Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể: học sinh sẽ được học nhẹ nhàng hơn

Anh Thư| 30/07/2017 09:32

KHPTO - Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể vừa được Ban chỉ đạo đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông thông qua. Đây là căn cứ để xây dựng dự thảo các chương trình môn học và hoạt động giáo dục. Chương trình tổng thể sẽ được tiếp tục xem xét để ban hành chính thức cùng với các chương trình môn học và hoạt động giáo dục.

Chương trình giáo dục phổ thông được xây dựng theo hướng mở, cụ thể là chương trình bảo đảm định hướng thống nhất và những nội dung giáo dục cốt lõi, bắt buộc đối với học sinh toàn quốc, đồng thời trao quyền chủ động và trách nhiệm cho địa phương và nhà trường trong việc lựa chọn, bổ sung một số nội dung giáo dục và triển khai kế hoạch giáo dục phù hợp với đối tượng giáo dục và điều kiện của địa phương, của cơ sở giáo dục, góp phần bảo đảm kết nối hoạt động của nhà trường với gia đình, chính quyền và xã hội.

Chương trình chỉ quy định những nguyên tắc, định hướng chung về yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực của học sinh, nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục và phương pháp đánh giá kết quả giáo dục, không quy định quá chi tiết, để tạo điều kiện cho tác giả sách giáo khoa và giáo viên phát huy tính chủ động, sáng tạo trong thực hiện chương trình.

Chương trình bảo đảm tính ổn định và khả năng phát triển trong quá trình thực hiện cho phù hợp với tiến bộ khoa học - công nghệ và yêu cầu của thực tế.

Ở cấp tiểu học, nội dung giáo dục các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc: tiếng Việt, toán, đạo đức, ngoại ngữ 1 (ở lớp 3, lớp 4, lớp 5), tự nhiên và xã hội (ở lớp 1, lớp 2, lớp 3), lịch sử và địa lý (ở lớp 4, lớp 5), khoa học (ở lớp 4, lớp 5), tin học và công nghệ (ở lớp 3, lớp 4, lớp 5), giáo dục thể chất, nghệ thuật, hoạt động trải nghiệm (trong đó có nội dung giáo dục của địa phương).

Nội dung môn học giáo dục thể chất được thiết kế thành các học phần (mô-đun); nội dung hoạt động trải nghiệm được thiết kế thành các chủ đề; học sinh được lựa chọn học phần, chủ đề phù hợp với nguyện vọng của bản thân và khả năng tổ chức của nhà trường. Các môn học tự chọn: tiếng dân tộc thiểu số, ngoại ngữ 1 (ở lớp 1, lớp 2).  Thực hiện dạy học 2 buổi/ngày, mỗi ngày bố trí không quá 7 tiết học. Mỗi tiết học từ 35 phút đến 40 phút; giữa các tiết học có thời gian nghỉ.

Ở cấp trung học cơ sở, các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc: ngữ văn; toán; ngoại ngữ 1; giáo dục công dân; lịch sử và địa lý; khoa học tự nhiên; công nghệ; tin học; giáo dục thể chất; nghệ thuật; hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; nội dung giáo dục của địa phương. 

Mỗi môn học công nghệ, tin học, giáo dục thể chất được thiết kế thành các học phần; hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp được thiết kế thành các chủ đề; học sinh được lựa chọn học phần, chủ đề phù hợp với nguyện vọng của bản thân và khả năng tổ chức của nhà trường. Các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc đều tích hợp nội dung giáo dục hướng nghiệp; ở lớp 8 và lớp 9, các môn học công nghệ, tin học, khoa học tự nhiên, nghệ thuật, giáo dục công dân, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp và nội dung giáo dục của địa phương  có học phần hoặc chủ đề về nội dung giáo dục hướng nghiệp. Các môn học tự chọn: tiếng dân tộc thiểu số, ngoại ngữ 2.

Thời lượng giáo dục: mỗi ngày học 1 buổi, mỗi buổi không bố trí quá 5 tiết học. Mỗi tiết học 45 phút, giữa các tiết học có thời gian nghỉ. Khuyến khích các trường trung học cơ sở đủ điều kiện thực hiện dạy học 2 buổi/ngày theo hướng dẫn của Bộ giáo dục và đào tạo.

 Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp

Các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc: ngữ văn; toán; ngoại ngữ 1; giáo dục thể chất; giáo dục quốc phòng và an ninh; hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; nội dung giáo dục của địa phương. Môn Giáo dục thể chất được thiết kế thành các học phần; hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp được thiết kế thành các chủ đề; học sinh được lựa chọn học phần, chủ đề phù hợp với nguyện vọng của bản thân và khả năng tổ chức của nhà trường.

Các môn học được lựa chọn theo định hướng nghề nghiệp gồm 3 nhóm môn: 

- Nhóm môn khoa học xã hội: lịch sử, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật.

- Nhóm môn khoa học tự nhiên: vật lý, hóa học, sinh học.

- Nhóm môn công nghệ và nghệ thuật: công nghệ, tin học, nghệ thuật.

Nội dung mỗi môn học thuộc nhóm này được thiết kế thành các học phần, học sinh được lựa chọn học phần phù hợp với nguyện vọng của bản thân và khả năng tổ chức của nhà trường.  Học sinh chọn 5 môn học từ 3 nhóm môn học trên, mỗi nhóm chọn ít nhất 1 môn. 

Các chuyên đề học tập: mỗi môn học ngữ văn, toán, lịch sử, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, vật lý, hóa học, sinh học, công nghệ, tin học, nghệ thuật có một số chuyên đề học tập tạo thành cụm chuyên đề học tập của môn học nhằm thực hiện yêu cầu phân hóa sâu, giúp học sinh tăng cường kiến thức và kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức giải quyết những vấn đề của thực tiễn, đáp ứng yêu cầu định hướng nghề nghiệp.

Thời lượng dành cho mỗi chuyên đề học tập từ 10 đến 15 tiết; tổng thời lượng dành cho cụm chuyên đề học tập của một môn là 35 tiết.  Ở mỗi lớp 10, 11, 12, học sinh chọn 3 cụm chuyên đề học tập của 3 môn học phù hợp với nguyện vọng của bản thân và điều kiện tổ chức của nhà trường.  Các trường có thể xây dựng các tổ hợp môn học từ 3 nhóm môn học và chuyên đề học tập nói trên để vừa đáp ứng nhu cầu của người học vừa bảo đảm phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị của nhà trường. Học sinh có thể đăng ký học ở một cơ sở giáo dục khác những môn học và chuyên đề học tập mà trường học sinh đang theo học không có điều kiện tổ chức dạy. Các môn học tự chọn: tiếng dân tộc thiểu số, ngoại ngữ 2.

Mỗi ngày học 1 buổi, mỗi buổi không bố trí quá 5 tiết học. Mỗi tiết học 45 phút, giữa các tiết học có thời gian nghỉ. Khuyến khích các trường trung học phổ thông đủ điều kiện thực hiện dạy học 2 buổi/ngày theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể: học sinh sẽ được học nhẹ nhàng hơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO