Có nên phát triển lúa lai ở đồng bằng sông Cửu Long?

07/09/2007 16:24

Thời gian qua, nhiều công ty tìm cách đưa giống lúa lai vào các tỉnh phía Nam và ĐBSCL, tuy nhiên cây lúa lai vẫn còn là “vị khách xa lạ”. Tại sao bà con trồng lúa ĐBSCL chưa chấp nhận loại lúa này và liệu có nên phát triển ồ ạt lúa lai theo như giới thiệu của các công ty giống?

Lúa lai chưa được người dân chấp nhận

Việt Nam hiện là một trong ba quốc gia có diện tích trồng lúa lai hàng đầu thế giới sau Trung Quốc và Ấn Độ. Đến năm 2006, diện tích lúa lai ở Việt Nam là 584.200 ha (chiếm 9,04% diện tích lúa cả nước), tập trung chủ yếu các tỉnh phía Bắc, đồng bằng sông Hồng, Trung bộ. Các tỉnh phía Nam diện tích lúa lai rải rác không đáng kể, riêng ĐBSCL, ngoài diện tích lúa “trình diễn” thì hiện ít có nông dân chấp nhận trồng lúa lai.

Ưu thế số một của lúa lai là năng suất cao (cao hơn lúa thuần khoảng 15 - 20%), do đó lúa lai được cho là đích đến của “an ninh lương thực”, tăng năng suất. Nông dân ĐBSCL không chấp nhận lúa lai cũng có lý do: hiện các giống lúa lai phát triển ở Việt Nam chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc, có khí hậu tương đồng các tỉnh phía Bắc, có thời gian sinh trưởng quá dài (110 - 130 ngày), dễ nhiễm sâu bệnh, chất lượng gạo không tốt. Mặt khác, điều kiện ở phía Nam làm cho giống lúa lai không thể hiện được ưu điểm vượt trội về năng suất trong khi dịch bệnh hoành hành nhiều hơn khiến nông dân e ngại. Tập quán canh tác ĐBSCL là sản xuất lớn nên không chăm sóc tỉ mỉ như khoảnh ruộng nhỏ hẹp phía Bắc nên năng suất không vượt đáng kể. Ông Nguyễn Văn Thành (Tam Nông, Đồng Tháp) trồng thử nghiệm giống lúa lai B-TE1 (giống được Bộ NN&PTNT công nhận cho sản xuất toàn quốc do Công ty Bayer Việt Nam cung cấp) trên 0,5 ha, năng suất đạt 9 tấn/ha, so với giống lúa thuần chỉ hơn 0,5 - 1 tấn/ha trong khi ông sử dụng nhiều phân bón hơn, giá lúa bán rẻ hơn 100 đồng/kg nhưng cũng ít thương lái mua, thời gian sinh trưởng ngắn nhất cũng 107 ngày nên còn bị thiệt hại do chim, chuột, sâu hại. Cũng có nông dân trồng thử nghiệm đạt trên 10 tấn/ha nhưng tính ra không lời hơn sản xuất lúa thuần bao nhiêu, hạt gạo không trong, bạc bụng. Giống lúa lai chỉ sử dụng một lần, không trồng được mùa sau như nhiều giống thuần khác. TS. Đỗ Minh Nhựt, giám đốc Trung tâm khuyến nông Kiên Giang cho biết, giống lúa lai thử nghiệm ở địa phương có năng suất bình quân cao hơn đối chứng 0,35 - 1,46 tấn/ha (cao hơn lúa thuần 10 - 15%) tuy nhiên thời gian sinh trưởng dài 115 - 130 ngày (giống địa phương 95 - 105 ngày) nên việc quản lý sản xuất trên cùng cánh đồng không thuận lợi, một số giống lúa lai nhiễm sâu bệnh nặng, phẩm chất gạo xấu. Giá giống lúa lai cao (40.000 đồng/kg), đầu tư giống cho 1 ha khoảng 2 triệu đồng. Đầu tư sản xuất lúa lai cũng cao hơn, 8.277.000 đồng/ha so với giống lúa thường 6.694.000 đồng/ha.

PGS.TS. Dương Văn Chín, phó viện trưởng Viện lúa ĐBSCL khẳng định, ngoài ưu điểm về năng suất, cây lúa lai hiện tại còn hạn chế là dễ bị sâu bệnh tấn công, năng suất không ổn định, không đảm bảo năng suất vượt trội so với lúa thuần, lợi nhuận không tăng, không khích lệ người dân tham gia sản xuất. Chất lượng gạo của lúa ưu thế lai thấp, giá bán rẻ hơn lúa thuần, nông dân lệ thuộc vào giống lúa của các công ty. Mặt khác, nếu diện tích lúa ưu thế lai ngày càng mở rộng, nguy cơ thoái hóa gen trong quần thể lúa ngày càng lớn. Khi thu hoạch lúa lai, hạt rơi rụng xuống đất là F2, lại tiếp tục sống trong đất, mọc thành cây con và tạo thế hệ phân ly F3, F4… Thế hệ con lai này sẽ đa dạng hóa nguồn quỹ hạt lúa trong đất, gia tăng nguy cơ hình thành các quần thể lúa cỏ khó kiểm soát trong tương lai.

Cây lúa lai có phát triển ở ĐBSCL?

Thử nghiệm lúa lai tại ĐBSCL

Đến nay Bộ NN&PTNT vẫn chưa có chủ trương phát triển trồng lúa lai ở ĐBSCL. Theo nhận định của các nhà khoa học, cây lúa lai có cơ hội phát triển ở phía Nam nhờ nguồn nước ngọt càng khan hiếm, đất trồng lúa giảm nên cần tăng năng suất. Ở phía Nam còn nhiều vùng đất phèn, mặn nên thích hợp cho cây lúa lai, tuy nhiên phải quy hoạch chặt chẽ vùng sản xuất lúa lai.

GS.TS. Nguyễn Văn Luật, nguyên viện trưởng Viện lúa ĐBSCL (đơn vị từng nghiên cứu lúa lai cách đây hơn 20 năm), nhận định, cây lúa lai có thời gian sinh trưởng trên 95 ngày khiến nông dân ĐBSCL khó chấp nhận. PGS.TS. Dương Văn Chín thì cho rằng, Bộ NN&PTNT cần mở rộng nghiên cứu lúa lai ở ĐBSCL, nếu tạo bước đột phá về năng suất, chọn giống phù hợp có thời gian sinh trưởng ngắn, chất lượng gạo ngang bằng các giống thuần ở ĐBSCL thì nông dân dễ dàng chấp nhận.

PGS.TS. Mai Thành Phụng, Trung tâm khuyến nông quốc gia cho rằng, ĐBSCL không nên phát triển ồ ạt các giống lúa lai. Nếu lúa lai đáp ứng được năng suất cao, chất lượng gạo tốt thì nông dân có lời. Một số giống lúa lai có năng suất cao, cứng cây, chống chịu sâu bệnh khá, chất lượng gạo khá tốt. Tuy nhiên, một mình cây lúa lai khó phát triển được mà phải đồng hành các yếu tố khác như quy hoạch, cơ giới hóa, kỹ thuật… Phát triển lúa lai tập trung vùng còn khó khăn như phèn, mặn, đất ít… (ở vùng phù sa năng suất không vượt bao nhiêu so với lúa thuần) nhằm tạo bước đột phá năng suất lúa cho vùng. O

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Có nên phát triển lúa lai ở đồng bằng sông Cửu Long?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO