Chăm sóc dinh dưỡng cho người bệnh ung thư đại trực tràng

TS. BS. Lưu Ngân Tâm| 11/08/2017 08:07

Chăm sóc ung thư đại trực tràng

(KHPTO) Thức ăn sau khi đã được nhai nghiền nát từ miệng, nhào trộn và tiêu hóa tại dạ dày và ruột non, thì hầu hết các chất dinh dưỡng sẽ được hấp thu tại ruột non. Phần chất bã của thức ăn không được tiêu hóa sẽ được đại trực tràng hấp thu nước, muối khoáng và vitamin, để biến đổi ở đoạn cuối đại tràng thành phân.

Ung thư đại trực tràng có những ảnh hưởng gì?

  • Lên chức năng cơ thể: Ung thư đại trực tràng có thể gây ra tình trạng rối loạn đi tiêu (tiêu chảy hoặc táo bón hoặc đi tiêu máu), đau quặn bụng, chướng hơi, mệt mỏi, chán ăn và sụt cân không mong muốn. Nhiều nghiên cứu cho thấy cứ 10 bệnh nhân ung thư đại trực tràng đã có từ 5-6 bệnh nhân bị sụt cân không mong muốn trước khi có chẩn đoán bệnh ung thư.
  • Lên kết cục điều trị: Sụt cân nặng (suy dinh dưỡng) ở bệnh nhân ung thư đại trực tràng làm tăng nguy cơ nhiễm trùng sau mổ, giảm khả năng hồi phục. Đồng thời làm tăng độc tính của hóa trị, giảm đáp ứng với hóa hay xạ trị, cũng như giảm chất lượng sống.
  • Có đến khoảng 20% bệnh nhân ung thư tử vong do bị suy dinh dưỡng trước khi chết do chính bệnh ung thư gây ra.

Làm sao biết bị sụt cân nặng?

  • Cách xác định sụt cân nặng: lấy số kg trọng lượng cơ thể mất chia cho số kg trọng lượng cơ thể trước khi bị sụt cân, sẽ ra được tỉ lệ phần trăm (ký hiệu là %) sụt cân không mong muốn. Sụt cân nặng được xác định là lớn hơn hay bằng 5% (≥5%).
  • Cần theo dõi cân nặng trong giai đoạn điều trị: các liệu pháp điều trị ung thư đại trực tràng sẽ làm sụt cân thêm vì ăn uống kém do giảm vị giác, chán ăn, ăn không ngon, hoặc viêm đỏ miệng họng gây nuốt đau, nôn ói, mất nước…

Chế độ dinh dưỡng sẽ như thế nào?

  1. Trong giai đoạn điều trị bệnh ung thư:

Phẫu thuật: nếu không phải mổ cấp cứu, thông thường bệnh nhân bị sụt cân nặng sẽ được hoãn mổ để được điều trị dinh dưỡng trước mổ trung bình 7 đến 10 ngày, nhằm cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng và làm giảm thiểu tối đa biến chứng sau mổ. Tùy thuộc tình trạng bệnh lý (vị trí, giai đoạn bệnh), thể trạng của người bệnh mà bác sĩ điều trị sẽ đưa phương pháp điều trị dinh dưỡng thích hợp. Nhưng thông thường người bệnh sẽ được khuyến khích ăn đầy đủ dưỡng chất như lượng đạm cao (thịt, cá, sữa…), nên ăn vừa phải lượng tinh bột đường và béo, vitamin, khoáng chất và uống đủ nước để tránh thiếu nước. Tuy nhiên để tránh tắc nghẽn đường ruột, người bệnh nên tránh ăn các loại ngũ cốc, hạt, rau củ tươi, thô, trái cây còn vỏ…Trường hợp ăn kém, người bệnh có thể bổ sung sữa dinh dưỡng (như sữa dành cho bệnh ung thư).

Sau phẫu thuật người bệnh dễ bị thiếu nước, điện giải (khoáng chất) nên khi có chỉ định cho ăn lại sau mổ, nên bắt đầu thức uống thức uống không có chứa cà phê hay rượu, đủ khoáng chất (ví dụ: sữa dinh dưỡng), uống ít, nhiều lần trong ngày. Sau đó chuyển dần sang chế độ ăn đặc hơn, rồi ăn bình thường. Đồng thời phẫu thuật dễ gây ra kém hấp thu một số vitamin và cần bổ sung viên đa sinh tố ở liều cơ bản.

Hóa, xạ trị: nếu bị nôn mửa, chướng hơi người bệnh cũng không nên bỏ bữa, khi đó nên uống thức uống trong (nước trái cây, trà đường) hay ăn thức ăn dễ tiêu hóa như cháo, súp khoai, ăn ít, nhiều lần trong ngày, không nên nằm trong vòng 2 tiếng sau ăn.

Khi có một số triệu chứng do tác dụng phụ của điều trị:

  • Trường hợp có táo bón: cần uống đủ nước, hay nước trái cây, tăng cường chất xơ từ rau củ quả. Nếu vẫn không hiệu quả thì điều trị bằng thuốc.
  • Tiêu chảy: uống thức uống trong, ít béo, ít xơ, tránh ăn rau củ tươi, thô, thức ăn nhiều gia vị.
  • Sinh hơi chướng bụng: nên ăn chậm, không ăn các loại như bông cải, bắp cải, hạt, tỏi, hành, đồng thời cũng tránh uống thức uống có gas, đôi khi một số loại sữa cũng sinh gas.
  • Viêm đỏ miệng, họng: nên ăn thức ăn mềm, nguội, dạng có sốt. Không ăn thức ăn giòn, cứng, quá mặn, chua, cay, có tiêu, cà ri…
  • Giảm vị giác: Chọn những thức ăn có vị chanh, cam, vị hoa quả, nước sốt, gia vị mạnh nếu được. Thức ăn hay thức uống có thể hơi lạnh, hoặc nguội. 
  1. Sau giai đoạn điều trị ung thư

Sau khi đã hoàn thành các phương pháp điều trị ung thư, người bệnh nên có chế độ ăn đúng để duy trì sức khỏe tốt, giảm nguy cơ tái phát và phòng các loại bệnh như tim mạch, huyết áp, đái tháo đường. Chế độ ăn cần có đủ rau củ quả, ngũ cốc, thịt, thịt gia cầm nạc, cá, ít béo, hoặc sữa ít béo. Giảm và ngưng uống rượu. Chế độ ăn giàu lượng rau, củ, quả, ngũ cốc giúp hạn chế phá hủy tế bào, phát triển u.

Nếu ăn thức ăn nhiều béo, cơ thể sẽ tiết ra nhiều mật. Muối mật quá nhiều sẽ gây bất lợi đến vi khuẩn có lợi trong ruột, có thể gây thương tổn tế bào, phát triển u. Tuy nhiên cá hay thực phẩm giàu omega 3 có những tác dụng tích cực cho sức khỏe.

Ăn đúng và vận động thể chất thường xuyên (tập thể dục khoảng 30 phút mỗi ngày) giúp làm tăng sức đề kháng, chống lại tế bào ung thư./.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chăm sóc dinh dưỡng cho người bệnh ung thư đại trực tràng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO