Cơ hội để sản phẩm mây tre lá Củ Chi xuất ngoại

V.P| 16/09/2020 16:24

KHPTO - Trong khi sản phẩm mây tre lá Củ Chi đang chật vật với bài toán tiêu thụ thì có những startup đã khởi nghiệp thành công và đem về lợi nhuận hàng trăm triệu USD cũng chính từ mặt hàng này nhờ lên sàn thương mại điện tử Amazon.

Nhiều khó khăn

Trong trí nhớ của người lớn tuổi, làng nghề đan lát Thái Mỹ (Củ Chi, TP.HCM) trước đây có đến 1.800 hộ, số lượng người làm nghề lên đến 4.000 người, chuyên sản xuất nia, thúng, sọt tre, dần, sàn, rổ, rá... Nhưng bắt đầu từ những năm 2010 trở lại đây, làng nghề đan lát phát triển rất chật vật, người làm nghề ngày càng ít. Một phần, do nguyên liệu đầu vào như: tre, trúc, mây bị khan hiếm, trong khi giá cả đầu ra sản phẩm thấp, khiến người bỏ nghề ngày càng nhiều, trước đây mỗi ấp có khoảng 800 hộ, nay chỉ còn 300 hộ.

Không riêng xã Thái Mỹ, người làm nghề đan lát ở xã Trung Lập Hạ (Củ Chi) cũng gặp khó. Cơ sở mây tre Tư Quyết khởi sắc nhờ ông chủ của cơ sở này đã tạo ra nhiều sản phẩm độc đáo như: thố đựng cơm, hộp đựng thức ăn, khay đựng tứ quý, võng đựng bánh, trái cây, muỗng đũa... và đem được sản phẩm xuất khẩu sang Đài Loan và một số nhà hàng thích phong cách cổ xưa. Tuy nhiên, giá bán sản phẩm không chênh lệch nhiều so với chi phí làm ra sản phẩm, chưa kể bị đối tác ép giá nên lợi nhuận thu về ngày càng giảm. Trước đây, thu nhập 200 - 300 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm cho 100 - 200 lao động; 1 năm trở lại đây, thu nhập giảm còn 100 triệu đồng, giải quyết việc làm cho 20 - 30 lao động; sản phẩm làm ra cũng giảm mạnh, từ 20.000 - 30.000 sản phẩm các loại/tháng, nay chỉ còn 4.000 - 5.000 sản phẩm/tháng.

Hướng đi mới hiệu quả

Trong khi sản phẩm mây tre lá Củ Chi phải chật vật với bài toán tiêu thụ thì sản phẩm của startup Tony Triệu khi đưa lên sàn thương mại điện tử Amazon lại rất hút hàng, mang về cho chủ nhân doanh số bán hàng cao ngất ngưởng. Cụ thể, chỉ sau 6 tháng đưa sản phẩm thủ công mỹ nghệ lên sàn, Tony Triệu đã thu về 3,2 tỷ đồng, sau 1 năm doanh thu tăng 150%. Tương tự, Chiêu Hân - CEO cũng khởi nghiệp với sản phẩm mây tre lá và cũng thu về thành công ngoài mong đợi. Chiêu Hân cho rằng, nước ngoài mới là thị trường thật sự của những sản phẩm thủ công “made in Vietnam” nên đã tập trung mở rộng bán hàng trên Amazon thay vì các trang thương mại điện tử trong nước. Nhờ đó, thành công đến nhanh, vì chỉ một thời gian ngắn đưa sản phẩm lên sàn giao dịch, Chiêu Hân đã tăng quy mô sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ lên đến 300 m2 với 35 nhân viên, doanh số từ Amazon chiếm 50% doanh số bán hàng trực tuyến.

Từ câu chuyện trên cho thấy, cùng một mặt hàng và chất lượng ngang nhau, nhưng một bên bán thị trường nội địa và xuất khẩu duy nhất một thị trường thì giá cả, sản lượng tiêu thụ rất bấp bênh, một bên đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, bán được cho hầu hết các quốc gia, thì giá trị nâng lên gấp hàng chục lần. Vấn đề là sản phẩm mây tre lá của Củ Chi cũng nên học và làm theo cách này. Để đạt hiệu quả rất cần cơ quan liên quan hỗ trợ xúc tiến thương mại, đồng thời đẩy mạnh thương mại điện tử cho làng nghề đan lát Thái Mỹ bên cạnh những hỗ trợ khác đã được quy định trong Quyết định 3891 và OCOP. Điều này cũng phù hợp với quan điểm, mục tiêu bảo tồn và phát triển làng nghề của TP.HCM đã nêu trong Quyết định 3891 là bảo tồn và phát triển làng nghề phải gắn với hội nhập kinh tế quốc tế, đẩy mạnh xuất khẩu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cơ hội để sản phẩm mây tre lá Củ Chi xuất ngoại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO