Công nghệ thông tin - trí tuệ nhân tạo, cơ hội vàng cho nhà đầu tư

VỸ PHƯỢNG| 29/12/2019 14:30

KHPTO - “Chưa bao giờ, ngành công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo (AI) lại có nhiều cơ hội phát triển như lúc này, chắc chắc sẽ là ngành kinh tế chủ lực của thành phố trong một vài năm tới” là phát biểu Ủy viên Bộ Chính trị, Bí Thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân tại “Ngày hội doanh nghiệp công nghệ thông tin (CNTT –TT) và trí tuệ nhân tạo 2019” do UBND TP.HCM tổ chức diễn ra vào ngày 28/12/2019.

CNTT - AI - làn gió mới thu hút đầu tư

Phát biểu khai mạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, những năm qua, TP.HCM luôn giữ vai trò là đầu tàu kinh tế của cả nước, đóng góp tới 28% tổng thu ngân sách, 24% GDP, 18% quy mô sản xuất công nghiệp và 16% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, TP.HCM phải đối mặt với không ít khó khăn về cải thiện dân sinh và bảo vệ môi trường, sự gia tăng dân số cơ học nhanh chóng, quy hoạch, quản lý đô thị, kết cấu hạ tầng của TP.HCM chưa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại kinh tế TP.HCM với trọng tâm là phát triển kinh tế chủ yếu dựa trên đổi mới sáng tạo, hàm lượng tri thức, công nghệ tiên tiến và năng suất cao là yêu cầu bắt buộc đối với sự phát triển, nhằm đảm bảo cho TP.HCM tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu của cả nước.

Sự phát triển của công nghệ 4.0 chính là thời cơ lớn để TP.HCM bắt tay vào triển khai xây dựng đô thị thông minh nhằm phát huy tối đa các tiềm năng và thế mạnh của thành phố mang tên Bác. Đồng thời, đó là cơ sở cho việc triển khai thực hiện có hiệu quả 7 chương trình đột phá mà TP.HCM đã đề ra nhằm giải quyết những thách thức hiện nay và định hướng cho TP.HCM phát triển trong tương lai

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong tham quan gian hàng của Công ty MISA, một trong số những đơn vị được vinh danh trong ngày hội.

TP.HCM cũng đang triển khai chương trình phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) giai đoạn 2019 – 2025, mục tiêu nhằm đưa AI vào việc thực hiện nhanh các trụ cột của đô thị thông minh, là một cấu thành quan trọng trong xây dựng đô thị thông minh.

Cùng với đó, việc xây dựng đô thị thông minh và sáng tạo sẽ tạo nên thị trường lớn, sân chơi và cũng là động lực phát triển, nghiên cứu, cung cấp các giải pháp công nghệ tiên tiến của cộng đồng doanh nghiệp công nghệ thông tin. Đồng thời cũng là “làn gió” mới thu hút đầu tư, tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế.

TP.HCM hiện được xem là điểm sáng khởi nghiệp sáng tạo của cả nước, chiếm từ 40 - 50% trong khoảng 3 ngàn startup của cả nước. Nhiều startup TP.HCM đã gọi vốn thành công với tổng giá trị 300 triệu USD cho khoảng 23 thương vụ, chiếm gần một nữa của cả nước (hơn 670 triệu USD cho khoảng 50 thương vụ). Điều đáng nói là số doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có đến 70% doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin. Ngoài ra, hàng loạt doanh nghiệp khởi nghiệp của TP.HCM cũng đã tự tin xuất ngoại, tham gia các đấu trường quốc tế.

TP.HCM đã và đang tạo điều kiện để Startup phát triển, đồng thời thu hút các nguồn lực và hỗ trợ khởi nghiệp thông qua rất nhiều chương trình. Từ đó, TP.HCM kỳ vọng sẽ có thêm những điển hình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Sự kiện này là dịp để vinh danh các cá nhân, đơn vị có sản phẩm, giải pháp và ứng dụng CNTT –TT tiêu biểu. Với 65 hồ sơ đăng ký dự thi; trong đó, nhiều sản phẩm, giải pháp thể hiện rõ tính ứng dụng trong công cuộc chuyển đổi số, một bước đi không thể thiếu trong xây dựng đô thị thông minh, giải thưởng công nghệ thông tin - truyền thông TP.HCM lần thứ 11/2019 với chủ đề “hành trình vươn tới đô thị thông minh” được đánh giá có chất lượng cao. Từ kết quả này, BTC đã trao giải cho doanh nghiệp có sản phẩm và giải pháp phần mềm tiêu biểu; doanh nghiệp cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng tiêu biểu; doanh nghiệp có sản phẩm phần cứng tiêu biểu; doanh nghiệp cung cấp dịch vụ gia tăng tiêu biểu; nhóm có ứng dụng CNTT-TT tiêu biểu; đơn vị có ứng dụng CNTT –TT tiêu biểu; đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc đóng góp vào sự phát triển CNTT-TT TP.HCM; nhóm sinh viên ngành CNTT – TT có thành tích nghiên cứu và học tập xuất sắc.

Vinh danh các doanh nghiệp, đơn vị đóng góp cho sự phát triển CNTT -AI của TP.HCM

Tại đây, còn diễn ra buổi gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo thành phố và sinh viên tiêu biểu trong nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo nhằm khuyến khích hoạt động nghiên cứu khoa học, tìm giải pháp về AI góp phần vào quá trình xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh.

Sự kiện còn có các hội thảo với các chủ đề về “phát triển doanh nghiệp CNTT TP.HCM”, “Hợp tác phát triển và thu hút đầu tư vào chuỗi Công viên phầm mền Quang Trung” (QTSC) nhằm tìm các giải pháp để tiếp tục phát triển ngành CNTT-TT, thu hút đầu tư, xúc tiến quảng bá vào chuỗi QTSC, đẩy mạnh phát triển thương hiệu cho ngành CNTT Việt Nam.

Buổi đối thoại diễn ra sôi nổi với tinh thần cầu thị, cởi mở

Trong khuôn khổ chương trình, Hội đồng quản lý chuỗi QTSC công bố và trao quyết định kết nạp HueCIT tham gia vào chuỗi này. HueCIT là thành viên thứ 3 của chuỗi,  với 19 năm hoạt động với lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực, phần mềm và cung cấp các dịch vụ CNTT.

Sự kiện HueCIT gia nhập cùng với định hướng thu hút thêm nhiều thành viên tham gia chuỗi, QTSC kỳ vọng sẽ trở thành thương hiệu mạnh, có sức lan tỏa và thu hút đầu tư trong và ngoài nước, cạnh tranh với các chuỗi khác tại khu vực Châu Á.

Tại đây, cũng đã diễn ra hoạt động triễn lãm với quy mô 64 gian hàng trưng bày các sản phẩm, giải pháp lĩnh vực CNTT – trí tuệ nhân tạo đại diện cho hệ sinh thái của ngành CNTT.

CNTT – AI sẽ là ngành kinh tế chủ lực của TP.HCM

Phát biểu chỉ đạo, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí Thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân nhắc lại lịch sử đặt nền móng cho sự phát triển của ngành CNTT – AI cũng như thành tựu của nó. Theo đó, cách đây 20 năm, TP.HCM là địa phương đầu tiên của cả nước phát triển lĩnh vực CNTT – AI. TP.HCM cũng có bước đột phá ngoạn mục khi xây dựng khu công viên phần mềm Quang Trung, một khu công nghiệp phần mềm lớn nhất cả nước với 165 doanh nghiệp hoạt động, 65 nhà đầu tư, 11.000 kỹ sư và chuyên viên làm việc, và gần 11.000 sinh viên học tập trên diện tích 53 ha. Đồng thời, TP.HCM cũng là địa phương sản xuất ra vi mạch đầu tiên của cả nước mà nơi đặt nền móng và phát triển vi mạch chính là công viên phần mềm Đại học quốc gia TP.HCM và Hội tin học TP.HCM. TP.HCM cũng tổ chức hai hội thảo lớn về trí tuệ nhân tạo đầu tiên của cả nước và cũng dành 23 ha xây dựng khu khởi nghiệp sáng tạo bằng nguồn vốn ngân sách.

Khẳng định ngành CNTT - AI đóng góp rất lớn cho sự phát triển của TP.HCM và sẽ trở thành ngành kinh tế chủ lực, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đưa ra hàng loạt con số chứng minh, như có trên 70% doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thuộc lĩnh vực CNTT, ngành này thu hút 100 ngàn lao động, chiếm 2,2% lao động và 4,44% kinh tế của TP.HCM. Năng suất lao động của CNTT so với năng suất lao động của các ngành khác gấp 1,96%. Trong tương lai, nếu thu hút từ 150 - 165 ngàn lao động tham gia ngành CNTT - AI, đóng góp của ngành này cho kinh tế TP.HCM là 6,6%. Qua các con số cho thấy, chúng ta có cơ hội rất lớn để nó trở thành ngành kinh tế chủ lực của TP.HCM. Đứng trước cơ hội vàng này, Bí thư mong muốn giới doanh nghiệp, khoa học, nhà quản lý cùng hiến kế, từ những ý tưởng đó mạnh dạn “đặt hàng” để giúp thành phố phát triển ngành CNTT - AI.  Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cũng nhấn mạnh, mỗi năm có tới 600 ngàn sinh viên đang theo học, chúng ta có lợi thế rất lớn trong cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cho nhà đầu tư. TP.HCM cũng là nơi thu hút rất lớn dòng vốn đầu tư nước ngoài cho lĩnh vực này. Do vậy, để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư, TP.HCM cần đẩy mạnh đào tạo nhân lực chất lượng và xây dựng hệ sinh thái đủ mạnh để hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo. Về vấn đề này, TP.HCM đã đề ra chương trình đột phá phát triển nhân lực và văn hóa (1 trong 4 chương trình trọng tâm phát triển TP.HCM giai đoạn 2020 – 2025), trong đó, sẽ tập trung 7 ngành đào tạo nhân lực trình độ quốc tế: tự động hóa, robot, đào tạo trí tuệ nhân tạo...

Với việc xác định đóng góp của ngành CNTT gắn với phát triển kinh tế, TP.HCM đã xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cho sự hình thành và phát triển khu đô thị sáng tạo của TP.HCM. Khu này chiếm 10% diện tích, 10% dân số, có mật độ cao nhất về công nghệ cao, về nghiên cứu khoa học và đào tạo đại học với 6 trường đại học và hơn 100 ngàn sinh viên trên diện tích 22 ha, hy vọng nó sẽ đóng góp 30% kinh tế của TP.HCM trong tương lao. Hiện TP.HCM đã tổ chức thi tuyển, thiết kế khu đô thị sáng tạo, sắp tới sẽ công bố quy hoạch từng giai đoạn. Với quá nhiều thuận lợi nêu trên, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, chưa bao giờ người làm việc trong ngành CNTT, đặc biệt là sinh viên có nhiều cơ hội như bây giờ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công nghệ thông tin - trí tuệ nhân tạo, cơ hội vàng cho nhà đầu tư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO