Cần thay đổi chương trình đào tạo giáo viên

N. HOA| 12/06/2018 18:40

KHPTO - Với chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới, công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy các môn khoa học xã hội sẽ đóng vai trò quan trọng để đáp ứng các mục tiêu của chương trình và yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông nói chung. TS. Nguyễn Long Giao, hiệu trưởng Trường THCS Lý Thánh Tông (Q.8) đưa ra một số giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên dạy các môn khoa học xã hội ở các trường có đào tạo sư phạm.

Đầu tiên là cần nâng cao năng lực nghề nghiệp của giảng viên của các trường đại học có đào tạo sư phạm.

Điều thứ hai mà TS. Nguyễn Long Giao cho rằng cần thiết là đổi mới, thiết kế lại chương trình đào tạo giáo viên đáp ứng yêu cầu của chương trình sách giáo khoa mới sau 2018.

Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể theo hướng kế thừa, phát huy những ưu điểm của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, đồng thời tham khảo, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của các nước có nền giáo dục phát triển.

Chương trình mới được xây dựng theo hướng chuyển từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh. Do đó, việc phát triển chương trình đào tạo giáo viên phổ thông ở các trường đại học có đào tạo sư phạm theo định hướng phát triển năng lực người học là yêu cầu cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.

Theo đó, chương trình đào tạo giáo viên dạy các môn khoa học xã hội cần hướng tới mục tiêu đào tạo đội ngũ giáo viên có đủ năng lực để có thể dạy chuyên sâu môn ngữ văn, lịch sử, địa lý, giáo dục công dân và các môn khoa học xã hội, theo định hướng:

- Chương trình cần cân đối tỷ lệ khối kiến thức giáo dục đại cương với giáo dục chuyên nghiệp. Trong đó, cần tăng cường khối kiến thức chung, tích hợp liên môn để sinh viên tốt nghiệp có thể đảm nhận dạy học tích hợp trong chương trình phổ thông.

- Chương trình cần có sự phân phối cân đối giữa khối kiến thức cơ bản với khối kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ.

Trong đó, thời lượng dành cho khối kiến thức chuyên môn nghiệp vụ đề xuất chiếm khoảng 30 - 35% trong tổng khối lượng chương trình đào tạo, trong đó phần thực tập, thực tế chuyên môn chiếm khoảng 35 - 40% tổng khối lượng kiến thức chuyên môn nghiệp vụ. Điều này giúp sinh viên tốt nghiệp có được những kiến thức và kinh nghiệm thực tế về chuyên môn, nghiệp vụ, có thể đảm nhận tốt công việc giảng dạy tại trường phổ thông.

- Chương trình cần chú trọng tích hợp giảng dạy kiến thức với kỹ năng mềm và kỹ năng nghề nghiệp; tăng cường năng lực tự học, tự nghiên cứu và làm việc nhóm, rèn luyện kỹ năng thực hành gắn lý thuyết với thực tiễn; phát huy tính chủ động, sáng tạo để sinh viên có khả năng thiết kế các hoạt động trải nghiệm và hướng dẫn học sinh trong nghiên cứu khoa học ở trường phổ thông.

Tiếp theo, TS. Nguyễn Long Giao cho rằng cần đổi mới công tác tuyển sinh để lựa chọn những thí sinh vào sư phạm có năng lực dạy học tốt.

Những năm gần đây, nhiều thí sinh giỏi quay lưng với ngành sư phạm nên việc đào tạo sư phạm đang dần thiếu những thí sinh có đủ tâm, tài và lòng đam mê với “sự nghiệp trồng người”.

Ngành sư phạm có những đặc thù riêng cả về năng lực chuyên môn và đạo đức, vì vậy cần phải sàng lọc để tuyển chọn được những thí sinh có khả năng dạy học và yêu nghề.

Để làm được việc này, ngoài những chính sách và biện pháp đã được thực hiện từ nhiều năm nay, thì biện pháp có ý nghĩa quyết định nhất là Nhà nước, các trường đào tạo sư phạm phải có chính sách và biện pháp đảm bảo đầu ra cho sinh viên sau khi tốt nghiệp có việc làm (được làm đúng nghề dạy học ở trường phổ thông).

Nếu tình trạng thất nghiệp của sinh viên sư phạm vẫn kéo dài thì cho dù các trường đào tạo sư phạm có cố gắng bao nhiêu cũng không thu hút được sinh viên giỏi vào trường.

Bên cạnh đó, trong công tác tuyển sinh cần thực hiện khâu sơ tuyển đầu vào để lựa chọn những thí sinh có năng khiếu và loại bỏ những thí sinh không đủ tâm, tài và lòng đam mê nghề nghiệp...

TS. Nguyễn Long Giao đề nghị thêm về việc tổ chức dạy học theo định hướng phát triển năng lực của sinh viên.

Để thực hiện tốt chương trình đào tạo nhằm phát huy năng lực chủ động, sáng tạo của người học, giảng viên cần tập trung vào các nội dung chính sau: dạy phương pháp học tập cho sinh viên: lập kế hoạch học tập, phương pháp học trên lớp, phương pháp tự học, tự nghiên cứu, làm việc nhóm...

Quản lý tốt học tập trên lớp và tự học của sinh viên bằng ứng dụng công nghệ thông tin. Đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá theo tiếp cận năng lực người học. Tổ chức tốt việc lấy ý kiến sinh viên về chương trình đào tạo, hoạt động của giảng viên và nhà trường sau khi kết thúc môn học và sau khi tốt nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần thay đổi chương trình đào tạo giáo viên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO