Cần hoàn chỉnh Dự Luật Sở hữu trí tuệ

11/06/2005 04:38

Theo Ban soạn thảo Dự Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) thì dự kiến luật này sẽ được Quốc hội xem xét và có thể được thông qua trong năm 2005. Đây là một tin mừng cho giới khoa học công nghệ và doanh nghiệp. Tuy nhiên, để đạo luật thực sự hữu ích và có tính thực thi cao thì các nhà làm luật còn phải làm rất nhiều việc.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam kết hợp với Ban soạn thảo Luật đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tiếp xúc với doanh nghiệp, nhà chuyên môn và người quan tâm để lắng nghe ý kiến đóng góp hoàn chỉnh Luật.

Như đã đề cập tại Tờ trình Chính phủ của Bộ Khoa học & Công nghệ (KH&CN), dự thảo luật mới đã đưa vào hầu hết các đối tượng cần được bảo hộ theo Luật SHTT, về cơ bản đã đáp ứng được “tính đầy đủ” mà các Điều ước quốc tế chúng ta tham gia yêu cầu, trong một phạm vi nhất định dự thảo Luật SHTT đã thể hiện được các cam kết của Việt Nam đối với quốc tế. Tuy vậy nhiều ý kiến chỉ ra những điểm thiếu sót, chưa phù hợp của dự luật. Có thể tựu trung ở các vấn đề nổi bật như sau:

Tính tương thích với pháp luật và tập quán thương mại quốc tế, đặc biệt là với Hiệp định Thương mại Việt Mỹ còn chưa cao, điều này được thể hiện tại các quy định liên quan tới điều kiện để xác lập quyền sở hữu trí tuệ của một số đối tượng nhất định, các điều kiện này chưa được luật hóa một cách rõ ràng, đôi khi còn mang nhiều tính chất định tính.

Những quy định trong Dự thảo Luật chưa được quy định rõ ràng rành mạch. Nếu như một số điều khoản trong Dự thảo luật được quy định khá rõ ràng chi tiết (sáng chế, giải pháp hữu ích) thì ngược lại ở một số quy định khác lại chưa được như vậy. Một ví dụ cụ thể, đó là: Có thể thấy xuyên suốt trong các Điều 314, 315 và 348 (quy định về Nhãn hiệu hàng hóa) cụm từ “tương tự gây nhầm lẫn” giữa các nhãn hiệu hàng hóa được lặp đi lặp lại khá nhiều lần, tuy nhiên Dự thảo Luật lại hoàn toàn không đưa ra giải thích thế nào là “tương tự gây nhầm lẫn” hoặc ít nhất các tiêu chí để đánh giá nó. Lưu ý rằng theo pháp luật Hoa Kỳ thì để đánh giá khả năng “tương tự gây nhầm lẫn” - luật án lệ Hoa Kỳ đã đưa ra tám tiêu chí khá rõ ràng để đánh giá khả năng này. Dự thảo luật nên làm rõ thế nào là “tương tự gây nhầm lẫn” trong các quy định về Nhãn hiệu hàng hóa vì tại các quy định khác liên quan tới Kiểu dáng công nghiệp, Dự thảo luật đưa ra các tiêu chí để đánh giá sự “khác biệt cơ bản” thì không có lý do gì lại không đưa ra tiêu chí đánh giá khả năng “tương tự gây nhầm lẫn”. Cũng xin nhấn mạnh thêm rằng, nếu Dự thảo bổ sung thêm những tiêu chí này vào luật thì công tác thực thi quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là công tác phòng chống hàng giả sẽ thuận lợi hơn rất nhiều, ngoài ra cũng giúp cho người dân và các doanh nghiệp dễ dàng nhận thức hơn khi tiếp cận và tìm hiểu luật để có thể xây dựng, quảng bá và bảo vệ cho các nhãn hiệu hàng hóa của mình.

Các quy định liên quan tới trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước liên quan đến công tác thực thi quyền SHTT còn quá mỏng và chung chung (chỉ gồm có 3 điều từ 450 - 452), thậm chí còn không được quy định chi tiết bằng phần liên quan tới “Đại diện sở hữu trí tuệ”. Trên thực tế, Dự thảo Luật mới chỉ nêu được các chức năng thực thi quyền sở hữu trí tuệ cơ bản của các Bộ ngành, chứ chưa đưa ra được các nguyên tắc phối kết hợp trong việc thực thi quyền SHTT. Vai trò của Tòa án, một cơ quan rất quan trọng trong việc đảm bảo thực thi quyền SHTT, được quy định khá mờ nhạt trong Dự thảo Luật. Theo quan điểm của nhiều người, Tòa án phải là cơ quan quan trọng nhất trong việc thẩm định tính đúng sai của các quyết định được ban hành bởi các Cơ quan thực thi quyền SHHT khác, tránh trường hợp chính Cơ quan ra quyết định lại ra một văn bản khác khẳng định tính chính xác của văn bản do mình ban hành.

Dự thảo Luật SHTT đưa ra nhiều điều luật có khả năng xung đột với các quy phạm pháp luật khác đang có hiệu lực. Theo nhiều chuyên gia luật, không nên quy định các quy phạm tố tụng (khiếu nại tố cáo) cho riêng quan hệ SHTT (Mục 1, Chương XIII) vì chúng ta đã có Luật Tố tụng Dân sự, Luật tố tụng Hình sự và các quy định tố tụng Hành chính, thông thường một quan hệ SHTT mang tính chất dân sự, nếu nó có dấu hiệu hình sự thì cũng đã có luật tố tụng hình sự. Không nên đưa các quy phạm tốtụng vào các luật chuyên ngành vì nếu luật chuyên ngành nào cũng có các quy định tố tụng riêng cho mình thì nó sẽ phá vỡ tổng thể các quy định về tố tụng chung. Không nên quy định phần Đại diện Sở hữu Trí tuệ thành một chương riêng biệt với quá nhiều điều khoản như đang có trong Dự thảo Luật. Chúng ta đã quy định hoạt động đại diện trong Bộ Luật Dân sự, trong Luật Thương mại (kể cả trong Luật Thương mại sửa đổi), trong Luật Doanh nghiệp và trong Luật Khoa học và Công nghệ. Chỉ nên quy định những điều khoản cơ bản nhất, trọng yếu nhất liên quan tới hoạt động đại diện SHTT.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần hoàn chỉnh Dự Luật Sở hữu trí tuệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO