Chạy nước rút để hết chương trình

ANH THƯ| 25/05/2020 07:38

KHPTO - Tuần đầu tiên đi học trở lại sau dịch, các học sinh lớp 6 một trường THCS thuộc quận 3, TP.HCM được cô giáo dạy ngữ văn thông báo lịch kiểm tra: “Tuần tới các con kiểm tra 15 phút, tuần tiếp theo làm thêm 1 bài kiểm tra 15 phút, tuần tiếp thì làm bài kiểm tra 1 tiết, tuần cuối là thi học kỳ nhé”.

Tương tự với môn ngữ văn, học sinh được cô dạy tiếng Anh và toán thông báo tương tự. Em Ngọc My cho biết: “Cô toán phát cho tụi con một tài liệu gồm 30 bài tập, cô kêu về làm để ôn kiểm tra, tuần sau kiểm tra 15 phút. Cô tiếng Anh thì dặn về ôn bài 10 và bài 11 để kiểm tra”.

Học sinh vào lớp tuần đầu tiên đều được cô kiểm tra xem em nào chưa học trực tuyến, chưa chép bài. Em Phan Thùy Trang nói: “Lớp con, ai cũng học trực tuyến và chép bài vào tập đầy đủ, chỉ có 1 bạn không chép bài, bị cô phạt chạy 2 vòng cầu thang, sau đó phải mượn tập bạn chép bài”. Trong thời gian giãn cách để phòng chống dịch bệnh, cả lớp của Trang đều học trực tuyến, nhiều môn học cũng gần hết chương trình, nhất là môn toán, chỉ còn 1 bài cuối cùng là xong sách giáo khoa.

Hiệu trưởng một trường THCS chia sẻ, khi học trực tuyến, Bộ giáo dục và đào tạo cho phép kiểm tra thường xuyên qua mạng, kết quả học sinh đạt điểm rất tốt nhưng khi quay lại trường học, để đánh giá lại chất lượng thì điểm kiểm tra lại rất thấp. Do đó, thời điểm này, thầy cô phải nỗ lực vừa dạy học vừa ôn tập. Trong đó, học sinh khối 6, 7, 8 hiện mới chỉ học 1 buổi/ngày, buổi chiều học sinh yếu, kém được giáo viên dạy kèm qua trực tuyến. Riêng học sinh lớp 9 chuẩn bị thi vượt cấp nên nhà trường ưu tiên tăng cường lịch học, trong đó những em học trực tuyến chưa tiếp thu tốt kiến thức sẽ được phân loại đến lớp giáo viên dạy bổ túc; với học sinh khá giỏi, giáo viên dạy trực tuyến. Dù hoàn thành kịp chương trình nhưng học sinh phải học rất nhiều môn. Các em phải thực hiện liên tục, dồn dập cùng lúc nhiều bài kiểm tra nên sẽ không tránh khỏi áp lực, mệt mỏi.

Học kỳ 2 năm nay, số lần kiểm tra cho điểm (đầu điểm) được quy định như sau: những môn học có từ 1 tiết trở xuống/tuần thì sẽ có 1 đầu điểm thường xuyên, 1 đầu điểm định kỳ và 1 đầu điểm kiểm tra học kỳ. Những môn học có trên 1 tiết đến dưới 3 tiết/tuần thì sẽ có tối thiểu 2 đầu điểm thường xuyên, 1 đầu điểm định kỳ và 1 đầu điểm kiểm tra học kỳ. Những môn học có từ 3 tiết trở lên/tuần thì sẽ có tối thiểu 3 đầu điểm thường xuyên, 1 đầu điểm định kỳ và 1 đầu điểm kiểm tra học kỳ. Bài kiểm tra định kỳ các môn của chương trình tích hợp toán, khoa học, tiếng Anh học kỳ 2 hoàn tất trước 27/6. Các điểm số môn toán, khoa học của chương trình này được dùng làm các cột điểm hệ số 2 trong học kỳ của môn tương ứng theo chương trình Việt Nam. Riêng điểm số bài kiểm tra giữa kỳ và cuối kỳ của môn tiếng Anh theo chương trình tích hợp được dùng làm cột điểm kiểm tra hệ số 2 và kiểm tra học kỳ của môn tiếng Anh trong chương trình Việt Nam.

Sở giáo dục và đào tạo TP.HCM cũng đã lưu ý các trường đẩy mạnh đánh giá thường xuyên bằng vấn đáp, phỏng vấn, kiểm tra ngắn, nhanh dạng viết hoặc trên máy tính, báo cáo thuyết trình, kết quả hay sản phẩm học tập (như bài viết, bài tập về nhà, tiểu luận, viết báo cáo...). Nhà trường sử dụng kết quả đánh giá quá trình học tập trực tuyến quy đổi thành kết quả thường xuyên.

Không nhất thiết phải học cả sáng, chiều và thứ bảy

Vừa qua, Sở giáo dục và đào tạo TP.HCM đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị trường học bố trí các hoạt động dạy học trực tiếp cả ngày thứ bảy và cả hai buổi sáng - chiều kết hợp với việc dạy trực tuyến, học qua truyền hình, đồng thời có kế hoạch phụ đạo miễn phí cho học sinh yếu, đảm bảo hoàn thành tốt chương trình năm học 2019 - 2020. Nội dung này khiến nhiều phụ huynh lo lắng về việc con em bị bắt đi học dồn dập quá nhiều.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Hiếu, phó giám đốc Sở giáo dục và đào tạo TP.HCM, nội dung trong văn bản được hiểu là trường nào học 2 buổi/ngày thì tiếp tục tổ chức dạy học theo kế hoạch; còn học cả ngày thứ bảy ở đây không phải là bắt buộc 100% học sinh phải học cả ngày.

Các trường tận dụng thời gian ngày thứ bảy để tăng cường phụ đạo, dạy bổ sung, ôn luyện thêm kiến thức cho các em trong suốt thời gian học online, học trực tuyến, học qua truyền hình...mà các em nắm chưa đầy đủ.

Đồng thời, thứ bảy cũng là ngày để các trường tổ chức dạy bồi dưỡng học sinh giỏi, chuẩn bị kỳ thi học sinh giỏi ; tổ chức các hoạt động giáo dục ngoại khóa, kỹ năng, sinh hoạt tập thể; học ngoại ngữ, tin học và rất nhiều hoạt động khác...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chạy nước rút để hết chương trình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO