Có nên mở các trường Đại học Quốc gia ở địa phương

14/05/2005 05:42

LTS: Nước ta hiện nay có hơn một trăm trường Đại học (ĐH), đa số nằm ở Thủ đô Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; hai ĐH Quốc gia cũng ở hai thành phố lớn này. Thành tựu của giáo dục đại học được nhắc tới nhiều, nhưng tồn tại cũng không ít. Về số lượng, ĐH dân lập phát triển đủ kiểu cỡ;

Sau đây chúng tôi xin giới thiệu bài viết của TS. Phan Hiếu Hiền, Cán bộ giảng dạy trường Đại học Nông Lâm TP.Hồ Chí Minh, và rất mong nhận được nhiều ý kiến khác của các nhà giáo, nhà khoa học...

GIẢI PHÁP NÀO?

Chúng ta thử mạnh dạn đề xuất thêm (tạm coi như là giả thuyết cũng được): Mỗi tỉnh (có hơn một triệu dân) lập ra một Đại học Quốc gia (tên Tỉnh).Các câu hỏi để thảo luận và trả lời:

1) Có khả thi không?

2) Có hại gì? Có ảnh hưởng gì đến tiếng tăm Đại học Việt Nam không?

3) Bù lại, có lợi gì?

4) Có nơi nào trên thế giới đã làm như thế không?

CÓ KHẢ THI KHÔNG?

Mỗi ĐH đòi hỏi phải có đất đai, trường sở, nhân lực giảng dạy, phòng thí nghiệm, thư viện...Làm thế nào có được các điều kiện này?

a) Đất đai và nhà cửa: Mỗi Tỉnh cấp cho Trường ĐH vài chục, thậm chí vài trăm hecta ở ngoại ô tỉnh lỵ, không vượt quá khả năng Tỉnh. Tương tự, xây dựng vài tòa nhà và giảng đường (như văn phòng các Sở của vài Tỉnh mới tách hiện nay) cũng không quá tầm tay. Tỉnh nghèo, nhưng đầu tư vài chục hoặc trăm tỷ đồng từ hơn một triệu dân chúng cũng chưa phải là lớn, vì là đầu tư cho chính con em họ.

b) Đội ngũ giảng dạy: Mỗi ĐH lúc đầu cũng phải có hơn chục Tiến sĩ (TS), và sẽ phát triển lên hàng trăm TS, cùng với hàng trăm Thạc sĩ (ThS) và Kỹ sư (KS). Về mặt biên chế, số lượng này chỉ bằng một công ty trung bình thuộc Tỉnh, dù lương thầy cô phải gấp 2 - 3 lần công nhân thường. Về mặt đẳng cấp, làm sao để có đủ số TS? Cần có thời gian, nhưng không lâu lắm! Lúc đầu “chiêu hiền” vài ba TS, và gấp rút gửi một loạt tài năng (các KS tốt nghiệp loại giỏi được tuyển dụng, và một số nhỏ học sinh tốt nghiệp phổ thông xuất sắc) đi học nước ngoài. Từ KS ra TS mất 5 - 6 năm, từ phổ thông ra KS mất 4 năm, ra ThS mất 6 năm, chi phí mỗi xuất như vậy khoảng 100.000 USD, tương đương một xe hơi đời mới. Nếu tiết kiệm không mua 10 công xa để 5 - 6 năm sau có 10 TS phụ trách các Khoa của Đại học thì cũng rất nên làm.

Trên đây, chưa nói đến các học bổng viện trợ từ nước ngoài, thường nâng đỡ “vùng sâu vùng xa”, hay học TS. trong nước với chi phí rẻ hơn nhiều. Dĩ nhiên, học nước ngoài để mở rộng tầm nhìn, học phương pháp nghiên cứu, ta cũng không mong đợi áp dụng ngay các kiến thức đã học. Học trong nước cũng được, nhưng giới hạn về số lượng, để tránh hiện tượng “đồng huyết” hoặc “cơm chấm cơm”.

c) Phòng thí nghiệm, thư viện...: Hiện nay, một số Đại học lớn ở TP. Hồ Chí Minh được trang bị hiện đại, nhưng thực tế sinh viên chưa hẳn hưởng lợi nhiều, thậm chí chưa sờ được. Thế nên các trang thiết bị lúc đầu cũng chưa cần phức tạp lắm. Dần dần phát triển, mỗi Tỉnh sẽ biết cần hiện đại hóa thiết bị theo nội dung đặc thù.

Tóm lại, có đủ các điều kiện khả thi để hình thành một Đại học khá hoàn chỉnh trong vòng 6 năm. Dĩ nhiên phải bắt đầu từ yêu cầu của Tỉnh, với các ngành sau:

- Nông nghiệp vẫn là lĩnh vực kinh tế quan trọng tại đa số các Tỉnh. Vì vậy để hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn, Khoa Nông nghiệp (hiểu theo nghĩa rộng gồm cả Lâm nghiệp, Chăn nuôi, và Thủy sản) là Khoa đầu tiên cần được thành lập.

- Công nghiệp hóa là mục tiêu hàng đầu của đất nước. Vì vậy, ưu tiên kế tiếp là các ngành truyền thống của ĐH Bách Khoa như Cơ khí, Xây dựng, Điện và Điện tử, và các ngành tất yếu của thời đại như Máy tính, Công nghệ Thông tin...

- Hỗ trợ đồng hành là khoa học Kinh tế và Xã hội. Dĩ nhiên, giữ ở mức độ vừa phải, không để như hiện nay cứ 10.000 sinh viên (SV) Kinh tế hoặc Quản trị kinh doanh lại chỉ có 500 SV Nông nghiệp và 500 SV Cơ khí!

- Giáo dục và Y tế là hai lĩnh vực vừa phục vụ sản xuất vừa là phúc lợi xã hội. Nên nâng cấp Trường Sư phạm của mỗi Tỉnh thành ngành chủ yếu, và lấy đó để phát triển các ngành khoa học cơ bản như Toán Lý Hóa. Lập Khoa Y không dễ, nhưng sức khỏe của một triệu dân đòi hỏi phải có đào tạo tại địa phương, và không ai khác hơn chính Đại học Tỉnh phải đảm trách.

CÓ HẠI GÌ? CÓ ẢNH HƯỞNG GÌ ĐẾN TIẾNG TĂM ĐẠI HỌC VIỆT NAM KHÔNG?

Ý kiến đầu tiên là nếu Tỉnh nào cũng có Đại học thì chất lượng văn bằng Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng. Câu trả lời là hỏi ngược lại: tại sao phải lo âu về điều này? Hãy cứ đưa nguồn gốc xuất xứ của nơi học là thấy rõ hiệu quả. Nếu có e ngại là Tỉnh này, Tỉnh nọ sẽ lạm dụng, tuyển sinh không chặt chẽ, cho “con ông cháu cha” vào? Không sao, thời gian sẽ nhanh chóng trả lời. Khi Kỹ sư Tỉnh A đi đâu cũng được đón chào, mà KS Tỉnh B chỉ quanh quẩn “xó nhà”, thì chỉ sau vài năm Tỉnh B phải cải tiến để tồn tại. Vài người bị lừa chứ cả xã hội không dễ bị lừa! Ghi Đại học Quốc gia Tên - Tỉnh chỉ để thể hiện quyết tâm phát triển đến tầm cỡ nào, cũng chẳng phương hại đến ai!

CÓ LỢI GÌ, VỚI ĐẠI HỌC QUỐC GIA TẠI MỖI TỈNH?

a) Bớt chi phí cho con em đi học xa nhà. Tiết kiệm 5 triệu đồng/ năm cho 500 SV Tỉnh nhà tương đương với 10 tỷ đồng cho 500 KS tương lai.

b) Tăng số lượng người đi học nhờ giảm chi phí.

c) Tăng cơ hội và ước muốn phục vụ quê hương nơi sinh của các tân kỹ sư, cử nhân.

d) Phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế và xã hội của Tỉnh. Điểm này là quan trọng nhất. Đại học ở Tỉnh là dịp may hiếm hoi để tích hợp giảng dạy và nghiên cứu. Lâu nay ở cấp Trung ương, các Trường ĐH và các Viện Nghiên cứu chưa thể thống nhất tổ chức do tồn tại lịch sử, mỗi bên đều đã lớn mạnh, không ai chịu ai; kết quả đã hạn chế sức mạnh tổng hợp để phục vụ xã hội. Nay, nghiên cứu trong lòng Đại học, và Trường vươn ra xã hội bằng các sản phẩm giảng dạy (con người) và sản phẩm nghiên cứu, còn gì tuyệt vời hơn! Ngược lại, Trường cũng từ đó mà lớn lên, ngang tầm với khu vực hay không là cũng từ điểm mấu chốt này. Điều này sẽ khắc phục một nhược điểm lớn hiện nay: Nhiều Viện nghiên cứu có đề tài hàng tỷ đồng, mà kết quả ứng dụng trong sản xuất không bao nhiêu; trong lúc Thầy Cô ở ĐH phải bằng lòng với các “Đề tài cấp Bộ” trị giá 30 triệu đồng, dù ít nhưng qua đó kết hợp đào tạo cho sinh viên, những người sẽ nắm trọng trách trong sản xuất tương lai.

CÓ NƠI NÀO TRÊN THẾ GIỚI ĐÃ LÀM NHƯ THẾ KHÔNG?

Có. Nước Mỹ cách đây 100 năm, mỗi Bang đã lập Land-grant College hoặc University. Hồi đó mỗi Bang có chưa tới một triệu dân, chính quyền đã dành hàng trăm hecta lập các Trường ĐH, cũng bắt đầu bằng Khoa Nông nghiệp và Cơ khí (tới nay vẫn còn dấu vết, ví dụ Texas A&M viết tắt từ Texas Agricultural and Mechanical College). Đến nay phục vụ kinh tế mỗi Bang phát triển và được nuôi trở lại bằng những khoản kinh phí khổng lồ, một Trường ĐH có kinh phí nghiên cứu khổng lồ. Bằng cấp thì dựa vào thực tài, tức là khả năng phục vụ phát triển kinh tế của Bang đó. Lúc đầu có Giáo sư chỉ có bằng Kỹ sư mà vẫn hướng dẫn Tiến sĩ (như S.M. Henderson vào thập niên 1960 ở California, tác giả của nhiều phương trình nổi tiếng và nhiều thiết bị phục vụ sản xuất). Dần dần, số TS tăng nhiều dĩ nhiên bắt buộc phải có học vị TS mới thành Giáo sư được. Cơ bản là quá trình hình thành và phát triển Đại học là để phục vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

THAY LỜI KẾT

Như vậy, vấn đề còn lại là sự quyết đoán, là ý chí của lãnh đạo và dân chúng. Nguy cơ tụt hậu của giáo dục Việt Nam đã được rất nhiều người, nhiều cấp cảnh báo. Năm 1986, nông nghiệp và nông dân đã được giải phóng khỏi những ràng buộc về cơ chế, để Việt Nam từ nước nhập lương thực thành nước xuất khẩu gạo thứ ba thế giới. Tương tự, Đại học Việt Nam năm 2005 cũng cần được giải phóng như thế, để từ lẹt đẹt tụt hậu đến ngang tầm thế giới, không phải bằng hô hào duy ý chí mà bằng nỗ lực của cả nước. Sự nghiệp đổi mới nào cũng phải có sự tham gia của toàn dân, mà các Đại học Quốc gia mang tên mỗi Tỉnh sẽ là những đóng góp cụ thể cho sự nghiệp vĩ đại này, để Việt Nam không thua kém ai cả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Có nên mở các trường Đại học Quốc gia ở địa phương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO