Đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu phát triển nông nghiệp công nghệ cao

TIỂU YẾN| 26/09/2020 09:32

KHPTO - Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ nông nghiệp công nghệ cao là một yêu cầu bức thiết hiện nay của TP.HCM, nhất là trong giai đoạn mà nông nghiệp thông minh chiếm ưu thế. Trước yêu cầu này, thành phố tập trung, đào tạo nghề gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng đô thị, tập trung vào các cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, sản phẩm an toàn...

Thực tiễn cho thấy, hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp cho lao động nông thôn là cấp thiết nhằm giúp họ nhanh chóng thích nghi với tình hình mới. Đào tạo nghề gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng đô thị, tập trung vào các cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, sản phẩm an toàn... nhằm phù hợp với quá trình đô thị hóa đang diễn ra nhanh cũng là một đòi hỏi bức thiết.

Từ thực tế trên, thành phố đã triển khai Quyết định 6150 về chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và Quyết định số 6160 về đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của UBND TP.HCM. Theo đó, giai đoạn 2017 – 2020, thành phố đào tạo tay nghề cho gần 2.900 lao động nông nghiệp để tham gia từng khâu trong dây chuyền sản xuất áp dụng nông nghiệp công nghệ cao; đào tạo nâng cao kỹ thuật, kỹ năng sử dụng vận hành công nghệ, làm chủ công nghệ trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, kỹ năng thực hành ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp cho 1.800 cán bộ, chủ doanh nghiệp, kỹ thuật viên, xã viên hợp tác xã. Thành phố chú trọng đào tạo cho lao động ở các vùng nguyên liệu có liên kết sản xuất với các doanh nghiệp cũng như lao động thực hiện các chương trình tái cơ cấu ngành, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); thành viên hợp tác xã, trang trại tham gia liên kết sản xuất theo chuỗi ngành hàng, sản xuất công nghệ cao, áp dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất. Ngoài ra, hàng năm thành phố ưu tiên đào tạo 20% lao động tham gia sản xuất nông nghiệp công nghệ cao để thực hiện mục tiêu đến cuối năm 2020, nâng tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm từ 60 - 70% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp.

Trung tâm dạy nghề nông nghiệp công nghệ cao (thuộc Ban quản lý khu nông nghiệp công nghệ cao) là đơn vị được thành phố giao nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2017 - 2020. Qua triển khai, đơn vị này đã tổ chức hàng chục lớp đào tạo các trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng cho nhiều đối tượng (doanh nhân, cán bộ quản lý, điều hành và người lao động làm việc trực tiếp tại các cơ sở sản xuất kinh doanh nông nghiệp, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi), với các nghề: kỹ thuật tạo dáng bonsai và chăm sóc cây cảnh bonsai ứng dụng công nghệ cao; phương pháp nhân giống cây ăn trái và kỹ thuật vườn ươm ứng dụng công nghệ cao; kỹ thuật sản xuất rau an toàn ứng dụng công nghệ cao; kỹ thuật trồng và vi nhân giống hoa ứng dụng công nghệ cao; kỹ thuật nuôi cá cảnh đẻ con, đẻ trứng ứng dụng công nghệ cao; nhân giống cây trồng bằng phương pháp nuôi cấy mô; phương pháp tưới tiết kiệm nước và tưới tiết kiệm nước tích hợp các cảm biến (sensor) điều khiển tự động trên các thiết bị thông minh.

Nhờ tập trung đào tạo nghề gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng đô thị, tập trung vào các cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, sản phẩm an toàn... đã góp phần vào kết quả sản xuất nông nghiệp của thành phố, đáng kể nhất là năm 2019, GRDP nông nghiệp TP.HCM tăng hơn 6%, gấp 3 lần so với bình quân cả nước. Cùng với đó, giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân mỗi ha đạt 550 triệu đồng/năm, gấp 5 lần bình quân cả nước, thu nhập bình quân đầu người của hộ gia đình tại các xã tăng từ 49,18 triệu đồng/ người (năm 2017), lên 63,096 triệu đồng/người (năm 2019).

Ông Lại Hữu Thi (xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh), từng tham gia lớp đào tạo nghề nông nghiệp do địa phương tổ chức chia sẻ: “Lúc mới trồng mai, tôi được dạy những kiến thức cơ bản cho người mới biết chơi. Tới nay, sau 10 năm, tôi được tham gia khóa học do thầy Hai Rìu hướng dẫn có chủ đề “Kỹ thuật tạo dáng bonsai và chăm sóc cây cảnh bonsai ứng dụng công nghệ cao”. Tôi cho rằng, kiến thức mà thầy dạy phù hợp nhu cầu sản xuất nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ cao. Được học kiến thức nâng cao, giúp tôi có kinh nghiệm, kiến thức ứng dụng công nghệ tạo ra hiệu quả kinh tế cao hơn”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu phát triển nông nghiệp công nghệ cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO