Cho sinh sản nhân tạo cá chẽm ở Bình Định

13/06/2008 09:27

Tiếp thu công nghệ từ Đại học Nha Trang, Trạm thực nghiệm nuôi trồng thủy sản Cát Tiến (Trung tâm nghiên cứu thực nghiệm nuôi trồng thủy sản Bình Định) cho sinh sản, ươm nuôi thành công cá chẽm. Từ năm 2007 đến nay trạm đã cho sinh sản 3 đợt, thu hoạch trên 100.000 con cá giống (loại 2 - 3 cm), và chuyển giao cho một số hộ nuôi thương phẩm bước đầu đạt kết quả khả quan.

Để có cơ sở đủ tiêu chuẩn ươm cá chẽm, tỉnh Bình Định đã đầu tư trên một tỷ đồng nâng cấp Trạm thực nghiệm nuôi trồng thủy sản Cát Tiến: xây dựng hệ thống xử lý nước biển, bể nuôi cá bố mẹ với hệ thống lọc sinh học, hệ thống bể ươm nuôi từ cá bột đến giai đoạn cá hương, với tổng thể tích bể trên 60 m3, hệ thống bể nuôi sinh khối luân trùng (rotifer) để làm thức ăn cho cá bột, và hệ thống cung cấp khí cho các bể nuôi...

Cá chẽm sinh sản nhân tạo qua hai giai đoạn:

- Tạo đàn cá bố mẹ: mua từ các trung tâm giống ở Nha Trang, hay chọn cá ngoài tự nhiên đủ tiêu chuẩn về nuôi trong hệ thống bể lọc sinh học. Sau khoảng 2 - 4 tháng, khi con cái đạt 3,5 kg trở lên, con đực trên 2 kg (nếu để con đực lớn trên 3 kg sẽ biến thành con cái - vì cá chẽm là loài lưỡng tính) là đến thời kỳ cho cá sinh sản được. Thức ăn của chúng chủ yếu là tôm, cá tươi, có bổ sung một số chất vitamin.

- Cho sinh sản: khi buồng trứng cá phát triển đến giai đoạn đẻ thì dùng kích thích tố để cho cá đẻ đồng loạt. Trứng cá đẻ ra thụ tinh với tinh dịch cá đực (tỷ lệ thụ tinh khoảng 70%), được vớt lên đem ấp 14 - 16 tiếng đồng hồ, nở thành cá bột (tỷ lệ nở 80 - 85%). Cá bột trong 13 ngày đầu chủ yếu ăn luân trùng rotifer, từ ngày 13 đến ngày thứ 20 ăn artemia, từ 21 - 45 ngày ăn thức ăn tổng hợp chế biến sẵn có bán ngoài thị trường. Khi đến 45 ngày, cá đạt chiều dài từ 2 - 3 cm, là cá giống. Muốn có cá giống nuôi thương phẩm phải qua giai đoạn ươm nuôi tiếp theo đến khi đạt chiều dài thân 6 - 8 cm (trong giai đoạn này trạm chưa có điều kiện cơ sở vật chất để nuôi).

Theo trạm trưởng Phan Thanh Việt, giá bán cá chẽm giống (2 - 3 cm) hiện nay là 900 - 1.000 đồng/con. Khi nuôi đạt chiều dài thân 6 - 8 cm, giá bán là 3.500 - 5.000 đồng/con.

Trạm đã chuyển giao cho một số hộ dân ở Tuy Phước, Phù Cát, Quy Nhơn... nuôi trong ao ven đầm Đề Gi, đầm Thị Nại, kết quả bước đầu tương đối khả quan. Ông Cẩn (Phước Sơn, Tuy Phước) thả nuôi 10.000 con thu lãi 20 triệu đồng. Ông Khương (Cát Hải, Phù Cát) thả nuôi 25.000 con, thu hoạch không cao vì môi trường nước ao nuôi có nhiều rong rêu.

Cá chẽm có thời gian nuôi từ 6 - 8 tháng, đạt trọng lượng khoảng 1 kg/con là bán được, với giá 65.000 - 70.000 đồng/kg, chủ yếu phục vụ cho các quán ăn đặc sản và cho xuất khẩu. Theo ông Việt, ở Bình Định nên nuôi trong thời gian từ mùa xuân đến mùa thu để tránh mưa ngập và lạnh. Trạm đang làm mô hình nuôi thử nghiệm cá chẽm để có quy trình kỹ thuật nuôi hoàn chỉnh chuyển giao cho người nuôi. Khi môi trường nước ao nuôi bị ô nhiễm, khó nuôi tôm, thì việc nuôi cá chẽm chiếm ưu thế.

Việc tạo con giống tại chỗ sẽ tạo điều kiện thích nghi với môi trường địa phương, giảm giá thành, tạo nguồn thu lợi cao cho người nuôi.

Theo nhiều tài liệu, cá chẽm (cá vược, cá xủ) có nhiều ở các đầm ao nước ngọt, nước lợ ven biển như đầm Thị Nại, đầm Đề Gi ở Bình Định. Cá này sinh sản ngoài biển khơi, cá con theo thủy triều vào các đầm, ao ven biển sinh sống. Do đó độ mặn thích nghi với loài cá này có thể thay đổi từ 0%o đến 40%o. Từ trước đến nay muốn nuôi phải bắt cá giống con từ tự nhiên. Năm 2006 Trường đại học Nha Trang cho sinh sản nhân tạo thành công và chuyển giao công nghệ này cho một số tỉnh. Từ đó việc cho cá sinh sản nhân tạo và nuôi thương phẩm bắt đầu phát triển.

Cá chẽm là một đặc sản được ưa chuộng, thường dùng chế biến các món lẩu, nướng, hấp... thịt rất ngon và bổ dưỡng. v

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cho sinh sản nhân tạo cá chẽm ở Bình Định
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO