Còn nhiều bất cập trong đào tạo theo học chế tín chỉ

ANH THƯ| 13/07/2016 11:06

(KHPT) Nhiều trường đại học đã thực hiện đào tạo theo tín chỉ, trong quá trình chuyển đổi từ đào tạo theo niên chế sang đào tạo theo tín chỉ, không tránh khỏi những bỡ ngỡ, những khó khăn, bất cập. Tác giả Nguyễn Hoài Nam, Trường đại học sư phạm Hà Nội đã có nghiên cứu tổng quan về đào tạo theo tín chỉ, những ưu, nhược điểm của hình thức đào tạo này.

Tư tưởng về một hệ thống đào tạo mềm dẻo, linh hoạt, đáp ứng nhu cầu người học và đòi hỏi của xã hội đã cho ra đời hệ thống đào tạo theo tín chỉ. Đó là một nền giáo dục đại học chuyển từ đào tạo tinh hoa sang đào tạo đại chúng. Người học được trao cơ hội lựa chọn chuyên ngành, chọn lĩnh vực quan tâm chủ yếu; trường đại học cung cấp một nền giáo dục tổng quát, trong đó chú trọng phổ biến những kiến thức tổng quát và phát triển năng lực trí tuệ nói chung. Người học cũng có thể chuyển trường thông qua sự trợ giúp của hệ thống chuyển đổi tín chỉ. 

Người học phải chủ động với tiến trình học tập bằng việc đăng ký các học phần dự định sẽ theo học trước mỗi học kỳ. Ngoài việc tham gia học ngành đào tạo chính, người học còn có thể tham gia học ngành đào tạo phụ, hoặc thêm văn bằng thứ hai với điều kiện phải thỏa mãn một số yêu cầu về kiến thức tích lũy. Người học đóng vai trò trung tâm trong quá trình dạy học. Người dạy hướng dẫn, tổ chức dạy học và công khai thông tin về nội dung, chương trình học tập với người học. Người quản lý, phục vụ đào tạo đóng vai trò hỗ trợ. Đặc biệt phải kể đến vai trò của cố vấn học tập - là người tư vấn, hướng dẫn người học trong quá trình học tập, nhất là trong việc đăng ký tín chỉ. Khái niệm tập thể lớp có sự thay đổi khác với trước đây, tùy vào cách tổ chức của đơn vị đào tạo. 

Về ưu điểm, hình thức đào tạo này có hiệu quả đào tạo cao, có sự giao lưu lớn, học hỏi kinh nghiệm giữa các sinh viên (SV) các ngành, khóa trong một lớp học phần. 

Có tính mềm dẻo và khả năng thích ứng cao: SV chủ động ghi tên vào các ngành học và lựa chọn ngành nghề dựa trên khối lượng tín chỉ tích lũy mà không phải học lại từ đầu. SV có thể chuyển trường trong và ngoài nước nếu có sự liên thông và tương đương trong chương trình đào tạo. Trường học dễ dàng mở thêm ngành đào tạo mới nếu nắm bắt được nhu cầu thị trường và sự quan tâm của SV.

Đạt hiệu quả cao về quản lý và giảm giá thành đào tạo: SV không bị buộc phải học lại từ đầu khóa học khi không đạt yêu cầu một môn học nào đó. Trường có thể tổ chức lớp học phần chung cho SV nhiều ngành, khoa. Nếu trường có thể chấp nhận những tín chỉ tích lũy được do quá trình tự học của SV ngoài giờ lên lớp, ngoài trường thì có thể giảm giá thành đào tạo, đặc biệt với sự phát triển của các khóa học mở đại chúng trực tuyến.

Về hạn chế, có tình trạng cắt vụn kiến thức: thời lượng dành cho giảng dạy của một học phần ít hơn so với mô hình đào tạo niên chế, mà tăng cường thời gian tự học, tự nghiên cứu của SV nên có cảm giác kiến thức bị cắt vụn và không đủ để đào sâu kiến thức. Sự gắn kết trong SV: lớp học theo các học phần không cố định nên khuyến khích chủ nghĩa cá nhân, việc sinh hoạt tập thể trở nên khó khăn so với các lớp học kiểu niên chế.

"Hội chứng" gạch bài

Trong quá trình triển khai đào tạo theo tín chỉ tại Việt Nam, những vấn đề nảy sinh có thể thấy là: bất cập giữa mục đích đánh giá và công cụ đánh giá. Đối với đào tạo theo tín chỉ, cần tổ chức đánh giá thường xuyên theo quá trình. Việc sử dụng công cụ đánh giá, chuyển đổi giữa thang điểm chữ và số gây khó khăn cho công tác quản lý. Quy chế hiện nay tạo thuận lợi cho người học nhưng độ phân biệt trong thang năng lực chưa thật rõ ràng. Quy định cũng tạo ra sự lãng phí lớn trong tổ chức kiểm tra đánh giá cuối môn học với việc "hội chứng" gạch bài, để được học cải thiện. Với những n  gành nghề đào tạo có đóng học phí, việc thi lại, học lại đánh vào quyền lợi người học, nhưng đối với ngành sư phạm không mất học phí thì việc tổ chức thi lại là một sự lãng phí rất lớn và tạo ra thói vô trách nhiệm của người học.

Về tư tưởng, triết lý của đào tạo theo tín chỉ chưa được thông suốt dẫn đến cách thực thi còn nhiều lúng túng và chắp vá. Chẳng hạn, ngay từ văn bản pháp quy là Quyết định 43/2007/QĐ-BGD&ĐT và Thông tư 57/2012 sửa đổi bổ sung quy chế đào tạo tín chỉ có một số vấn đề cần lưu ý: quy định buộc thôi học ở Điều 16 của Quyết định không phù hợp với nguyên lý tích lũy kiến thức của đào tạo theo học chế tín chỉ; quy định thời gian tối đa có thể hoàn thành chương trình đào tạo không dựa trên cơ sở khoa học (theo Điều 6 Mục 3 của Quyết định 43/2007/BGD&ĐT, cử nhân là 4 năm + 4 học kỳ), là đi ngược lại tinh thần dân chủ hóa và đại chúng hóa giáo dục đại học. Để khống chế thời gian hoàn tất chương trình đào tạo của SV, phải dựa trên chu kỳ thay đổi của chương trình đào tạo chứ không thể dựa trên các quy định cảm tính.

Giới giáo chức cũng chưa được quán triệt và bồi dưỡng về triết lý giáo dục và các hình thức tổ chức, phương pháp dạy học theo phương châm "lấy người học làm trung tâm". Người học chưa được đào tạo, bồi dưỡng quán triệt tư tưởng chủ động trong học tập, tự quản, tự chịu trách nhiệm cá nhân. Vai trò của cố vấn học tập và giáo viên chủ nhiệm còn mờ nhạt.

Tổ chức quản lý học tập còn nhiều bất cập. Việc chuyển đổi chương trình đào tạo, về thời lượng, nội dung từ mô hình đào tạo niên chế, học phần sang tín chỉ còn thực hiện phần nhiều dựa trên chủ thuyết kinh nghiệm và cắt xén cơ học, không theo phương pháp thiết kế chương trình khoa học. Việc quy định đồng loạt số tín chỉ cho mọi ngành nghề cần có những khảo cứu thêm để chứng tỏ được tính thuyết phục. Việc xác định các điều kiện ràng buộc, tiên quyết cho học phần cần được thiết kế hợp lý.

Việc thiết kế các học phần tự chọn, có nơi không được thực hiện thường xuyên. Các học phần tự chọn còn quá ít nên ý nghĩa của việc tự chọn với người học là không khả thi. Một số học phần tự chọn mang tính hình thức, vì với số lượng SV không đủ đăng ký theo sĩ số được quy định thì cũng không thể theo học được môn tự chọn, đặc biệt đúng với các ngành có ít SV.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Còn nhiều bất cập trong đào tạo theo học chế tín chỉ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO