Cảnh báo sụt lún nghiêm trọng vùng đồng bằng sông Cửu Long

Bài và ảnh: GIA PHÚ| 29/06/2019 11:28

KHPTO - Lượng phù sa ở đồng bằng sông Cửu Long giảm mạnh, sạt lở diễn ra nghiêm trọng cùng với đó là nước biển dâng 3 mm/năm. Các chuyên gia trong nước và quốc tế trong lĩnh vực biến đổi khí hậu đã đưa ra cảnh báo về nguy cơ sụt lún, mối đe dọa có tính sống còn với khu vực và người dân nơi đây.

100 năm nữa một phần của đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sẽ bị chìm trong nước biển

Gần đây nhất, tại TP. Cần Thơ, Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức “Lễ mít tinh kỷ niệm Ngày quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai” và “Hội thảo khoa học quốc tế về quản lý rủi ro thiên tai cho vùng đất thấp”.

Ông Laurent Umans - bí thư thứ nhất về quản lý nước và biến đổi khí hậu (BĐKH), đại sứ quán Vương quốc Hà Lan cho rằng: Thiên tai là không thể tránh khỏi, nhưng chúng ta có thể ngăn nó trở thành thảm họa. Hiện nay, khu vực Mekong đang chìm, đất đang sụt lún 2,5 cm mỗi năm, lượng phù sa cũng giảm nghiêm trọng, cùng với đó là nước biển dâng 3 mm/năm. Đó là sự báo động, mối đe dọa có tính sống còn với khu vực và người dân nơi đây.

Theo ông Laurent Umans, diễn biến BĐKH trong 30 đến 100 năm nữa, một phần của ĐBSCL sẽ bị chìm trong nước biển; đây là điều khiến cho các nhà đầu tư quan ngại khi muốn đến đầu tư. Trên cơ sở mối quan hệ ngoại giao tốt đẹp giữa hai nước, Hà Lan đã và đang tích cực hỗ trợ Việt Nam thích ứng BĐKH, và sẽ tiếp tục hỗ trợ nhiều hơn nữa trong thời gian tới, đặc biệt là tại ĐBSCL.

ThS. Nguyễn Hữu Thiện - chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL cho biết, hiện nay ĐBSCL đang đối diện với 3 thách thức chính về BĐKH, những vấn đề phát triển thiếu bền vững ở ĐBSCL và tác động của thủy điện Mekong. Trong đó, tác động đáng lo ngại và cấp bách nhất hiện nay là sạt lở và sự sụt lún đất của đồng bằng đang bị chìm rất nhanh, đến 10 lần so với nước biển dâng. Vấn đề sụt lún, nguyên nhân số 1 của sụt lún ở ĐBSCL là do khai thác nước ngầm quá mức. Như vậy, để giải quyết vấn đề sụt lún sẽ không có biện pháp công trình nào có thể giải quyết được gốc rễ vấn đề. Cách duy nhất là phải giảm sử dụng nước ngầm. Muốn giảm sử dụng nước ngầm thì lời giải nằm ở nước mặt, tức là phải giảm ô nhiễm, phục hồi sông rạch lại, không để sông rạch tiếp tục gánh quá nhiều ô nhiễm như hiện nay. Muốn phục hồi sông rạch thì cần xử lý ô nhiễm trước khi thải ra sông. Về công nghiệp ở ĐBSCL cần phải tránh những ngành công nghiệp gây ô nhiễm và những công nghệ lạc hậu. Công nghiệp ở ĐBSCL chỉ nên là những công nghiệp ứng dụng công nghệ sạch, công nghệ chế biến hỗ trợ cho nông nghiệp.

Sạt lở đê biển ngày càng nghiêm trọng

Tỉnh Kiên Giang nằm trải mình bên vịnh Thái Lan thuộc vùng biển Tây, với tuyến đê biển dài hơn 200 km, chạy dài từ huyện Kiên Lương đến huyện An Minh. Trong những năm gần đây, sự xâm thực của biển có xu hướng ngày càng mạnh thêm, mức độ sạt, lở rất nghiêm trọng, do ảnh hưởng trực tiếp từ thủy triều, các dòng chảy từ các cửa sông trong mùa mưa lũ, các tác động do BĐKH và gió mùa tây nam thổi mạnh gây nên sóng lớn phá vỡ cấu trúc rừng phòng hộ, bốc dỡ các gốc cây lâu năm, làm xói lở đê biển và lấn sâu vào đất liền.

Theo Chi cục thủy lợi Kiên Giang, toàn tỉnh hiện có 69,8 km chiều dài đê biển đang bị sạt lở, trong đó có khoảng 30,7 km bị sạt lở rất nghiêm trọng, gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sản xuất của nhân dân. Có 4 huyện ven biển có tuyến đê biển bị sạt lở, nhiều nhất là huyện Hòn Đất (25,9 km), tiếp đến là An Biên (25 km), An Minh (16,9 km) và Kiên Lương (2 km). Sạt lở đê biển xảy ra càng nhanh khi rừng phòng hộ phía ngoài không còn. Thống kê cho thấy, trong 10 năm qua, diện tích bãi bồi ven biển của tỉnh Kiên Giang bị sóng đánh gây sạt lở khoảng 500 ha, chiều rộng bị sạt lở, mất đi đai rừng ven biển từ 60 - 300 m.

Điều đáng lo ngại là các bãi bồi ven biển hiện nay không còn ổn định như trước mà thay đổi theo từng năm. Hiện tượng bồi, lở bờ biển diễn ra theo mùa, theo điều kiện thời tiết cũng như dòng chảy từ các kênh thoát lũ ra biển, mặc dù có những đoạn được bồi đắp nhưng vẫn không đáng kể, tình trạng xói lở vẫn nhiều hơn bồi tụ.

Không chỉ tuyến đê biển mà tuyến đê quốc phòng phía trong bảo vệ sản xuất của người dân cũng đang bị đe dọa. Trước đây, đê quốc phòng cách xa mép biển ít nhất là 500 m nhưng hiện nay có chỗ chỉ còn cách 100 - 200 m. Tỉnh Kiên Giang đã từng thử nghiệm loại kè mềm sử dụng bằng cừ tràm để chắn sóng, tạo bãi trồng rừng phòng hộ nhưng không hiệu quả. Do cây tràm chỉ chịu được khoảng 2 năm là gãy ngang mặt nước, rừng không kịp phát triển. Cừ bằng cây tre có tuổi thọ bền hơn nhưng nguồn nguyên liệu này tại địa phương lại rất hiếm.

Theo chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện, ngoài chuyện sụt lún đất ở đồng bằng, vấn đề sạt lở diễn ra trong giai đoạn 25 năm gần đây từ sau 1992 và càng về sau càng dữ dội hơn. Hiện nay hơn một nửa chiều dài bờ biển ĐBSCL đang bị sạt lở. Tổng sạt lở bờ sông, bờ biển lên đến 891 km. Nguyên nhân chính của sự sạt lở là do thiếu phù sa mịn và thiếu cát; ô nhiễm nước do sông ngòi phải gánh nhiều nguồn chất thải không qua xử lý từ nước thải sinh hoạt, chăn nuôi, thủy sản, công nghiệp và một lượng lớn phân bón thuốc trừ sâu từ nông nghiệp thâm canh ba vụ lúa liên tục trong nhiều năm. Kế tiếp, tác động của thủy điện Mekong. Hiện nay, lượng phù sa mịn đã giảm 50%, từ 160 còn 83 triệu tấn. Dự báo sau khi 11 đập thủy điện ở hạ lưu vực hoàn thành, phù sa mịn sẽ giảm 50% một lần nữa và 100% cát, sỏi sẽ bị chặn lại. Trong ba thách thức nói trên thì tác động của thủy điện là lâu dài, nghiêm trọng, và khó khắc phục nhất vì khi thiếu phù sa và cát thì đất đai sẽ bị bạc màu và sạt lở bờ sông, bờ biển sẽ gia tăng.

Ynh_2_-_RYng_phong_hY_Vam_XYo_Nhau_Yang_bY_xoi_lY_thanh_tYng_mYng_Yn_sau_vao_trong_Ye_biYn

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cảnh báo sụt lún nghiêm trọng vùng đồng bằng sông Cửu Long
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO