Củ cải và những món ngon

ANH VŨ| 10/08/2018 18:26

KHPTO - Ba loại củ cải được sử dụng nhiều nhất là: củ cải trắng (hay củ cải daikon), củ cải đen và củ cải đỏ. Điều đặc biệt là hương vị của các loại củ cải này đều có điểm tương đồng: vị cay hơi nhẹ xen lẫn vị ngọt nhạt, tạo cảm giác thanh mát cho bữa ăn. Củ cải sạch có thể ăn nguyên củ, không gọt vỏ, không bỏ cuống lá, phần chuyển tiếp rất bổ dưỡng.

Củ cải là loại củ tạo kiềm âm, vị cay tính mát, giúp hạ khí, được sử dụng từ lâu trong dân gian để trị các bệnh ho nhiều đờm, hen phế quản, viêm loét miệng lưỡi, mất hay khản tiếng, bí tiểu...

Giàu vitamin C nhưng đồng thời cũng giàu chất xơ, các khoáng chất, chất chống oxy hóa, củ cải còn giúp cân bằng lại cơ chế chuyển hóa của cơ thể do sử dụng thiên lệch các thực phẩm động vật: giúp thải bỏ hiệu quả các chất đàm nhầy do tiêu thụ quá nhiều chất béo và chất đạm từ thịt, sữa, phô mai tích tụ trong cơ thể.

Nước củ cải nạo - tamari - gừng nạo giúp hạ sốt, trị các cơn sổ mũi cấp tính, cũng như do trúng độc hải sản. Vì thế cho nên củ cải luôn được khuyên dùng trong chế độ dinh dưỡng phương Tây để phòng tránh ung thư phổi, bàng quang, tử cung... góp phần bảo vệ gan, đồng thời làm giảm quá trình suy giảm nhận thức cho tuổi tác.

Một số món chế biến từ củ cải

Củ cải muối

Muối củ cải với tỷ lệ 15% cám và 6% muối, dựa trên khối lượng của củ cải (đã giảm đi rất nhiều sau khi phơi khô), bạn có thể dùng tỷ lệ 2 muỗng muối và 1/2 chén cám gạo với mỗi 500 g củ cải khô.

Trộn đều cám và muối, có thể thêm vỏ trái hồng (để nhuộm màu), vài miếng rong phổ tai, ớt hay sake nếu thích.

Rải một lớp mỏng cám dưới đáy hũ muối, sau đó xếp một lớp củ cải lên, giờ củ cải đã có thể uốn cong để xếp gọn gàng hơn.

Cố gắng bịt kín những khoảng trống giữa củ cải và phần lá của nó để có càng ít kẽ hở càng tốt.

Tiếp tục phủ lên một lớp cám mỏng nữa, rồi lại một lớp củ cải, rồi lại một lớp cám và cứ thế sao cho lớp trên cùng là lớp cám.

Phủ lên trên cùng hũ cám bằng phần lá củ cải vừa cắt ra, sau đó nén hũ xuống bằng vật nặng.

Bọc một tấm vải thô lên trên đầu hũ rồi cất nó ở một nơi thoáng mát ít nhất một mùa, hoặc trong vài năm.

Củ cải ngâm tương

1 kg củ cải - khoảng 200 ml nước tương tamari.

Củ cải trắng rửa sạch, để nguyên vỏ phơi khô nước, xắt cọng nhỏ dày khoảng 0,7 cm, trải ra mẹt phơi 2 nắng to cho teo lại.

Ngâm vào tamari mặn, 1 tuần là ăn được.

Lưu ý, để củ ngập hoàn toàn trong tương, đặt nơi khô thoáng, đậy kín để tránh mốc.

Củ cải kho rong biển, rau cải xoăn, đậu phụ (Nishime)

Rau củ được nấu theo kiểu này thường cắt thành miếng lớn và được nấu lâu lửa nhỏ. Hơi nước trong nồi làm cho nguyên liệu được nấu bằng chính nước của chúng, vì thế thông thường thì chỉ cần thêm ít nước. Gia vị có thể được nêm từ đầu hay lúc gần cuối. Rau củ ra nhiều nước và có thể được dùng chung. Món này mang lại nhiều năng lượng nhẹ nhàng. Dùng nồi dày (nồi đất), nắp dày và gần như kín.

Ngâm miếng phổ tai cỡ bao diêm. Để phổ tai ở đáy nồi và đổ nước xăm xắp. Thêm củ cải và đậu phụ. Đặt theo lớp, củ cải ở dưới. Rắc ít muối biển hay nước tương shoyu/tamari. Đậy lại và nấu với lửa lớn cho đến khi nhiều hơi nước tỏa ra. Vặn lửa thấp và nấu vừa trong 15 - 20 phút. Thêm nước nếu cạn.

Khi tất cả củ mềm, thêm rau kho 5 phút, nêm vài giọt tương và lắc nhẹ nhàng cái nồi đậy kín (không nên khuấy). Mở nắp ra, tắt lửa, để nguội trong 2 phút. Bạn có thể thưởng thức nước xúp rau củ trong món này vì chúng rất ngon ngọt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Củ cải và những món ngon
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO