Đẩy mạnh quốc tế hóa giáo dục Việt Nam

N. HOA| 11/12/2020 08:49

KHPTO - Đề tài “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp đẩy mạnh quốc tế hóa giáo dục Việt Nam”, thuộc chương trình khoa học giáo dục cấp quốc gia, Trường đại học kinh tế TP.HCM chủ trì thực hiện, GS.TS. Nguyễn Trọng Hoài làm chủ nhiệm đề tài.

Qua khảo sát tài liệu nhiều quốc gia và quan tâm tính đặc thù của Việt Nam, nhóm đã đề xuất khung phân tích cho việc thúc đẩy quốc tế hóa hệ thống giáo dục Việt Nam. GS. Hoài cũng đánh giá, cải cách chương trình giáo dục phổ thông hiện nay theo hướng tiếp cận năng lực, phẩm chất người học là phù hợp thông lệ quốc tế. Đề tài đã đưa ra những đề xuất chính sách và đề xuất đối với các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) nhằm thúc đẩy quốc tế hóa GDĐH.

Ở cấp độ quản lý, nhóm nghiên cứu kiến nghị cần phân bổ ngân sách đầu tư mang tính đột phá cho hệ thống GDĐH (hiện thấp gần nhất so với khu vực); tiếp tục thu hút FDI lĩnh vực GDĐH thông qua khuyến khích mở các chi nhánh giáo dục quốc tế; phát triển trung tâm giáo dục quốc tế; thiết kế chính sách khuyến khích hệ thống giáo dục Việt Nam tham gia các kiểm định khu vực và quốc tế; định hướng hệ thống đại học tham gia xếp hạng trong nước và quốc tế phù hợp; tăng cường sự di chuyển của sinh viên, giảng viên và học giả quốc tế; xây dựng các đại học tầm cỡ thế giới; kiến nghị xây dựng bộ tiêu chí xếp hạng đại học trong nước.

Đề cao tính ứng dụng, thiết thực của đề tài, với đầy đủ các sản phẩm, hướng tiếp cận khoa học hợp lý là một số đánh giá của các chuyên gia tại phiên họp. Bên cạnh đó, có chuyên gia cho rằng, nhóm nghiên cứu cần triển khai sâu hơn một số khái niệm, kiến giải lý do lựa chọn các trường hợp điển hình rõ ràng hơn, khung phân tích cần được xây dựng gắn với nội hàm lý thuyết.

Là một trong những đơn vị thụ hưởng kết quả nghiên cứu của đề tài, ông Phạm Quang Hưng, cục trưởng Cục hợp tác quốc tế, Bộ giáo dục và đào tạo cho biết, nhóm nghiên cứu đã tích cực phối hợp với cục trong công tác nghiên cứu, hoàn thiện, sửa đổi hành lang pháp lý. Mục tiêu đề tài bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; song hành để phục vụ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc yêu cầu nhóm nghiên cứu cần tiếp tục rà soát và hoàn thiện. Cụ thể, bên cạnh tập trung quốc tế hóa ở bậc GDĐH, nhóm nghiên cứu cần bổ sung, phân tích thêm hoạt động này ở bậc mầm non, phổ thông. Thứ trưởng lưu ý, những nhận định, đánh giá đưa ra đều cần căn cứ khoa học, là cơ sở quan trọng cho đề xuất kiến nghị.

Thứ trưởng đề nghị nhóm nghiên cứu căn cứ những đề xuất của mình, tiếp tục tham gia, phối hợp với Bộ giáo dục và đào tạo trong các nhiệm vụ quan trọng sắp tới, phát huy tính chất ứng dụng.

Đại diện nhóm nghiên cứu, GS. Nguyễn Trọng Hoài cho biết, nhóm sẽ tiếp thu tối đa góp ý của hội đồng, cố gắng hoàn thiện báo cáo; bên cạnh chuyển giao 20 sản phẩm, sẽ quyết tâm giải quyết tốt nhất có thể những cam kết theo thuyết minh.

Kết quả nghiên cứu được công bố qua 4 bài báo khoa học trên các tạp chí chuyên ngành, hoàn thành 1 sách chuyên khảo; đào tạo thành công 2 thạc sĩ, hỗ trợ đào tạo 1 nghiên cứu sinh. Sản phẩm khoa học của đề tài đã cung cấp, đóng góp những luận cứ khoa học trong lĩnh vực quốc tế hóa giáo dục; đề xuất các chính sách thúc đẩy quốc tế hóa ở cấp giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, GDĐH.

Một số sản phẩm đã được Cục hợp tác quốc tế, Vụ giáo dục đại học (Bộ giáo dục và đào tạo); Văn phòng hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực… tiếp nhận, sử dụng, phục vụ công tác quản lý.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đẩy mạnh quốc tế hóa giáo dục Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO