Chân trời khoa học

BÌNH MINH| 15/03/2018 10:06

Khoa Học Phổ Thông, khoa học, tạp chí, tin tức

Mới đây, các nhà khoa học tại Đại học RMIT ở Australia đã phát triển được lớp phủ cho phép loại kính hiện có trở nên thông minh, mà không cần đến điện. 

Lớp phủ tự điều chỉnh bao gồm vanadi dioxid có giá thành tương đối rẻ, chỉ dày cỡ 50 - 150 nanomét, mỏng hơn gần 1.000 lần sợi tóc. Khi nhiệt độ bề mặt dưới 670C, vanadi dioxid đóng vai trò như chất cách nhiệt, giữ cho nhiệt bên trong không bị thoát ra ngoài qua kính cửa sổ và còn cho phép toàn bộ quang phổ của ánh nắng mặt trời từ bên ngoài đi vào. Tuy nhiên, ở nhiệt độ trên 670C, vanadi dioxid biến đổi thành kim loại ngăn chặn bức xạ hồng ngoại của mặt trời thâm nhập vào bên trong. Kết quả là căn phòng ấm hơn khi nhiệt độ thấp và mát hơn khi nhiệt độ cao, từ đó phải sử dụng cả các hệ thống sưởi và máy lạnh. Ngoài ra, người sử dụng có thể loại bỏ hiệu ứng ngăn chặn tia của lớp phủ bằng công tắc điều chỉnh độ sáng.

(New Atlas, 3/2018)

Nước ép củ cải đường hỗ trợ bệnh nhân suy tim

Một nghiên cứu của Trường giáo dục thể chất và quản lý du lịch (Mỹ) cho thấy việc bổ sung nước ép củ cải đường có thể giúp tăng khả năng luyện tập ở bệnh nhân suy tim. Khả năng luyện tập là một yếu tố then chốt liên quan đến chất lượng cuộc sống và thậm chí cả sự sống còn của bệnh nhân.
Nghiên cứu này đã tiến hành kiểm tra tác động của nitrat trong chế độ dưới dạng bổ sung nước ép củ cải đường lên khả năng tập thể dục của 8 bệnh nhân suy tim bị suy giảm phân suất tống máu, là tình trạng mà cơ tim không co bóp hiệu quả và không thể bơm đủ máu giàu oxy đến cơ thể. Kết quả cho thấy việc bổ sung nước ép củ cải đường có thể làm tăng đáng kể thời gian tập thể dục, công suất đỉnh và tăng oxy đỉnh khi tập thể dục cho những bệnh nhân mắc tình trạng này. Đồng thời, việc bổ sung này không gây ra bất kỳ tác dụng phụ nào trong phản ứng hô hấp của bệnh nhân. 
Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng cần có thêm các thử nghiệm tại nhiều trung tâm y tế để khẳng định lại các kết quả thu được từ nghiên cứu này và để xác định xem việc điều trị nitrat trong chế độ ăn uống dài hạn sẽ cải thiện mức độ hoạt động thể chất, chất lượng cuộc sống và thậm chí sự sống còn ở những bệnh nhân suy tim có giảm phân suất tống máu như thế nào.
(Medicalxpress.com, 3/2018)

Hiệu ứng đảo nhiệt đô thị phụ thuộc vào thiết kế của thành phố

Một nghiên cứu của Viện công nghệ Massachusetts (MIT) và Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia (Mỹ) cho thấy, cách thiết kế đường phố và các tòa nhà tạo nên sự khác biệt lớn về sự tích tụ của nhiệt.

Nghiên cứu cho biết, một số thành phố như New York và Chicago được sắp xếp trong một mạng lưới rõ ràng như các nguyên tử trong một tinh thể, trong khi các thành phố khác như Boston hay London được sắp xếp hỗn độn hơn như các nguyên tử không theo trật tự trong một chất lỏng hoặc thủy tinh. Nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra rằng các thành phố “tinh thể” có sự tích tụ nhiệt cao hơn nhiều so với các thành phố “giống thủy tinh”. 

Họ cũng nhận thấy việc sử dụng các mô hình toán học để phân tích các cấu trúc nguyên tử trong vật liệu cung cấp một công cụ có ích, dẫn đến công thức đơn giản để mô tả ảnh hưởng của cách thiết kế thành phố đến hiệu ứng đảo nhiệt. Hiệu ứng đảo nhiệt bắt nguồn từ thực tế vật liệu xây dựng đô thị như bê tông và nhựa đường, có thể hấp thụ nhiệt vào ban ngày và tỏa ra vào ban đêm nhiều hơn so với các khu vực có thảm thực vật. Hiệu ứng này khá ấn tượng, làm thêm 100F vào nhiệt độ ban đêm tại các thành phố như Phoenix và Arizona. 

Kết quả nghiên cứu trên có thể cung cấp cho các nhà quy hoạch đô thị và nhà quản lý những phương thức mới để gây ảnh hưởng đến các hiệu ứng đó.

(Mit.edu, 2/2018)

Vi khuẩn có lợi trên da phòng chống ung thư da

Các nhà nghiên cứu tại Trường y, Đại học California đã phát hiện ra vai trò mới tiềm năng của một số vi khuẩn trên da, đó là khả năng bảo vệ chống ung thư. Theo đó, nhóm nghiên cứu đã xác định được chủng khuẩn Staphylococcus epidermidis xuất hiện phổ biến trên da người khỏe mạnh với khả năng ức chế sự phát triển của một số bệnh ung thư. Chủng khuẩn độc nhất trên da này sản sinh hóa chất tiêu diệt một số loại tế bào ung thư mà lại không gây độc cho các tế bào bình thường.

Nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra rằng chủng khuẩn S. epidermidis sản sinh hóa chất 6-N-hydroxyaminopurine (6-HAP). Sau khi được cho tiếp xúc với tia tử ngoại gây ung thư, chuột có S. epidermidis trên da nhưng không tiết ra 6-HAP, sẽ có nhiều khối u xuất hiện trên da, trong khi đó chuột có S. epidermidis trên da sản sinh 6-HAP không hề có khối u nào. 6-HAP là phân tử làm suy yếu sự hình thành của DNA, được gọi là sự tổng hợp DNA và ngăn chặn sự lan rộng của các tế bào khối u biến đổi cũng như có tiềm năng cản trở sự phát triển của ung thư da do tia tử ngoại. 

Trong thực nghiệm, chuột được tiêm tĩnh mạch hóa chất 6-HAP cứ 48 tiếng một lần trong thời gian hơn 2 tuần, không thể hiện ảnh hưởng bị nhiễm độc rõ ràng, nhưng khi được cấy ghép tế bào ác tính, kích thước khối u của chuột đã giảm hơn 50% so với nhóm đối chứng.

(Medicalxpress.com, 3/2018)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chân trời khoa học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO