Có giống bơ đực?

Bài và ảnh: Minh Tuấn| 27/07/2017 21:57

KHPTO - Những trái bơ tạo ra sự chú ý của thực khách bởi hình dạng nhỏ nhắn, lại có thể cầm tay thưởng thức thịt trái dẻo mềm bằng cách lột vỏ với sự trợ giúp của một chiếc thìa nhỏ hay một con dao cau (ảnh). Một số nhà làm giống, một số chủ vườn đang có nhu cầu thông tin về giống “bơ đực” để ra quyết định nhân giống, trồng.

Giống bơ trái bé:

Trong khi trên thị trường trái bơ có rất nhiều mặt hàng khác nhau, với giá bán ứng với chất lượng ngon - dở, hạt nhỏ - hạt to, mới đây lại xuất hiện thêm mặt hàng “bơ đực” (tên do thương nhân đặt). Giống bơ mới và hiếm này có dạng trái nhỏ tựa trái dưa leo, không hạt, thịt trái dẻo, béo, thơm và giá cả khá cao.

Thực tế khảo sát nhanh cho thấy, những cây bơ có dạng trái như mô tả trên tại huyện Cư M'gar, trong khu dân cư thuộc TP. Buôn Mê Thuột (Đắc Lắc). Nhưng những cây bơ này cho 2 loại trái gồm trái nhỏ và trái to tồn tại trên cùng một cây. Những trái nhỏ khá đồng đều, khi còn non nhiều người nhầm với trái dưa leo, xanh phần cuống và nhạt dần về đầu trái. Số trái nhỏ nhiều hơn, dễ đến 80-85% số trái trên cây, còn lại là trái to và dài. Đem đo thử, những trái bơ to có độ dài từ 20cm đến 35cm, trong khi những trái nhỏ có độ dài khoảng 15cm đến 18cm. Cân trọng lượng cho thấy những trái to đạt 0,7kg đến 1,4kg, bình quân 1kg/trái, còn trái nhỏ trung bình chỉ có 0,1kg/trái. Những trái nhỏ hoàn toàn không có hạt, trong khi trái lớn có hạt hình giọt nước dài, nằm ở 1/3 độ dài đuôi trái và thuộc loại hạt nhỏ so với các giống bơ khác. Khi đủ độ già (85-90%), màu vỏ trái chuyển sang xanh sạm. Khi thấy một vài trái trên cây vương màu tím ở đuôi trái là có thể hái toàn bộ số trái cùng đợt, sau hái 3-4 ngày, khi màu tím than bao trùm toàn bộ trái là đúng vào thời điểm trái chín, ăn ngon nhất. Chất lượng cơm của trái nhỏ và trái lớn cơ bản là giống nhau. Chất lượng trái tùy thuộc vào độ chín của trái. Nếu cất giữ lâu hơn, cơm trái sẽ bệu (mềm) dần.

Có hay không “bơ đực”?

Đại học Tây Nguyên, Viện nghiên cứu Eakmat cho biết trong danh mục cây trồng không thấy có cây “bơ đực”. Tuy nhà nông cho rằng cây bơ có nhiều trái nhỏ và chỉ có một số trái lớn là cây “bơ đực” nhưng ý kiến trên không có cơ sở khoa học. Thực ra cây bơ thuộc loài có hoa lưỡng tính; có nghĩa là một hoa có cả nhụy và nhị, theo lý thuyết phấn sẽ rơi vào ống nhụy để thực hiện việc thụ tinh và sau đó cho quả. Nhưng hầu hết các giống bơ đều có hiện tượng sau khi hoa nở vào lần thứ nhất (vào ngày thứ nhất), nhụy sẵn sàng cho cuộc thụ tinh thì nhị hoa chưa sẵn sàng bung phấn; khi hoa nở lần thứ hai (vào ngày thứ hai), nhị sẵn sàng cho bung phấn để thụ tinh thì nhụy hoa đã tàn, không thể nhận phấn qua ống nhụy để tạo trái và hột trong trái. Hơn nữa, khoa học còn cho biết căn cứ vào việc nở hoa thì chia bơ thành hai nhóm, nhóm thứ nhất vào 9 giờ sáng ngày thứ nhất hoa nở, sẵn sàng nhận phấn nhưng chưa có phấn nên 15 giờ chiều hoa khép lại, 9 giờ sáng ngày thứ hai hoa nở lại ra để 15 giờ chiều nhị bung phấn nhưng nhụy đã tàn. Nhóm thứ hai vào 3 giờ chiều ngày thứ nhất hoa nở, sẵn sàng nhận phấn nhưng chưa có phấn nên đến nửa đêm hoa khép lại, 9 giờ sáng ngày thứ hai hoa nở nhị bung phấn nhưng nhụy đã tàn. Như vậy khả năng tự thụ phấn của hoa bơ rất thấp, có báo cáo cho biết chỉ là phần nghìn.. Cho dù thấy bơ ra hoa trắng cành nhưng số lượng trái đậu rất thấp và phổ biến như vậy. Khi so sánh giữa giống này với giống kia có thể thấy giống này sai trái hơn giống kia. Để khắc phục nhược điểm này đã có nhiều khuyến cáo nhân giống bằng cách chiết hay ghép mắt, đoạn cành của cây có năng suất cao, chất lượng cao. Tuy nhiên việc giúp cây bơ sai trái đang được thực hiện bằng phương pháp tạp giao – trồng xen kẽ giống bơ này với giống bơ khác để giúp sự thụ phấn giữa những pha nở hoa có nhụy và nhị cùng nở một giờ. Các nghiên cứu hướng này chưa có nhiều tín hiệu tốt do hiện tượng tạp giao quá lâu đời, tạo ra nhiều giống bơ khác nhau trong tự nhiên và trồng thương phẩm.

Trở lại vấn đề cây “bơ đực”. Khoa học giải thích rằng tuy không có hiện tượng thụ phấn, việc quả bơ bé không có hạt là minh chứng rõ ràng nhưng hạt phấn cũng có tác dụng nhất định giúp kích thích sự lớn lên của bầu noãn để tạo thành quả. Những quả bơ hình thành theo cách này có khối lượng trái chỉ bằng 1/10 so với những trái có quá trình thụ phấn hoàn toàn. Theo kết quả khảo sát, số trái trên cây “bơ đực” có số trái tương đồng (tương đối) với cây giống khác cùng lứa tuổi. Vì thế sản lượng của cây “bơ đực” sẽ thấp. Trừ trường hợp giá của những trái bơ nhỏ cao gấp 10 lần những trái bơ lớn, nếu so sánh đồng giá thì cây “bơ đực” sẽ bất lợi về hiệu quả kinh tế.

Việc ghép lên cây “bơ đực” một số nhánh của giống bơ khác có năng suất cao chất lượng tốt có thể cải thiện về số lượng trái bơ nhỏ. Tuy nhiên chưa có những khảo nghiệm cần thiết để công bố.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Có giống bơ đực?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO