Đất vua - đất nghề

HOÀNG LÂN| 26/12/2010 10:41

Từ lâu sản phẩm thủ công mỹ nghệ vùng thành Hoàng Đế ở phía bắc huyện An Nhơn đã nổi tiếng khắp nơi - đúc đồng, gốm, dệt vải lụa, nhiễu, the, nón lá, tiện gỗ, chạm khắc, khảm xà cừ, thêu ren… Hiện nay An Nhơn là huyện có nhiều nghề thủ công nhất tỉnh Bình Định - 22/47 làng nghề của cả tỉnh - tập trung ở thị trấn Đập Đá.

Nghề xưa

Người ta nói làng nghề quy tụ quanh thành Hoàng Đế là để làm ra sản phẩm cung ứng cho thành ngày xưa. Vào thế kỷ thứ X, khi thành Đồ Bàn là thủ phủ của vương quốc Champa, ở An Nhơn “ta thấy nghề đúc, rèn, chạm ở đây đã thực sự phát triển. Tượng Phật, tượng vũ nữ Champa, đồ trang trí bằng vàng bạc… phát hiện ở vùng Bình Định cho ta thấy người Champa trong kỹ nghệ đúc chạm đã đạt trình độ tinh xảo” (theo Bình Định danh thắng & di tích). Mới đây tháng 12/2008 đợt khai quật khảo cổ học lần ba tại tháp Champa – Dương Long đã phát hiện 10 tượng tu sĩ bằng đá với nét chạm khắc sinh động và bay bổng của người Champa. Thời bấy giờ có 5 trung tâm chuyên sản xuất đồ gốm (có hoặc không tráng men), với các lò gốm Champa nổi tiếng như Gò Sành, Cây Me, Trường Cửu... Gần đây khi người ta trục vớt tàu cổ Pandanan (của Indonesia), các nhà khảo cổ đã cho thấy có 70% gốm là của người Champa ở miền Trung Việt Nam, bao gồm bát, đĩa có men màu nâu, xanh lá cây, tách, lọ, bình, ly, hũ men nâu… xuất xứ từ Gò Sành, Cây Me…

Nghề đúc đồng thời ấy cũng phát triển. Cả làng Phương Danh (Đập Đá) làm nghề đúc đồng. Làng dệt Nam Phương Danh thì nổi tiếng với sản phẩm vải cao cấp làm từ sợi tơ tằm: lãnh, nhiễu, lụa…

Làng nghề ngày nay

Hiện nay nhiều nghề truyền thống vẫn còn tồn tại, dù không thể cạnh tranh nổi với sản phẩm hiện đại: đúc đồng (Bằng Châu - Đập Đá), gốm (Nhạn Tháp), dệt (Nam Phương Danh), rèn, đúc… Ngày xưa các cụ đúc nồi bung, nồi bảy, đồ thờ, đúc chiêng… - ngày nay ít có.

Để tồn tại, nghệ nhân đúc đồng Bằng Châu chuyển hướng sang đúc chân vịt, láp đồng tàu thủy, khoen đồng cho lưới đánh cá, hay đúc nhôm, đúc gang làm đầu máy bơm nước, cút, khớp nối ống nước… Năm 2007 các nghệ nhân trong làng đã đúc một tượng Phật Thích Ca tọa thiền, cao 2 m, nặng 1,2 tấn, cho một ngôi chùa tại Bình Định. Mới đây làng cũng đúc một chuông chùa nặng 500 kg.

Người ta không biết nghề làm gốm (ở Nhạn Tháp, Vân Sơn thuộc xã Nhơn Hậu) có từ lúc nào, chỉ biết vùng đất này đã từng có lò gốm Champa (dấu tích ở gần chùa Nhạn Sơn).

Đất sinh ra nghề. Đập Đá, Nhơn Hậu, Nhơn Thành là những vùng đất bên trong và bên ngoài các thành Đồ Bàn (Champa) và Hoàng Đế (Tây Sơn). Nghề dệt ở Nam Phương Danh (Đập Đá) đã mai một đi nhiều. Không chỉ đúc đồng, nhôm, gang mà còn có nghề rèn cuốc, rựa, liềm, răng máy cắt lúa, nghề dệt (thổ cẩm), nghề chạm khắc gỗ mỹ nghệ, cẩn xà cừ, nghề thêu ren, làm nhang, làm bún tươi, nước mắm…

Đập Đá từng nổi tiếng với nghề tiện gỗ (tủ thờ, chân giường, chân tủ, thanh cửa…). Ngày nay những người trẻ cũng chạm khắc được nhiều sản phẩm độc đáo: lục bình, quả cầu, bình trà… họ còn tạo được nhiều sản phẩm mỹ thuật bằng gỗ như tranh tứ quý (long – lân - quy - phượng), tượng phật, nai, song mã, hổ, bò tót… Không thể kể hết các làng nghề của vùng “đất vua” này, từ việc làm nhang xuất khẩu, dệt bao bì, đến làm nước mắm (Đập Đá), làm giỏ tre, rọ tre, ấm đất, lọ đất… Để tồn tại và phát triển, người địa phương vẫn duy trì nghề của ông cha, mặt khác đã du nhập và tạo ra nhiều nghề mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đất vua - đất nghề
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO