Dạy cho học sinh về trí tuệ nhân tạo

ANH THƯ| 19/02/2020 17:54

KHPTO - Từ năm học 2019 - 2020, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong bắt đầu triển khai dạy học đại trà phổ cập về trí tuệ nhân tạo cho học sinh 3 khối 10, 11, 12 và có lộ trình giảng dạy chuyên sâu các chuyên đề trí tuệ nhân tạo ở các học kỳ sau, nhằm đào tạo học sinh phát triển toàn diện về trí lực, công nghệ, năng khiếu, kỹ năng… trở thành công dân toàn cầu trong thời hội nhập.

Theo ThS. Phạm Thị Bé Hiền, hiệu trưởng, ngoài nhiệm vụ trọng tâm là bồi dưỡng học sinh giỏi, nhiều năm nay nhà trường đã đưa hoạt động nghiên cứu khoa học vào trường chuyên để khuyến khích học sinh nghiên cứu và thực nghiệm và đã đạt một số thành tựu nhất định. Từ năm học 2019 - 2020, theo chỉ đạo của Sở giáo dục và đào tạo hướng đến đề án xây dựng trường học thông minh, nhà trường đã mạnh dạn xin chủ trương để bắt đầu triển khai giảng dạy trí tuệ nhân tạo đại trà cho học sinh trường chuyên.

Việc này tạo lợi thế cho học sinh: thành thạo 3 ngôn ngữ: Anh văn, code máy tính, và toán; có kinh nghiệm thực tế qua các dự án lập trình AI, các câu lạc bộ; phát triển các kỹ năng: kỹ năng điều hành, kỹ năng cộng tác và làm việc nhóm, kỹ năng giải quyết vấn đề và viết báo cáo khoa học... Sớm khám phá đam mê và có một cái nhìn rõ nét về định hướng nghề nghiệp.

Đội ngũ giáo viên tham gia chương trình là thành viên của Tổ chức Center of Talent in AI (CoTAI) và Công ty AINovation; tương lai sẽ mở rộng ra với những tình nguyện viên đạt chuẩn như các nghiên cứu sinh, cộng tác viên, cùng giảng viên và cựu học sinh Trường chuyên Lê Hồng Phong.

Việc triển khai học chuyên sâu sẽ bao gồm: nền tảng toán cho nghiên cứu AI: được thiết kế đặc biệt cho học sinh cấp 3 để cung cấp các kiến thức về toán cao cấp dùng trong nghiên cứu

AI; học máy: lý thuyết và thực hành, dành cho học sinh định hướng chuyên về lập trình AI; sáng tạo với AI: giới thiệu các ứng dụng mới của AI trong các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, âm nhạc, điện ảnh, thời trang, giáo dục, y tế... Các khóa học sẽ hoàn toàn bằng tiếng Anh (bài giảng, giáo trình cũng như báo cáo của học viên), tổ chức mỗi học kỳ.

Các khóa học chuyên sâu tiếp theo, học vào các học kỳ kế tiếp, bao gồm: xử lý ngôn ngữ tự nhiên, giúp máy hiểu văn bản và âm thanh, giọng nói; thị giác máy: xử lý phim ảnh, giúp máy hiểu nội dung hình ảnh và video, có khả năng tự mô phỏng lại; học máy điều khiển, tích hợp hệ thống cho robot thông minh; xử lý kết hợp cả âm thanh và hình ảnh trong các hệ thống tích hợp để trợ giúp con người, ví dụ xe tự hành, nhà thông minh, trợ lý ảo...

Sau khi các em học sinh hoàn tất các chuyên đề chuyên sâu về AI ở cấp THPT, học sinh có thể đạt trình độ AI như một kỹ sư AI, có thể tiếp tục học ở bậc đại học đúng chuyên ngành mà rút ngắn được thời gian.

ThS. Phạm Thị Bé Hiền cho biết, việc triển khai khá thuận lợi do được Sở giáo dục và phòng trung học chỉ đạo cụ thể về chủ trương và cách thức triển khai các hoạt động trong nhà trường, được đầu tư về cơ sở vật chất. Nhà trường kết nối được nhiều cựu học sinh là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ nhà trường lên chương trình, kế hoạch giảng dạy và giảng viên có chuyên môn cao về trí tuệ nhân tạo. Bên cạnh đó còn được sự đồng thuận từ tập thể sư phạm nhà trường và phụ huynh học sinh về chủ trương tổ chức một chuyên đề mới trong nhà trường.

Trình độ và năng lực của học sinh trường chuyên có thể tiếp thu được lượng kiến thức mới, hiện đại và mang tính công nghệ cao này. Nhà trường có đội ngũ giáo viên có chuyên môn, có kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Lực lượng cựu học sinh đã từng đoạt giải cao trong các cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia và quốc tế luôn sẵn sàng hỗ trợ tư vấn cho học sinh nghiên cứu khoa học và tham gia cuộc thi khoa học kỹ thuật các cấp. Học sinh chuyên nên đam mê nghiên cứu khoa học và có nhiều ý tưởng đột phá mang tính thực tiễn, là đề tài của các dự án nghiên cứu khoa học. Nhà trường cũng được sự hỗ trợ lớn từ các trường đại học, các nhà khoa học, các đơn vị hỗ trợ, các mạnh thường quân và phụ huynh học sinh.

Tuy nhiên, khó khăn là nhà trường chưa có đội ngũ giáo viên chuyên ngành về trí tuệ nhân tạo để giảng dạy chính, mà phải hợp đồng hợp tác với chuyên gia có chuyên môn cao về trí tuệ nhân tạo. Cơ sở vật chất chưa thật sự đáp ứng tối đa cho giảng dạy trí tuệ nhân tạo, cần máy tính, máy chiếu, mạng Internet, thư viện thông minh, thiết bị cho học sinh thực hành/làm việc nhóm... Nguồn tài chính chi cho các hoạt động giảng dạy này khá cao. Là năm đầu tiên triển khai dạy trí tuệ nhân tạo và cũng là trường THPT đầu tiên trong thành phố thực hiện nên phải vừa thực hiện vừa rút kinh nghiệm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dạy cho học sinh về trí tuệ nhân tạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO