Cần tận dụng bùn thải sên vét ao đầm để hạn chế ngập do nước biển dâng cao

KS. NGUYỄN VĂN THƯỚC| 03/01/2019 13:13

KHPTO - Kiến thiết đồng ruộng, đào mới, sên vét, tu sửa, điều chỉnh những phần chưa hoàn thiện trong hệ thống kênh mương, bờ liếp… là hoạt động thường năm của người nuôi tôm. Tuy nhiên, do chưa thể tổ chức đồng loạt và thống nhất giữa các địa phương nên từ nhiều năm qua, hoạt động này đã gây ô nhiễm môi trường nước, gây bồi lắng nhanh dòng chảy và phát sinh thêm nhiều hệ lụy.

Gây ô nhiễm nguồn nước và bồi lắng cạn nhanh dòng chảy

Về mặt môi trường, vật liệu thải ra từ trong quá trình sên vét có thành phần lý hóa vi sinh hết sức phức tạp, mà chính bản thân nó đã trực tiếp gây ra ô nhiễm bùn cho nguồn nước kênh rạch. Tùy thuộc vào tính chất của việc sên vét là đào mới hay sên vét bùn đáy trên mặt ao đầm cũ hoặc sên vét để xử lý mà thành phần chất thải có thể có chất phèn tiềm tàng hay chứa các chất mùn bã hữu cơ độc hại đầy rẫy các chủng loài vi sinh vật gây bệnh tôm và chúng có thể sản sinh các khí độc NH3, H2S, thay đổi các yếu tố môi trường bất lợi, làm ô nhiễm trầm trọng nguồn nước, cứ thế mà mầm bệnh cứ duy trì và lan truyền không thể kiểm soát được.

Ngoài ra, việc đổ trực tiếp các chất bùn thải ra kênh mương, sông rạch sẽ gây bồi lắng mạnh, hạn chế dòng chảy. Điều này liên quan đến việc đối phó với thực trạng nước biển dâng do biến đổi khí hậu. Nếu khoan đất, sên vét ao đầm bơm đổ bùn thải trực tiếp ra kênh, sông rạch, phần lớn đất sẽ trôi theo dòng chảy đến bồi đắp nơi khác, và cứ nối tiếp nhiều năm thì càng ngày mặt đất đồng ruộng sẽ càng sâu thêm.

Những giải pháp đề xuất

Từng hộ nuôi tôm nên bố trí khu đất riêng, không cần lớn lắm, chỉ cần đủ chứa cho một lần sên vét hàng năm, sau đó xử lý và mang đi phục vụ các lợi ích khác để trả lại sức chứa cho lần sên vét sau là được, và nếu khéo léo, sáng tạo

thì nơi chứa này có thể không phải bỏ không mà đôi khi còn tạo thành nguồn thu thêm đáng kể...

Các thành viên trong cộng đồng của từng xóm ấp, chung đường kênh, rạch nên liên kết tổ chức lại sản xuất để hình thành tiểu vùng, vùng nuôi liền kề an toàn dịch bệnh. Trong đó chính cộng đồng sẽ cân nhắc lịch sên vét phù hợp và quản lý việc đổ bùn đất, nước thải ô nhiễm sao cho an toàn, không gây hậu quả xấu hay làm cạn dòng chảy và bảo vệ được tốt môi trường nguồn nước chung.

Trước mỗi mùa vụ sên vét, các địa phương nên có những cuộc họp dân trong từng đường nước, địa phương, từng tiểu vùng để quán triệt chủ trương, tuyên truyền nâng cao nhận thức trong quản lý, xử lý bùn thải trong quá trình sên vét để cho dân hiểu rõ những điều nguy hại và những lợi ích có thể kiếm được từ bùn thải để bà con có ý thức và tích cực, chủ động tham gia thực hiện chủ trương của tỉnh.

Để hướng đến sự bền vững lâu dài, các địa phương, ngành chức năng liên quan nên hình thành cơ chế xây dựng vùng đổ bùn thải tập trung, liên hộ hay từng hộ riêng lẻ và cho phép dịch vụ cung cấp đất cho san lấp, nhằm tận dụng và khắc phục phần nào lượng đất bị mất đi, bằng cách lấy đất từ việc đào, sên vét ao đầm đó đắp thành bờ, liếp, công viên công cộng lớn hoặc khu chứa riêng thành rừng, vườn rau, cây ăn trái... để khi cần thì có đất trả lại những nơi đã lấy trước đây.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần tận dụng bùn thải sên vét ao đầm để hạn chế ngập do nước biển dâng cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO