Cách nấu nước bồ hòn tại nhà

THIÊN HƯƠNG| 10/08/2018 18:15

KHPTO - Bồ hòn, từ nhiều thập kỷ trước, đã được người Việt Nam nói riêng, các nước trong khu vực châu Á, trong đó có Ấn Độ, Indonesia... sử dụng làm nguyên liệu chính để tạo nên chất tẩy rửa tự nhiên. Theo sự phát triển của công nghệ sản xuất các sản phẩm cho sinh hoạt gia đình và cuộc sống hiện đại, người ta lãng quên bồ hòn. Và nay, nếu bạn thực sự quan tâm đến sức khỏe của gia đình mình cũng như môi trường, hãy quay lại với bồ hòn.

Nguyên liệu

- 1 chai tạo bọt dung tích khoảng 250 ml (mua ở siêu thị hàng Nhật, giá khoảng 40.000 đồng/chai).

- 250 ml nước.

- 5 trái bồ hòn.

- 1 mẩu giấy lọc/vải lọc.

- 1 phễu rót.

Cách nấu (cho người không có nhiều thời gian)

- Bẻ trái bồ hòn làm đôi hoặc thành những miếng nhỏ hơn và cho vào nồi.

- Đong đầy chai tạo bọt cho đủ 250 ml nước hơi âm ấm - ngâm trái bồ hòn qua đêm. Sáng hôm sau bạn sẽ thấy nước ngâm trong suốt và có màu vàng nhạt. Lọc nước đó và bỏ vào chai.

- Đặt giấy lọc vào miệng phễu và cho lên trên chai tạo bọt.

- Giữ lại trái đã ngâm (để dùng khi có quần áo bẩn thì chà trực tiếp trái lên, hoặc chén - dao - thớt quá bẩn thì chà trái lên) và rót nước bồ hòn qua phễu lọc vào chai.

- Có thể dùng giấy lọc cà phê, vải, phin lọc cà phê... tùy bạn, miễn là lọc cho nước trong nhất có thể vì chai tạo bọt có thể bị tắc nếu có cặn nhỏ trong nước.

- Đóng nắp lại và thưởng thức bọt trái bồ hòn - mịn - dày và hoàn toàn tự nhiên làm sạch cơ thể bạn.

Cách nấu đậm đặc, nhiều nguyên liệu (cho người có thời gian)

- 1 ly 200 ml đầy trái bồ hòn Việt Nam khô đã tách hạt, khoảng 20 trái.

- 1 thanh vỏ quế.

- Vỏ của 1/3 trái bưởi, có thể dùng vỏ cam, chanh (chanh vàng là thơm nhất).

- 1 lít nước máy hay nước giếng, nước mưa.

- Ngâm bồ hòn trong nước qua đêm, khoảng 12 tiếng. Ngâm trong nồi thủy tinh, tráng men, inox.

- Đun sôi bồ hòn và quế, kể từ lúc sôi ninh nhỏ lửa thêm 45 phút.

- Bào vỏ bưởi bằng dụng cụ chuyên dụng, chỉ lấy phần tinh dầu rất mỏng ngoài cùng. Khi nấu bồ hòn gần xong thì hãm vỏ bưởi bào như pha trà để có được tinh dầu bưởi. Chắt nước cốt cho vào nồi bồ hòn, sôi lại thì bắc ra.

- Để nguội, lọc qua rây vải màn, cho vào chai, chai nhấn tạo bọt dùng tiết kiệm hơn nhiều và cũng tiện hơn nhiều.

* Nếu thấy bọt này quá đậm đặc so với da bạn, bạn có thể giảm lượng bồ hòn cho vào hoặc giảm thời gian ngâm. Nếu muốn nó đậm đặc hơn, bạn có thể cho thêm bồ hòn hoặc ngâm lâu hơn (có thể 2 ngày).

* Sau khi lọc lấy nước đầu của trái bồ hòn, bạn nên chắt nước vào một bình riêng và tiếp tục đun lại trái bồ hòn lần thứ hai - cũng với lượng nước tương tự, thời gian đun vẫn là 30 phút.

Lần 2 khi lọc nước, bạn nhớ chắt vào một bình riêng và đun thêm bồ hòn lần thứ ba và thứ tư vì chất tẩy sạch trong bồ hòn vẫn còn. Mỗi lần đun là một bình riêng để sử dụng cho dễ.

Cách dùng

1. Bạn lấy nước đầu của trái bồ hòn để giặt quần áo, lượng giặt cho một mẻ đồ khoảng 7 kg bằng khoảng 50 ml nước bồ hòn đậm đặc (bạn có thể cho nhiều hơn cũng không sao cả, giống như bạn thích dùng nhiều hay ít xà phòng thôi).

Nếu có thời gian, bạn nên ngâm đồ trong 30 phút, đồ sau khi giặt sẽ sạch hơn.

Nước giặt bồ hòn giặt rất sạch, không đọng lại hóa chất trong vải, rất thích hợp giặt các loại vải như len, lụa vì những loại vải này ít chịu được đồ kiềm của xà phòng. Bạn đừng lo, nước bồ hòn tuy sậm màu nhưng không hề để lại dấu vết gì lên đồ màu trắng hết.

2. Vẫn là loại nước đầu, bạn để riêng một bình để rửa chén bát.

Cách rửa: bạn chỉ cần cho một lượng nước bồ hòn vừa đủ - áng chừng theo ý bạn, vào một chén có sẵn rồi bóp nhẹ nhàng là bông sẽ ra bọt giống nước rửa chén công nghiệp.

Bạn có thể đổ chút giấm vào nước tráng chén bát để chén đĩa thơm và có độ bóng đẹp giống như ở nhà hàng.

3. Dùng nước bồ hòn đậm đặc này thay nước lau sàn nhà rất sạch, an toàn, không hóa chất. Nếu nhà có trẻ em, lau nhà bằng nước bồ hòn an toàn, cho trẻ em bò chơi trên sàn nhà thoải mái mà không lo hóa chất tẩy rửa gây ảnh hưởng đến bé.

4. Bạn lấy một lượng nước bồ hòn vừa đủ, dùng máy đánh trứng đánh trong 5 phút, nước bồ hòn sẽ tạo bọt quánh đặc, bạn dùng bọt này để cạo râu, cạo lông mặt, lông nách, lông tay chân và cả vùng bikini nữa. Bọt này bạn có thể dùng để tắm thay sữa tắm. Khi đã tạo bọt bồ hòn, bạn để cả ngày nhưng bọt vẫn không tan đi.

5. Với loại nước bồ hòn nấu lần hai, bạn có thể cho vào vài lát chanh rồi cho vào chai xịt, dùng để thay nước rửa tay, lau chùi các vật dụng, lau kính, xịt kiến, muỗi, tẩy bàn bếp, rửa xe, tắm cho thú cưng rất hiệu quả và sạch. Với lau kính hay bàn ăn, bạn thêm một giọt tinh dầu ưa thích vào sẽ thơm hơn.

6. Với nước bồ hòn nấu lần ba, bạn dùng để gội đầu, có thể kết hợp gội cùng các loại dầu gội thảo dược hoặc dầu gội thiên nhiên để tăng hiệu quả.

Nếu dùng để rửa mặt, dung dịch bồ hòn đặc tạo bọt có thể làm da bạn rất khô, do vậy hãy điều chỉnh độ đặc phù hợp với da của bạn. Và nước bồ hòn nấu lần ba là phù hợp nhất cho da mặt. Vùng da đặc biệt nhiều dầu như cánh mũi, cằm, lưng, lấy chút bọt xoa nhẹ, thấm bằng giấy, rồi rửa lại bằng nước, dầu giảm đáng kể. Chú ý, không để dây vào mắt.

7. Nước bồ hòn nấu lần ba, bạn cho vào bình xịt, xịt lên lá rau sẽ ngừa được sâu bệnh, rệp cho cây mà không phải dùng các loại hóa chất độc hại khác.

8. Nước bồ hòn nấu lần thứ tư, thậm chí là thứ năm, bạn nên cho vào đó vài cánh hoa lài, hoa bưởi, xắt vỏ chanh, vỏ cam hay vỏ bưởi đun cùng để có độ thơm dịu.

Lọc kỹ lấy nước này rồi cất tủ lạnh, dùng để tắm, đặc biệt là tắm cho trẻ em lành da và trị rôm sảy cho bé.

Nước bồ hòn cho vào chai và không có hoặc rất ít tiếp xúc với không khí thì có thể giữ được 3 tuần (với trường hợp đóng kín lọ, không để nước hở ra tiếp xúc với không khí) trong tủ lạnh.

Để bảo quản được nước bồ hòn lâu hơn, bạn nên rót bồ hòn vào các khay đá viên để trữ đông lạnh, mỗi lần cần giặt, bạn cho ba đến bốn viên bồ hòn vào máy giặt cùng với quần áo và giặt như bình thường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cách nấu nước bồ hòn tại nhà
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO