Chương trình giáo dục phổ thông mới có nhiều thay đổi

ANH THƯ| 25/01/2018 10:05

Bộ giáo dục và đào tạo vừa thông báo dự thảo các chương trình môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Dự kiến chương trình các môn học trong chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ có nhiều thay đổi.

Môn tiếng Việt - ngữ văn: là môn học thuộc lĩnh vực giáo dục ngôn ngữ và văn học, được học từ lớp 1 đến lớp 12. Ở tiểu học, môn học này có tên là tiếng Việt, ở trung học cơ sở và trung học phổ thông có tên là ngữ văn. Không quy định chi tiết về nội dung dạy học và các văn bản cụ thể mà chỉ quy định những yêu cầu cần đạt về đọc, viết, nói và nghe cho mỗi lớp; quy định một số kiến thức cơ bản, cốt lõi về văn học, tiếng Việt và một số văn bản quan trọng của văn học dân tộc là nội dung thống nhất bắt buộc đối với học sinh toàn quốc... Điểm khác biệt nhất so với các chương trình trước đây là chương trình ngữ văn lần này được xây dựng xuất phát từ các phẩm chất và năng lực cần có của người học để lựa chọn nội dung dạy học. Phương pháp học môn này sẽ là giáo viên cần khơi gợi, vận dụng kinh nghiệm và vốn hiểu biết đã có của học sinh về vấn đề đang học, từ đó tổ chức cho các em tìm hiểu, khám phá để tự mình bổ sung, điều chỉnh, hoàn thiện những hiểu biết ấy. Cần khuyến khích học sinh trao đổi và tranh luận, đặt câu hỏi cho mình và cho người khác khi đọc, viết, nói và nghe.
Môn toán: được phân chia theo hai giai đoạn. Giai đoạn giáo dục cơ bản: giúp học sinh nắm được một cách có hệ thống các khái niệm, nguyên lý, quy tắc toán học cần thiết nhất cho tất cả mọi người, làm nền tảng cho việc học tập ở các trình độ học tập tiếp theo hoặc có thể sử dụng trong cuộc sống hàng ngày. Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp: giúp học sinh có cái nhìn tương đối tổng quát về toán học, hiểu được vai trò và những ứng dụng của toán học trong đời sống thực tế, những ngành nghề có liên quan đến toán học để học sinh có cơ sở định hướng nghề nghiệp sau này, cũng như có đủ năng lực tối thiểu để tự mình tìm hiểu những vấn đề có liên quan đến toán học trong suốt cuộc đời.
Môn giáo dục công dân: ở tiểu học gọi là môn đạo đức, trung học cơ sở là môn giáo dục công dân, trung học phổ thông là môn giáo dục kinh tế và pháp luật. Môn giáo dục kinh tế và pháp luật giúp học sinh có được tình cảm, nhận thức, niềm tin và bản lĩnh phù hợp với chuẩn mực đạo đức và quy định của pháp luật. Nội dung chủ yếu của môn giáo dục công dân là giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, pháp luật và kinh tế.
Chương trình môn tự nhiên và xã hội: môn học này sẽ tập trung vào 6 chủ đề là gia đình, trường học, cộng đồng địa phương, thực vật và động vật, con người và sức khỏe, Trái đất và bầu trời. Mỗi chủ đề đều thể hiện mối liên quan, sự tương tác giữa con người với các yếu tố tự nhiên và xã hội trên cơ sở giáo dục giá trị và kỹ năng sống. Giáo dục các vấn đề liên quan đến việc giữ gìn sức khỏe, bảo vệ cuộc sống an toàn của bản thân, gia đình và cộng đồng, bảo vệ môi trường, phòng tránh thiên tai ở mức độ đơn giản và phù hợp.
Chương trình môn lịch sử: trong chương trình giáo dục phổ thông, giáo dục lịch sử được thực hiện liên tục ở cả ba cấp học thông qua các môn tự nhiên và xã hội (ở lớp 1, lớp 2, lớp 3), lịch sử và địa lý (từ lớp 4 đến lớp 9), lịch sử (ở trung học phổ thông). Ở cấp trung học phổ thông, lịch sử là môn học được lựa chọn theo nguyện vọng và định hướng nghề nghiệp của học sinh, thuộc nhóm môn khoa học xã hội. 
Điểm mới so với chương trình hiện hành là trục phát triển chính của chương trình môn lịch sử là hệ thống các chủ đề và chuyên đề về những vấn đề cơ bản của lịch sử thế giới, lịch sử khu vực Đông Nam Á và lịch sử Việt Nam, nhằm mục tiêu nâng cao và mở rộng kiến thức thông sử mà học sinh đã được học ở cấp trung học cơ sở.
Chương trình môn địa lý: trong chương trình giáo dục phổ thông, giáo dục địa lý được thực hiện liên tục ở cả ba cấp học thông qua các môn tự nhiên và xã hội (ở lớp 1, lớp 2, lớp 3), lịch sử và địa lý (từ lớp 4 đến lớp 9), địa lý (ở trung học phổ thông). Ở cấp trung học phổ thông, môn địa lý là một trong các môn học được lựa chọn theo nguyện vọng và định hướng nghề nghiệp của học sinh. Chương trình môn địa lý được thiết kế theo ba mạch: đại cương, thế giới, Việt Nam từ lớp 10 đến lớp 12 gồm cả kiến thức về địa lý tự nhiên và địa lý kinh tế - xã hội; phát triển, mở rộng và nâng cao nội dung địa lý đã học ở cấp trung học cơ sở.
Môn vật lý: trong chương trình giáo dục phổ thông, giáo dục vật lý được phân bố ở cả ba cấp học với các mức độ khác nhau, thông qua các môn học: tự nhiên và xã hội (lớp 1, lớp 2 và lớp 3); khoa học (lớp 4 và lớp 5); khoa học tự nhiên (trung học cơ sở); vật lý (trung học phổ thông). Ở cấp trung học phổ thông, trên cơ sở nội dung nền tảng đã trang bị cho học sinh ở giai đoạn giáo dục cơ bản, chương trình môn vật lý lựa chọn phát triển những vấn đề cốt lõi thiết thực nhất, đồng thời chú trọng đến những vấn đề mang tính ứng dụng cao là cơ sở của nhiều ngành kỹ thuật, khoa học và công nghệ.
Môn hóa học: chương trình môn hóa học gồm 3 mạch nội dung cốt lõi: kiến thức cơ sở hóa học chung; kiến thức hóa học vô cơ và kiến thức hóa học hữu cơ. Trục phát triển chính của chương trình môn hóa học là hệ thống các chủ đề và chuyên đề về kiến thức cơ sở hóa học chung về cấu tạo chất và quá trình biến đổi hóa học.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chương trình giáo dục phổ thông mới có nhiều thay đổi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO