòa nhập cực tốt, vượt qua khoảng cách thế hệ để hiểu và gần với người học.

Hiện nay các trường đang thực hiện các biện pháp để giải quyết vấn đề này. Trước mắt là hợp tác với các trung tâm đào tạo kỹ năng mềm, các trường sư phạm có nhân sự trong lĩnh vực này để đào tạo kỹ năng cho sinh viên. Về lâu dài các trường phải kết hợp với các đơn vị trên để đào tạo nguồn nhân lực chuyên môn cho lĩnh vực đào tạo này, nhằm chủ động trong việc xây dựng nội dung chương trình đào tạo cho phù hợp với đối tượng sinh viên của trường mình.

Có thể hiểu kỹ năng là các kỹ thuật hành động giúp các cá nhân phát triển bản thân và thích nghi tốt với môi trường luôn luôn biến đổi. Phương pháp giảng dạy kỹ năng mềm nhấn mạnh vào khả năng thực hành của người học trên cơ sở lý thuyết được cung cấp.

Huấn  luyện - trải nghiệm - khởi nghiệp

ThS. Hoàng Thị Thoa, Trường đại học công nghiệp thực phẩm TP.HCM cho biết, nhận thức tầm quan trọng kỹ năng mềm của sinh viên sau khi tốt nghiệp và định hướng nâng cao kiến thức, kỹ năng và thái độ của sinh viên sau tốt nghiệp, Trường đại học công nghiệp thực phẩm TP.HCM đã tạo bước đột phá quan trọng và gặt hái những thành công nhất định khi triển khai giáo dục kỹ năng mềm cho sinh viên tại trường theo mô hình: huấn  luyện - trải nghiệm - khởi nghiệp.

Sau khi triển khai mô hình, 98,2% sinh viên nhận thức được tầm quan trọng của kỹ năng mềm (số liệu trước khi triển khai mô hình là 62,3%). Số liệu khảo sát tháng 4/2018 với kết quả trên 95% sinh viên cảm thấy lợi ích thiết thực và hài lòng với việc học tập, rèn luyện kỹ năng mềm. Trong các buổi giảng dạy kỹ năng mềm, ý thức sinh viên tham gia rất tốt, thể hiện sĩ số luôn đạt trên 90%; các bài tập thực hành, các hoạt động thực tế, trải nghiệm luôn được sinh viên hào hứng tham gia. Học tập và trải nghiệm kỹ năng mềm giờ không chỉ là phong trào hay một môn học bắt buộc mà đã trở thành hoạt động thường xuyên với nhiều chương trình cụ thể như các cuộc thi, các buổi tham quan, dã ngoại, các chuyến trải nghiệm thực tế, các hoạt động vì môi trường, cộng đồng. . .

Sự chuyển biến tích cực của các bạn sinh viên thể hiện rất rõ qua thái độ và kết quả học tập chung. Qua quá trình tiếp xúc và phỏng vấn với các giảng viên giảng dạy các môn chuyên ngành, có 87,2% giảng viên cảm thấy có sự thay đổi của sinh viên, biểu hiện qua việc tích cực phát biểu, xây dựng bài; thái độ sinh viên khi làm bài tập, tiểu luận, đồ án theo nhóm rất tích cực và hiệu quả; sinh viên chủ động tự học, tự nghiên cứu tài liệu, tần xuất đến thư viện đọc và mượn trả sách cũng nhiều hơn. Hoạt động nghiên cứu khoa học trong sinh viên có sự chuyển biến tích cực, có nhiều đề tài nghiên cứu, nhiều mô hình, sáng kiến thiết thực được sinh viên nghiên cứu và triển khai ứng dụng.

Một trong những nhân tố đánh giá rõ nhất hiệu quả của mô hình đào tạo kỹ năng mềm chính là các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động. Qua các buổi nói chuyện chuyên đề, giao lưu chia sẻ kinh nghiệm, các cuộc thi, các buổi phỏng vấn tuyển dụng. . . hơn 90% doanh nghiệp hài lòng với thái độ và kỹ năng xã hội của sinh viên, số lượng doanh nghiệp tuyển dụng và tham gia vào hoạt động do trường tổ chức cũng nhiều hơn, số lượt sinh viên được tuyển dụng ngay lần phỏng vấn đầu tiên cũng tăng lên (66,7% so với 42,3% trước đây).
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để hình thành kỹ năng mềm, cần giáo dục hay đào tạo?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO