Chuẩn bị nguồn nhân lực để đáp ứng FTA

ANH THƯ| 10/12/2019 15:22

KHPTO - Một bài toán khó mà Việt Nam cần giải, đó là chuẩn bị nguồn nhân lực như thế nào để đáp ứng và hưởng lợi từ các cam kết quốc tế, trong bối cảnh hội nhập và tham gia vào các hiệp định thương mại tự do (FTA).

Nhiều đại biểu đã nêu ra vấn đề tại hội nghị khoa học “Kinh tế trẻ năm 2019 - Đánh giá tác động của các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia đến lực lượng lao động trẻ và nền kinh tế Việt Nam”, do Trường đại học ngân hàng TP.HCM và Trung tâm phát triển khoa học và công nghệ trẻ tổ chức.

Ảnh hưởng của lao động trẻ đến thu hút vốn đầu tư vào các khu công nghiệp

Theo phân tích của tác giả Lê Thị Yến, Trường đại học Thái Nguyên về ảnh hưởng của lao động trẻ đến thu hút vốn đầu tư vào các khu công nghiệp của Việt Nam, bên cạnh những kết quả đạt được, vấn đề thu hút vốn đầu tư vẫn còn bộc lộ những hạn chế nhất định, quy mô thu hút vốn đầu tư còn thấp, tỷ lệ lấp đầy diện tích đất chưa cao và chỉ tập trung vào một số khu. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thu hút vốn đầu tư vào các khu công nghiệp còn hạn chế chính là việc nguồn lao động chưa đáp ứng được yêu cầu về cả chất lượng và quy mô của các doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam tham gia vào các hiệp định thương mại tự do, tính cạnh tranh và yêu cầu đối với lao động trẻ của Việt Nam ngày càng khắt khe.

Dữ liệu nghiên cứu được thu thập từ khảo sát 136 doanh nghiệp có sử dụng lao động trẻ tại các khu công nghiệp của Việt Nam và 326 lao động trẻ đang làm việc tại các khu công nghiệp. Kết quả nghiên cứu cho thấy năng lực thích ứng của các lao động trẻ còn rất hạn chế, tính dễ bị tổn thương là khá cao. Đồng thời, lao động trẻ là một trong những yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng lớn đến việc thu hút vốn đầu tư của doanh nghiệp tại các khu công nghiệp của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam tham gia vào các hiệp định thương mại tự do. Để nâng cao năng lực thích ứng, hay giảm nhẹ tính dễ bị tổn thương của các nguồn lực trong bối cảnh hội nhập ngày một sâu và rộng như hiện nay của Việt Nam, một số giải pháp được đề xuất như: cần quan tâm đến nâng cao trình độ học vấn đối với lao động trẻ, nâng cao năng lực ngoại ngữ, năng lực tin học và các kỹ năng mềm cơ bản cho lao động. Tạo điều kiện cho các lao động trẻ tham gia các lớp tập huấn do Thành đoàn, các cơ quan nhà nước tổ chức nhằm bắt kịp các xu thế phát triển của thế giới. Cung cấp thông tin về việc làm, dịch vụ,… tới nguồn nhân lực, từ đó có kế hoạch cho công việc trong tương lai.

Nói về cơ hội và thách thức cho nguồn nhân lực Việt Nam trong bối cảnh hội nhập và tham gia vào các hiệp định thương mại tự do, bà Nguyễn Thị Thùy Trang, Trường đại học công nghiệp thực phẩm TP.HCM cho rằng, tham gia vào các hiệp định thương mại tự do (FTA) là một xu hướng tất yếu trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, nhiều quy định và cam kết mới sẽ tạo ra cho Việt Nam nhiều cơ hội phát triển kinh tế và thương mại, song cũng đặt ra không ít thách thức cần vượt qua. Với triển vọng hoàn tất 16 FTA trong thời gian tới thì Việt Nam sẽ có quan hệ thương mại với nhiều nền kinh tế. Đây là nền tảng cơ bản để Việt Nam hội nhập quốc tế ở tầm cao mới, mở ra không gian hợp tác phát triển rộng lớn trong tương lai. Sẽ không thể có kinh tế thị trường nếu không có những con người nắm vững và vận hành tốt các quy luật của kinh tế thị trường thì mới có thể tận dụng được nhiều các lợi thế của FTA mang lại. Như vậy, việc chuẩn bị nguồn nhân lực này cho nhu cầu của cả hiện tại lẫn tương lai là rất quan trọng.

Để làm rõ nội dung chất lượng nguồn nhân lực sẽ là yếu tố quyết định sự thành công của doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Thùy Trang lấy ví dụ về nguồn nhân lực của ngành dệt may - một trong những ngành kinh tế mũi nhọn có nhiều chính sách ưu tiên từ Chính phủ và hứa hẹn sẽ đạt tốc độ tăng trưởng nhanh, đóng góp nhiều hơn cho ngân sách nhà nước nhờ tham gia các FTA. Tuy nhiên, việc đào tạo nhân lực cho ngành dệt may hiện chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. TP.HCM được coi là trung tâm đào tạo lao động ngành dệt may cũng chỉ có 11 trường đào tạo khoảng 1.900 lao động mỗi năm. Hầu hết các sinh viên ra trường được tuyển dụng phải mất 3 năm đào tạo lại mới làm việc được. Đặc biệt, nhân lực thiết kế thời trang được đào tạo tại Việt Nam chỉ có khả năng kinh doanh ở quy mô nhỏ mà chưa thể thiết kế và triển khai sản xuất để thương mại hóa với quy mô toàn ngành. Khả năng đáp ứng nhu cầu tăng thêm của đội ngũ kỹ sư, kỹ thuật viên phục vụ cũng rất khó khăn.

Thách thức không nhỏ

Tham gia vào Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP là xu hướng tất yếu tạo động lực, cũng như hỗ trợ Việt Nam thay đổi một cách toàn diện, tiến bộ, tiến gần hơn tới các nước phát triển. Bên cạnh những lợi ích trong việc hòa nhập và phát triển kinh tế xã hội, nền kinh tế Việt Nam cũng phải đối mặt với những khó khăn và thách thức to lớn. Bằng cách phân tích các lợi ích ròng cho nền kinh tế mà CPTPP có thể tạo ra, thông qua việc phân tích cụ thể các tác động của CPTPP trong việc làm tăng kim ngạch thương mại để kích cầu nền kinh tế, và thông qua bài học về tác động tiêu cực của các hiệp định thương mại sâu rộng đối với tăng trưởng kinh tế của các nước đang phát triển như Thái Lan, Trung Quốc, Mexico, Indonesia và Philippines, tác giả Phùng Thị Hồng Gấm, Trường đại học ngân hàng TP.HCM cho rằng, thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam sau hội nhập là không hề nhỏ, đặc biệt là sự sụt giảm phúc lợi của người dân.

Tác giả đã trình bày những thách thức có thể dẫn nền kinh tế Việt Nam đi vào suy thoái trong ngắn hạn, cũng như cơ hội để Việt Nam thu ngắn khoảng cách với các nước phát triển hàng đầu thế giới trong dài hạn từ CPTPP. Để hiệp định thật sự thành công và đem lại lợi ích thiết thực cho nền kinh tế, Việt Nam nên gấp rút thay đổi các yếu điểm vốn có để thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào các ngành thâm dụng vốn, thâm dụng công nghệ. Từ đó lao động Việt Nam mới có thể học tập cách tăng năng suất, cách phát triển sáng tạo từ các nước tiên tiến đi trước. Ngoài ra, nền giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học, cũng là trụ cột quyết định khả năng cạnh tranh cũng như hấp thụ công nghệ và quyết định sự phát triển của đất nước trong dài hạn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuẩn bị nguồn nhân lực để đáp ứng FTA
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO