Dấu ấn văn hóa năm 2021

Nguồn: dangcongsan.vn| 25/01/2022 22:27

Với phương châm “Quyết liệt hành động - khát vọng cống hiến” năm 2021, ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) đã tổ chức thực hiện thành công kế hoạch đề ra, đạt được những kết quả đáng ghi nhận trên cả 3 lĩnh vực văn hóa, du lịch và thể dục - thể thao, để lại dấu ấn với những con số ấn tượng.

Bức tranh văn hóa nhiều sắc màu

Theo báo cáo của Bộ VH-TT&DL, năm 2021 là năm đầy ắp những sự kiện chính trị rất quan trọng của đất nước, đây cũng là  năm bản lề để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII. Nhìn vào bức tranh văn hóa năm 2021 có thể thấy nhiều gam màu nhưng những gam màu sáng vẫn là chủ đạo, được thể hiện ở những thành tựu mà ngành VH-TT&DL đã làm được trên các bình diện lớn như sau:

Một là, Bộ đã tập trung để thực hiện tốt việc thể chế hoá đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng. Hay nói cách khác là tập trung khâu đột phá về mặt thể chế, từ đó đã chủ động rà soát, đề xuất tham mưu Đảng, Nhà nước, Quốc hội để ban hành chủ trương, các bộ luật để làm tốt hơn nữa nhiệm vụ quản lý trong đó đã tham mưu Ban Bí thư, Bộ Chính trị tổ chức thành công Hội nghị Văn hoá toàn quốc để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, đúng vào dịp kỷ niệm 75 năm Bác Hồ tổ chức Hội nghị Văn hoá toàn quốc lần thứ nhất; trình Quốc hội để xem xét, sửa đổi Luật Điện ảnh; nghiên cứu đề xuất sửa đổi Luật phòng, chống bạo lực gia đình gắn với đó là các Nghị định về du lịch, các thông tư thuộc thẩm quyền của Bộ.

Thứ 2, khi xác định Văn hoá phải phối hợp với nhiều ngành, nhiều cấp, phải được tác động từ nhiều chiều, Bộ đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành trung ương để ký kết các chương trình trong 5 năm tới trong đó có những chương trình mang dấu ấn như Chương trình phối hợp hành động với Ban Tuyên giáo trung ương, với Uỷ ban Dân tộc, với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, với Bộ Thông tin và Truyền thông. Những nội dung này, không chỉ làm trên nguyên tắc mà có các số liệu cụ thể để thúc đẩy cho ngành Văn hoá triển khai một cách toàn diện sâu sắc hơn.

Điểm sáng thứ 3 là, dù trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tác động sâu sắc và toàn diện đến toàn bộ nền kinh tế - xã hội trong đó có lĩnh vực hoạt động của Bộ VHTTL nhưng toàn ngành đã nỗ lực để vượt qua, thích ứng an toàn, kiểm soát có hiệu quả. Bộ đã tập trung chỉ đạo các đơn vị nghệ thuật tập trung thực hiện tốt những vấn đề mới chưa có tiền lệ như nhà hát online, nhà hát truyền hình, các chương trình livetream trực tiếp, những hình ảnh của những người nghệ sĩ đi vào tâm dịch, mang lời ca, tiếng hát để phục vụ đồng bào, đồng chí, lực lượng ở tuyến đầu. Cùng với các loại hình nghệ thuật đặc thù được tổ chức một cách linh hoạt không chỉ làm phong phú đời sống tinh thần mà còn tạo ra một hiệu ứng “vắc xin tinh thần” cùng với vắc xin COVID-19 để cùng với cả nước vượt qua đại dịch.

Điểm sáng thứ tư, du lịch cũng bước đầu có bước khởi động. Tận dụng cơ hội của những tháng đầu, quý đầu khi dịch chưa bùng phát, đã đẩy nhanh được về vấn đề tour, tuyến, số lượng khách, xem du lịch nội địa là một hướng đi vững chắc, cần phải tập trung để khai thác và khi đại dịch COVID - 19 đang diễn ra cùng với một khát vọng phải biến du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn đã lựa chọn được nội dung, đảm bảo được nhu cầu đi thưởng thức, nhu cầu đi du lịch ở những vùng an toàn và đã đề xuất với Chính phủ và được chấp nhận để làm thí điểm đón khách quốc tế tại Phú Quốc (Kiên Giang), Đà Nẵng, Khánh Hoà, làm ấm lại tình cảm du lịch bị đóng băng tê liệt, khởi động để rút kinh nghiệm trong những năm tiếp theo và nhất là khi chúng ta kiểm soát được dịch bệnh.

Điểm sáng thứ năm, thể thao cũng bắt đầu có dấu ấn, ngoài việc tham gia, không bỏ sót các hoạt động thể thao quốc tế như Olympic Tokyo, AFF Cup, ngành cũng đã chủ động đề xuất đưa ra các phương pháp, bài tập trong dịch bệnh để nhân dân rèn luyện thể thao, nâng cao sức khoẻ, giúp cho thực hiện được tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu “dân cường thì quốc thịnh”.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được bước đầu đáng phấn khởi, ngành VH-TT&DL cũng cần nghiêm túc nhìn nhận những hạn chế, khó khăn, nhất là khi nước ta đang thực hiện kinh tế số, chuyển đổi số. Năm 2021, trước những yêu cầu của thực tiễn, Bộ vẫn còn thiếu hạ tầng kỹ thuật số khi thực hiện loại hình nghệ thuật theo hướng nhà hát online, những chương trình livetream trực tiếp. Bên cạnh đó việc đầu tư cho Văn hoá hiện nay vẫn còn đang ở mức khiêm tốn. Nhiều cấp ủy, chính quyền địa phương vẫn chưa có nhận thức đúng đắn về Văn hoá nên chưa có hành động quyết liệt để thực hiện việc phát triển Văn hoá.

Trong quá trình xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, chúng ta cũng đang gặp khá nhiều trở ngại khi một bộ phận dân chúng đang còn dễ dãi trong hưởng thụ, lối sống văn hoá cũng đang có những vấn đề báo động về đạo đức, tư tưởng.

Dù vẫn còn những màu xám nhưng nhìn chung bức tranh văn hóa 2021 vẫn chủ yếu là những gam màu sáng.

Vận hành tốt cỗ xe tam mã: Văn hoá - Thể thao - Du lịch

Để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, là động lực phát triển đất nước, theo Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng, bước sang năm 2022 toàn ngành VH-TT&DL cần phải nỗ lực thực hiện tốt những nhiệm vụ trọng tâm sau đây:

Một là, cần phải quán triệt Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đề ra trong lĩnh vực VH-TT&DL; phải tiếp tục quán triệt, làm sâu sắc hơn các nội hàm của nội dung này, có kế hoạch cụ thể, chi tiết để tổ chức thực hiện. Gắn với đó là phải tổ chức thực hiện có hiệu quả kết luận chỉ đạo của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc, tiếp cận theo hướng các nội dung được xây dựng phải phong phú hơn, sâu sắc hơn, nội hàm phải rõ hơn, vừa có tính toàn diện nhưng đồng thời phải có trọng tâm, trọng điểm. Các chỉ tiêu đặt ra trong năm 2022 phải cao hơn năm 2021.

Muốn làm được vậy, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, trước hết là ở thể chế. Bộ phải chủ động đề xuất với Chính phủ, Quốc hội để cụ thể hoá chủ trương của Đảng bằng pháp luật trong đó phải có những bộ luật phải trình được Quốc hội, Chính phủ theo đúng qui trình xây dựng văn bản qui phạm pháp luật như Luật về phòng, chống bạo lực gia đình và thông qua bộ luật này để chúng ta xây dựng gia đình tiến bộ, ấm no, hạnh phúc, một trong những cái nôi cơ bản để chúng ta xây dựng văn hoá, bắt đầu theo chiều sâu từ gia đình là tế bào của xã hội. Đi kèm với đó là tiếp tục cụ thể hoá nội dung đã được ký kết với các Bộ, ngành để tập trung xây dựng hệ sinh thái văn hoá. Trong đó phải nhấn 2 đối tượng được làm. Đó là hệ sinh thái văn hoá cấp cơ sở, phải phối hợp với các đoàn thể chính trị, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của cấp uỷ Đảng để xây dựng các khu phố văn hoá, bản làng văn hoá đạt chuẩn, đi vào thực chất, có chiều sâu, không chạy theo thành tích.

Việc thứ hai là phối hợp với Tổng liên đoàn, Hội kinh tế và Văn hoá để phấn đấu có nhiều đơn vị, nhiều doanh nghiệp đạt chuẩn về doanh nghiệp văn hoá, doanh nhân văn hoá mà trong đó 12 tiêu chí được đặt ra là phải kinh doanh đúng pháp luật, đóng góp nhiều hơn cho đất nước, trách nhiệm xã hội nhiều hơn và chung tay để phát triển, chấn hưng văn hoá Việt Nam như chỉ đạo của Tổng Bí thư.

Thứ ba, tổ chức tốt các hoạt động thể thao vừa chú trọng đến thể thao quần chúng nhưng đồng thời cũng phải chú ý đến thể thao thành tích cao mà vấn đề chính là tổ chức thành công SEA Games 31. Đây không chỉ là hoạt động thể thao thường kỳ mà là dịp để chúng ta quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra với bạn bè quốc tế, tổ chức tốt đại hội thể thao khu vực sẽ tạo ra tiếng vang, khẳng định vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Về du lịch, chúng ta không thể ngồi chờ để đến thời kỳ zero COVID mà phải từ vùng xanh, từ các vấn đề thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả, sẽ đưa ra các loại hình du lịch, các sản phẩm du lịch mới để thích ứng với tình hình hiện nay theo nhóm nhỏ, gọn, đón khách quốc tế để đảm bảo an toàn, để ngành du lịch trở lại hoạt động bình thường, đáp ứng được sự mong đợi của nhân dân và cũng đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế sau khi Quốc hội thông qua Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội phục hồi sau COVID - 19 trong đó có lĩnh vực Du lịch.

Như vậy nhìn toàn diện, Bộ VH-TT&DL nói rộng ra là ngành VH-TT&DL cả nước phải tận dụng một cách đầy đủ nhất, sâu sắc nhất phương thức vận hành của cỗ xe tam mã là: Văn hoá, Thể thao và Du lịch. Trong đó Văn hoá là trọng tâm, là trung tâm để thúc đẩy cho Du lịch và Thể thao phát triển trong thời gian tới.                               

Bài ảnh: TT

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dấu ấn văn hóa năm 2021
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO