Đào tạo đại học: sự trở lại của giáo dục khai phóng?

Anh Thư| 03/11/2018 16:01

KHPTO - Việc Trường đại học Fulbright Việt Nam và Trường đại học Việt - Nhật, hai đại học quốc tế hàng đầu ở nước ta tuyên bố sẽ áp dụng mô hình giáo dục khai phóng khi đào tạo cử nhân và thạc sĩ là một tín hiệu quan trọng. Tín hiệu đó thôi thúc các trường đại học suy nghĩ về việc áp dụng GDKP trong chương trình đào tạo đại học của mình.

GS.TS. Lâm Quang Thiệp, Trường đại học Thăng Long nêu vấn đề này tại hội thảo “Đổi mới căn bản và toàn diện hoạt động đào tạo trong các trường đại học, cao đẳng” do Hiệp hội các trường đại học cao đẳng Việt nam tổ chức ngày 2/11, tại Trường đại học sư phạm kỹ thuật TP.HCM.

Nhiều cách hiểu về giáo dục khai phóng

Theo GS.TS. Lâm Quang Thiệp, về giáo dục khai phóng (GDKP), có nhiều định nghĩa khác nhau, nhưng trước hết có thể tham khảo một định nghĩa gần đây của Hiệp hội các trường đại học và cao đẳng Hoa Kỳ (AAC&U): "GDKP là một cách tiếp cận học tập tạo năng lực và chuẩn bị cho từng cá thể người học ứng phó với sự phức tạp, đa dạng và thay đổi. Nó cung cấp cho người học một nền kiến thức bao quát về thế giới rộng lớn (khoa học, văn hóa và xã hội) đồng thời đi sâu nghiên cứu một lĩnh vực quan tâm xác định. GDKP giúp người học phát triển ý thúc về trách nhiệm xã hội cũng như tri thức khả dụng mạnh mẽ và các kỹ năng thực tiễn như giao tiếp, phân tích và giải quyết vấn đề, cũng như thể hiện một năng lực áp dụng kiến thức và kỹ năng vào đời sống thực tế”.

Trong giai đoạn đầu đổi mới GDĐH nước ta, phần giáo dục đại cương theo tinh thần GDKP đã được đưa vào chương trình cử nhân. GS.TS. Lâm Quang Thiệp cho biết, dù dịch sang tiếng Việt là giáo dục đại cương, giáo dục tổng quát (general education) hoặc giáo dục khai phóng thì nội dung cũng như nhau, đó là giáo dục "giúp sinh viên phát triển ý thức về trách nhiệm xã hội cũng như các kỹ năng thực tiễn và tri thức mạnh mẽ, như giao tiếp, phân tích và giải quyết vân đề, cũng như thể hiện một năng lực áp dụng kiến thức và kỹ năng vào đời sống thực tế". Thuật ngữ "giáo dục khai phóng" phản ảnh rõ hơn nội dung của khái niệm, cho nên từ nay có lẽ nên dùng cách dịch đó. Những trở ngại trong quá trình đổi mới là không tránh khỏi, nhưng dù sao một dấu mốc về GDKP ở nước ta đã được ghi nhận. Tuy nhiên, sau đó đã diễn ra sự giằng co giữa GDKP và đào tạo nghề theo diện hẹp ở nhiều trường đại học, và có thể nói tinh thần GDKP chưa được khẳng định một cách vững chắc. Vào những năm đầu thế kỷ 21, nhu cầu về những "kỹ năng mềm" đối với sinh viên tốt nghiệp đã nổi lên, và nhiều trường đại học đã đưa vào chương trình chính khóa cũng như ngoại khóa một số nội dung về GDKP.

Thay đổi tư duy - khơi nguồn sáng tạo

Nói về những giái pháp căn bản để thực hiện triết lý đào tạo đại học, PGS.TS. Dương Văn Sáu, Trường đại học văn hóa Hà Nội cho rằng: "Cần xem lại quan điểm lấy thầy cô làm trung tâm hay lấy sinh viên làm trung tâm?". Với tuyệt đại đa số hiện nay đều đồng thuận với quan điểm "lấy người học làm trung tâm", tôi cũng không cho quan điểm trên là sai, nhưng tôi lại muốn lấy người dạy (thầy, cô) làm trung tâm cho người học (sinh viên) hướng về. Để trở thành trung tâm, người dạy luôn phải phấn đấu làm sao để thu hút sự chú ý của người học: hướng về - theo dõi - học tập; người dạy phải làm thế nào để truyền cảm hứng sáng tạo cho người học. Đó chính là hai quá trình hội tụ và lan tỏa trong giáo dục đào tạo!”.

Đây cũng là những thay đổi cần thiết đối với ĐTĐH Việt Nam hiện nay, cần thiết phải chuyển đổi quan niệm và hành động. Xuất phát từ triết lý đào tạo cũng đồng thời là mục tiêu, định hướng đào tạo đại học: "Thay đổi tư duy - khơi nguồn sáng tạo" sẽ tạo ra sự thay đổi căn bản trong tư duy và hành động. Để triển khai triết lý đào tạo đại học vào cuộc sống cần phải có những giải pháp cụ thể để chuyển hướng mô hình đào tạo: từ mô hình truyền thống "chuyển giao tri thức" cho người học, sang mô hình mới "phát triển năng lực sáng tạo" của người học. Phải quyết liệt chuyển đổi mô hình đào tạo vì trong nền công nghiệp 4.0 hiện nay, khoa học công nghệ hiện đại phát triển như vũ bão, tri thức xã hội và tri thức của mỗi cá nhân cũng thay đổi không ngừng. Muốn tiếp thu cái mới cần thay đổi tư duy cũ, đi cùng với đó là phát triển năng lực sáng tạo; không tiếp thu bị động, rập khuôn máy móc. Biến thành quả của loài người thành trí tuệ của mỗi người để tiếp tục phát triển sáng tạo trở thành tài sản của đất nước. ĐTĐH phải kết hợp cả "chuyển giao tri thức" và "phát triển năng lực", trong đó "phát triển năng lực sáng tạo" giữ vai trò quyết định.

Cần trả lương cao cho đội ngũ giảng viên

ThS. Nguyễn Thị Hồng Cúc, Trường đại học khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM thì cho rằng, vấn đề quan  trọng hiện nay là nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên. Từ năm 1987 đến năm 2013, số sinh viên cả nước tăng 13 lần nhưng số giảng viên chỉ tăng 5 lần. Đối với một sồ trường đại học ngoài công lập (ĐHNCL), tỷ lệ giảng viên/sinh viên còn cao, có trường số lượng giảng viên cơ hữu thấp hơn số giảng viên thỉnh giảng. Một số giảng viên thỉnh giảng có tên trong danh sách giảng viên của nhiều ĐHNCL. Vấn đề này làm cho các ĐHNCL khó chủ động trong thực hiện kế hoạch đào tạo, mặt khác chất lượng giảng viên giảm vì thời gian lên lớp quá nhiều, không còn thời gian nghiên cứu khoa học.

Nhận thấy điều này, nhiều ĐHNCL đã quan tâm, đề ra những giải pháp cụ thể để kiện toàn đội ngũ giảng viên của trường như­ mời các giáo sư, tiến sĩ chuyên ngành, các chuyên gia cao cấp về giảng dạy. Với quyền tự chủ tài chính, các trường ĐHNCL đã trả thù lao cho các giảng viên gấp ba, bốn lần thù lao mà giảng viên công lập nhận được theo chế độ lương của Nhà nước. Một giảng viên đã từng dạy cho nhiều trường ĐHNCL tại TP.HCM cho biết, có những trường ĐHNCL đã gửi thù lao cho giảng viên một tiết dạy là 275.000 đồng, chưa tính  tiền chấm bài kết thúc môn học và ra đề thi. Ngoài ra, trường còn đề nghị trả thêm cho một trợ giảng của thầy cô với mức thù lao 80.000 đồng một tiết để cùng phụ với thầy cô chăm sóc việc học của sinh viên.

Theo ThS. Nguyễn Thị Hồng Cúc, một số trường ngay từ những năm đầu mới thành lập đã lựa chọn những sinh viên tốt nghiệp khá, giỏi, hỗ trợ ưu đãi, học bổng, cho vay tiền, gửi đi đào tạo ở nước ngoài để lấy bằng thạc sĩ, tiến sĩ, như Trường đại học Huflit, trường hợp cựu sinh viên Trần Quang Nam, sau khi học tiến sĩ ở nước ngoài về, hiện đang là hiệu trưởng đại học này. Đồng thời, một số ít các cán bộ quản lý và cán bộ giảng dạy của các trường cũng được theo học các lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ.

Hội nhập quốc tế là một trong các yếu tố khách quan tác động đến sự phát triển của các trường đại học và cao đẳng ngoài công lập nói chung và đội ngũ giảng viên nói riêng. ThS. Nguyễn Thị Hồng Cúc cho rằng, tác động của hội nhập quốc tế đối với chiến lược phát triển đội ngũ giảng viên được biểu hiện bởi các xu hướng: những thành tựu to lớn của khoa học công nghệ đã làm thay đổi xã hội loài người chuyển từ nền văn minh công nghiệp sang thời đại thông tin, từ nền kinh tế dựa vào các nguồn lực tự nhiên sang nền kinh tế dựa vào tri thức, mở ra cơ hội mới cho các nước đang phát triển có thể rút ngắn quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Lợi thế về nguồn tài nguyên thiên nhiên, giá lao động rẻ ngày càng trở nên ít quan trọng hơn. Do đó vai trò của nguồn nhân lực cao cấp càng ngày càng có giá trị hơn.

Xu thế toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế được biểu hiện thông qua sự hình thành và phát triển ngày càng tăng của các tổ chức và định chế quốc tế đã tạo điều kiện cho việc thâm nhập lẫn nhau giữa các quốc gia về lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Cùng với sự thâm nhập này là sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các quốc gia, các cơ sở đào tạo trong việc thu hút đội ngũ giảng viên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đào tạo đại học: sự trở lại của giáo dục khai phóng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO