Cách giao tiếp của sinh viên khiến nhiều giảng viên “choáng váng”!

Như Hoa| 30/11/2018 15:38

KHPTO - Do thiếu vốn xã hội, nhiều sinh viên giao tiếp không tốt. ThS. Từ Thị Thanh Mỵ, khoa luật và khoa học chính trị, Trường đại học An Giang cho biết, nhiều giảng viên đã không khỏi “choáng váng” vì nhận một bức thư điện tử trắng trơn không lời chào hỏi, không có phần giới thiệu bản thân cũng như cách trình bày một bức thư cụ thể mà chỉ có duy nhất file đính kèm và địa chỉ người gửi.

Tác động của vốn xã hội đến việc nâng cao chất lượng sinh viên

Thứ nhất, tác động đến việc rèn luyện chuẩn mực, đạo đức cho sinh viên. Chuẩn mực, đạo đức là những phẩm chất tốt đẹp và sự hoàn thiện nhân cách của con người, được biểu hiện trong học tập, thực tiễn lao động sản xuất và sáng tạo cá nhân. Những giá trị đó gắn liền với năng lực tư duy và hành động cụ thể của sinh viên, tạo nên chất lượng của một sinh viên tốt. Chuẩn mực, đạo đức tạo ra động cơ bên trong của chủ thể, thúc đẩy và điều chỉnh hoạt động của sinh viên. Nói cách khác, chuẩn mực, đạo đức góp phần vào việc phát huy vai trò của các yếu tố thể lực và trí lực của sinh viên với tư cách nguồn lực của xã hội. Như vậy, rõ ràng vốn xã hội góp phần hoàn thiện bản thân mỗi sinh viên. Có chuẩn mực, đạo đức tốt thì sinh viên sẽ phát triển toàn diện hơn, đáp ứng với nhu cầu nguồn nhân lực cao trong thời đại mới.

Thứ hai, tác động đến việc học tập của sinh viên. Để trở thành nguồn nhân lực có chất lượng cao, trước hết sinh viên phải là những người học tập tốt và chuyên môn giỏi. Trong thực tế, vốn xã hội góp phần nâng cao kết quả học tập cho sinh viên. Cụ thể là:

-Thúc đẩy hiệu quả hoạt động nhóm. Vốn xã hội cho phép sinh viên giải quyết các vấn đề tập thể dễ dàng hơn, mọi người thường có lợi nếu họ hợp tác với nhau để giải quyết phần việc của mình. Qua đó, hình thành sự tin tưởng và đáng tin tưởng, thì các mối quan hệ xã hội và các buổi làm việc nhóm sẽ đạt hiệu quả và ít tốn thời gian hơn.

-Phát huy tinh thần tự học, tự nghiên cứu và khả năng sáng tạo, năng động. Có vốn xã hội có nghĩa là sinh viên có niềm tin, niềm tin vào bản thân, niềm tin vào bạn bè và niềm tin vào cuộc sống. Điều đó sẽ rất giúp ít cho việc sinh viên hòa nhập vào môi trường mới, tự tin thể hiện năng lực bản thân. Đây sẽ là bước đệm quan trọng trong việc rèn luyện một người lao động có tinh thần và tác phong công nghiệp hiện đại.

-Sinh viên có vốn xã hội rộng sẽ học hỏi được nhiều kiến thức từ nhiều nguồn thông tin khác nhau, hay chia sẻ những thông tin có lợi cho nhiều bạn sinh viên khác, góp phần tạo một môi trường học tập hiệu quả, đoàn kết.

Có chuyên môn tốt, có kiến thức rộng, có phẩm chất đạo đức tốt, thật thà, siêng năng, trung thực thì các sinh viên sẽ là một nguồn nhân lực có chất lượng cao trong tương lai, từ đó cần phải thấy được vai trò của vốn xã hội là hết sức thiết thực.

Thứ ba, tác động đến việc rèn luyện những kỹ năng mềm cho sinh viên. Thực tế chứng minh, giàu vốn xã hội, đặc biệt là có niềm tin, có mạng lưới quan hệ xã hội thông thoáng sẽ rất có ích cho sinh viên trong việc học tập và rèn luyện những kỹ năng, như kỹ năng giao tiếp, ngoại ngữ, kỹ năng diễn đạt, quản trị, khả năng hợp tác, hay làm việc theo nhóm… Những kỹ năng này đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành một đội ngũ lao động có trình độ cao.

Ngoài ra, có vốn xã hội, sinh viên có thể nâng cao cơ hội tìm kiếm việc làm. ThS. Từ Thị Thanh Mỵ cho rằng, thông tin tuyển dụng phần lớn không được đăng tải chính thức trên các phương tiện truyền thông, mà qua truyền miệng. Do đó rất nhiều người tìm được việc qua bạn bè giới thiệu và thực tế cũng cho thấy tỉ lệ hài lòng với công việc cao hơn, tỉ lệ bỏ việc thấp hơn trong nhóm những người xin việc qua các mối quan hệ cá nhân như thế này.

Theo ThS. Từ Thị Thanh Mỵ, vốn xã hội đối với một sinh viên có thể đơn giản là các mối quan hệ xã hội mà sinh viên đó có, được xây dựng trên sự tin tưởng và có tính cố kết chặt chẽ. Một người nói rằng danh sách bạn bè của mình có hơn 100 người, nhưng có khi cả năm không nói chuyện với nhau thì đó không phải là những mối quan hệ bền vững. Mặt khác, một người có ít hơn 100 bạn, nhưng lại thường xuyên nói chuyện, hỏi thăm, trao đổi thư từ, gặp gỡ những người này thì rõ ràng là vốn xã hội mà người này có lớn hơn nhiều. Giàu vốn xã hội hay nói cách khác là giàu các mối quan hệ xã hội dựa trên sự tin tưởng, tích cực và bền chặt là có ý nghĩa quan trọng trong các hoạt động của sinh viên, giúp sinh viên tin tưởng, siêng năng hơn trong học tập, hạnh phúc và thành công hơn trong cuộc sống. Từ đó, giúp cho sinh viên có được sự tự tin vào bản thân, ngày càng có tinh thần cầu tiến và tích cực học tập, hoạt động rèn luyện hiệu quả hơn.

Những hạn chế tồn tại khi sinh viên thiếu vốn xã hội

ThS. Từ Thị Thanh Mỵ cho biết, sinh viên hiện nay, những người được coi là tri thức trẻ trong thời kỳ hội nhập, thế nhưng do thiếu vốn xã hội vẫn đang vướng phải những hạn chế cố hữu:

Một là, sinh viên có tâm lý ỷ lại và thiếu sự đột phá. Rõ ràng trong bối cảnh toàn cầu hóa, sinh viên hoàn toàn có thể chủ động tìm kiếm những phương pháp học tập mới cũng như những cơ hội cho riêng mình thông qua các mối quan hệ xã hội. Thay vào đó, các bạn đòi hỏi quá nhiều từ phía nhà trường, phía các giảng viên, đoàn thể mà chưa thật sự dấn thân vào để tìm hiểu những ý tưởng đột phá riêng. Thực tế, hầu hết các bạn sinh viên đều bày tỏ bức xúc việc này, không hài lòng việc kia trên mạng xã hội, thế nhưng lại không có nhiều sinh viên sử dụng công cụ này cho việc học tập và trao đổi thông tin hiệu quả. Sinh viên có thể kết bạn với nhiều sinh viên các trường khác để trao đổi phương pháp học tập hay những thông tin hữu ích. Các bạn quên mất rằng trong thời đại này thì việc tự đi trải nghiệm và khám phá mới tạo ra giá trị bản thân.

Hai là, sinh viên thiếu tinh thần kỷ luật và ý thức gắn kết cộng đồng. Một bộ phận sinh viên vẫn còn chủ quan vào bản thân mình và tự coi phương thức học tập cá nhân, làm việc độc lập là hiệu quả. Từ đó, dẫn đến tác phong thụ động, kém linh hoạt và chưa thích ứng với môi trường mới, chưa đáp ứng được với yêu cầu hội nhập của xã hội.

Ba là, đa phần sinh viên thiếu tinh thần học hỏi, chưa thực sự cầu thị, chưa biết lượng sức mình, thiếu khiêm tốn. Sinh viên đang là lứa tuổi căng tràn nhựa sống, nhất là trong thời đại mới, sinh viên rất hãnh tiến, tự tin vào bản thân mình. Vì thế, nhiều sinh viên sinh ra tự cao, tự phụ coi mình là có tài, xem thường lớp người đi trước. Sinh viên ôm nhiều mộng lớn đôi khi cứ ngỡ việc gì mình cũng có thể làm được. Nhiều người khi thấy bạn mình làm được việc này việc kia cũng xem thường việc đó mình không làm chứ nếu làm cũng làm được. Điều này làm cản trở sự tiến bộ của sinh viên. Thực ra nói và làm khác nhau, để bắt tay vào làm việc gì đó đạt thành công lại càng không dễ. Vì điểm này mà nhiều sinh viên thường mang tiếng là thiếu khiêm tốn, thiếu cầu thị, chưa biết lượng sức mình. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến nguồn nhân lực ở nước ta còn chưa được coi trọng.

Bốn là, không quí trọng và tiết kiệm thời gian. Trong quá trình học tập, sinh viên thường có thói quen đến lúc thi mới học, bài đến hạn mới làm, làm việc cứ khất lần việc này việc kia vì cho rằng đi đâu mà vội, nhưng có sự biến đột xuất là công việc bỏ bê, cuống quít cả lên, chất lượng không cao. Điều này sẽ hình thành cho sinh viên thói quen ỷ lại, thụ động và làm việc chưa khoa học, tương lai có thể sẽ không chịu được áp lực khi làm việc trong môi trường công nghiệp, hợp tác và cạnh tranh.

Năm là, giao tiếp kém trong nhiều trường hợp do thiếu vốn xã hội. Hạn chế từ kỹ năng gửi email, cách xưng hô với thầy cô qua thư từ điện tử. Thực tế nhiều giảng viên đã không khỏi “choáng váng” vì nhận một bức thư điện tử trắng trơn không lời chào hỏi, không có phần giới thiệu bản thân cũng như cách trình bày một bức thư cụ thể mà chỉ có duy nhất file đính kèm và địa chỉ người gửi.

Hay trong kỹ năng viết thư cũng vậy, thực tế nhiều đơn vị tuyển dụng cho biết hầu hết sinh viên gửi một bức thư hoặc gọi điện thoại đến đơn vị mà nói năng rất cộc lốc, thư viết sai chính tả, cấu trúc ngữ pháp khiến các đơn vị tuyển dụng “trừ điểm” khi đưa ra quyết định tuyển dụng. Kỹ năng viết thư xin việc là rất quan trọng vì một bức thư cẩu thả như vậy thì điều đầu tiên là thái độ của ứng viên không có chỉnh chu và đầu tư. Từ đó, nhà tuyển dụng cũng có thể đánh giá thái độ sau này của ứng viên. Với đa số các nhà tuyển dụng giao tiếp dù thể hiện ở hình thức nào, ngôn ngữ hay hình thể, ngôn ngữ nói hay ngôn ngữ viết đều quan trọng nhất đối với một ứng cử viên, đặc biệt là sinh viên xin việc. Và đây là một kỹ năng cần phải rèn luyện thật tốt thì mới có thể trở thành một lực lượng lao động có chất lượng.

Sáu là, ngày càng quen với tâm lý hưởng thụ. Thực tế hiện nay, một bộ phận sinh viên vẫn còn quen với tâm lý hưởng thụ, thích vui chơi thay vì chăm đọc sách, siêng năng đi thư viện, tham gia các lớp tập huấn cũng như các hoạt động bổ ích. Cũng chính vì lẽ đó, sinh viên gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình trau dồi và mở rộng tri thức, mặt khác, khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm. Thực trạng sinh viên hiện nay thiếu những kỹ năng mềm, không đáp ứng được nhu cầu cạnh tranh của xã hội, đặc biệt là sinh viên của các khối xã hội, các bạn càng thiếu cơ hội tiếp xúc với việc rèn luyện kỹ năng mềm. Trong bối cảnh cạnh tranh về nguồn lực lao động giữa các trường trong khu vực thì việc sở hữu những kỹ năng cơ bản và phát huy tính chủ động sẽ là lợi thế để hội nhập và phát triển.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cách giao tiếp của sinh viên khiến nhiều giảng viên “choáng váng”!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO