Củ Chi: Viết tiếp lịch sử 3 làng nghề trên 100 tuổi

NAM TIẾN| 28/10/2020 16:44

KHPTO - Nỗ lực bảo tồn nghề, làng nghề nông thôn, Củ Chi (TP.HCM) đã viết tiếp lịch sử 3 làng nghề tồn tại trên 100 năm đã từng có giai đoạn xuống dốc và nguy cơ biến mất đầy tiếc nuối.

Nghề đan lát xã Thái Mỹ cũng có giai đoạn xuống dốc, sau đó đã được khôi phục. Hiện làng nghề vẫn còn 195 hộ với 390 lao động theo nghề đan giỏ để xuất khẩu và làm hàng nội địa với các sản phẩm như nia, tràng, thúng, rổ, rá... (làm từ tre, trúc, tầm vông), có mức thu nhập bình quân 4 triệu đồng/lao động/tháng. Đặc biệt, một số cơ sở sản xuất mây tre lá đã ứng dụng máy móc hiện đại vào sản xuất, tạo ra sản phẩm đa dạng và độc đáo, có thể xuất khẩu, đem lại doanh thu trên 8 tỷ đồng/năm (cơ sở mây tre lá Thiên Long), giải quyết việc làm cho 35 lao động tại chỗ với thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng/người/tháng.

Là làng nghề được bảo tồn, mành trúc Tân Thông Hội đang tìm lại vị thế trong bối cảnh thị trường có quá nhiều sản phẩm cùng loại cạnh tranh. Hiện nghề này cũng có trên 110 hộ với 440 lao động làm mành trúc bán cho thị trường nội địa. Và một doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ Thanh Trúc sản xuất và xuất khẩu ra thị trường châu Âu và Mỹ (khoảng 10.000 mành trúc/tháng), đạt doanh thu khoảng 2,3 - 2,5 tỷ đồng/tháng.

Để có thể viết tiếp lịch sử của các làng nghề, những năm qua, UBND huyện Củ Chi tạo điều kiện thuận lợi để các hộ gia đình, các cơ sở, doanh nghiệp vay vốn (theo Quyết định 655 về khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị) đầu tư trang thiết bị mở rộng sản xuất, kinh doanh. Hàng năm, UBND huyện Củ Chi còn phối hợp với các trường nghề mở các lớp đào tạo nghề truyền thống cần bảo tồn cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 và 971; tổ chức cho các cá nhân, cơ sở sản xuất tham gia các hội thi nghề truyền thống đan lát, hội chợ trưng bày sản phẩm do thành phố tổ chức nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm ngành nghề nông thôn.

Ngoài ra, Chi cục phát triển nông thôn TP.HCM còn hỗ trợ ứng dụng cơ giới hóa (máy chẻ nan cho 1 tổ ngành nghề đan lát, nâng cấp máy cho 10 hộ dân sản xuất tráng bánh), góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm đan lát. Đồng thời, phối hợp với Sở du lịch TP.HCM và các công ty du lịch xây dựng các tour tuyến kết hợp tham quan làng nghề bánh tráng, mành trúc và đan lát, nhằm quảng bá, xúc tiến thương mại cho sản phẩm làng nghề.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Củ Chi: Viết tiếp lịch sử 3 làng nghề trên 100 tuổi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO